Khác với IQ thường tập trung vào khả năng tư duy logic, EQ đóng vai trò như chiếc "chìa khóa" để mở ra và duy trì các mối quan hệ lành mạnh. EQ cao giúp chúng ta giao tiếp hiệu quả, dễ dàng thích nghi với môi trường làm việc, đạt được những mục tiêu cá nhân và xây dựng sự nghiệp thành công.

Trong quá trình trưởng thành của con người, đặc biệt là giai đoạn khi còn nhỏ, chúng ta không chỉ cần kiến thức sách vở để xây dựng IQ mà còn cần phải được rèn luyện những kỹ năng sống thiết yếu, bao gồm cả chỉ số cảm xúc EQ. Nếu như nhà trường đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp kiến thức, thì gia đình chính là môi trường lý tưởng để trẻ phát triển EQ. Cha mẹ, với vai trò là những người đồng hành tin cậy, sẽ giúp con trẻ hình thành và hoàn thiện những kỹ năng giao tiếp, cảm xúc và xã hội, chuẩn bị hành trang vững chắc cho tương lai.

Thế nhưng, không ít các vấn đề quan ngại đã xảy ra trong quá trình định hình và phát triển EQ ở trẻ mà nhiều bậc phụ huynh ngày nay đang mắc phải.

Trẻ có EQ thấp thường sinh ra trong những kiểu gia đình này- Ảnh 1.

EQ đóng vai trò như chiếc "chìa khóa" để mở ra và duy trì các mối quan hệ lành mạnh.

Trước tiên là bắt nguồn từ phong cách nuôi dạy, yếu tố này đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển chỉ số cảm xúc ở trẻ. Có không ít các cha mẹ vì thương con nên đã quá bao bọc, biến trẻ trở thành những "con sâu bướm" không có khả năng tự thoát ra khỏi cái "kén" của chính mình, không có cơ hội để tự lập, dẫn đến trẻ thiếu tự tin và khó hòa nhập với môi trường mới. Việc nuông chiều con quá mức cũng khiến trẻ trở nên ích kỷ hơn, thiếu khả năng đồng cảm và sẻ chia với mọi người xung quanh.

Và ngược lại cũng có những bậc phụ huynh kiểm soát con cái một cách chặt chẽ với mong muốn con cái mình luôn ngoan ngoãn và tuân thủ. Tuy nhiên, có một nghịch lý thú vị rằng: Những đứa trẻ lớn lên trong môi trường quá khắt khe thường có xu hướng nổi loạn và hành động trái ngược với mong đợi của cha mẹ.

Tiến sĩ tâm lý Rochelle F. Hentges cũng đã cảnh báo rằng, cách giáo dục quá nghiêm khắc có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng như việc trẻ em dễ dàng dính líu đến các hành vi vi phạm pháp luật. Điều này cho thấy, việc kiểm soát quá mức không chỉ vô hiệu mà còn có thể phản tác dụng, đe dọa đến tương lai của chính những đứa trẻ mà cha mẹ muốn bảo vệ.

Yếu tố thứ hai ảnh hưởng đến việc phát triển EQ của trẻ mà bậc làm cha mẹ cần phải quan tâm và cải thiện chính là môi trường gia đình. "Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng", một đứa trẻ lớn lên trong một gia đình thường xuyên xảy ra xung đột, chứng kiến những mâu thuẫn và căng thẳng giữa cha mẹ, sẽ luôn cảm thấy lo lắng, sợ hãi và khó khăn trong việc xây dựng lòng tin. Không những thế, nếu cha mẹ cũng là người có EQ thấp, không biết cách quản lý cảm xúc của mình và kém hiệu quả trong giao tiếp, cũng khiến trẻ sẽ khó có cơ hội học hỏi được những kỹ năng xã hội cần thiết. 

Trẻ có thể bắt chước hành vi của cha mẹ, dễ nổi nóng, bốc đồng, khó kiểm soát hành vi, dẫn đến khó khăn trong việc xây dựng các mối quan hệ lành mạnh. Sự thiếu quan tâm, chia sẻ và tình cảm từ phía cha mẹ khiến trẻ cảm thấy cô đơn, thiếu an toàn, khó hình thành mối liên kết với người khác. Điều này dẫn đến hệ luỵ của việc trẻ trở nên tự thu mình, thiếu tự tin và khó khăn trong việc thích nghi với môi trường xã hội.

Bên cạnh đó cũng còn là những yếu tố khách quan như bạo lực học đường, áp lực học tập hay thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử,... cũng ảnh hưởng rất nhiều đến tâm lý và sự phát triển EQ của trẻ. Chỉ có sự quan tâm từ gia đình mới là "chìa khoá" phù hợp nhất để bảo vệ trẻ khỏi những yếu tố tiêu cực trên.

Trẻ có EQ thấp thường sinh ra trong những kiểu gia đình này- Ảnh 2.

Cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển chỉ số cảm xúc ở trẻ.

Bởi vậy, để nâng cao chỉ số EQ cho trẻ một cách toàn diện, chúng ta cần tạo ra một môi trường nuôi dưỡng và giáo dục phù hợp. Việc xây dựng một mối quan hệ tin cậy, ấm áp với trẻ là nền tảng quan trọng. Cha mẹ, người thân trong gia đình nên dành thời gian lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ với trẻ nhiều hơn, chấp nhận những cảm xúc tiêu cực của trẻ và hướng dẫn trẻ cách xử lý. Cần phải dạy trẻ cách nhận biết và quản lý cảm xúc thông qua các trò chơi, câu chuyện hoặc các tình huống thực tế để giúp trẻ hiểu rõ hơn về bản thân; tạo cơ hội cho trẻ tham gia các hoạt động xã hội, như các câu lạc bộ, các hoạt động tình nguyện cũng là một ý tưởng không tồi. 

"20% tương lai của một người phụ thuộc vào chỉ số IQ, và 80% phụ thuộc vào EQ", rèn luyện và phát triển EQ ở trẻ là một hành trình dài, vậy nên hy vọng các bậc cha mẹ sẽ luôn là tấm gương sáng soi rọi và định hướng tương lai của trẻ. 

Tổng hợp