Những điều cha mẹ nói đôi khi có thể vô tình làm tổn thương đến sự tự tin, lòng tự trọng của trẻ, thậm chí khiến trẻ không còn chia sẻ với cha mẹ những việc lớn nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Do đó, cha mẹ biết ăn nói, có kỹ năng giao tiếp tốt có thể giúp xây dựng lòng tự trọng của trẻ và giúp trẻ học cách quản lý cảm xúc của mình.

Trẻ em đôi khi nghi ngờ hoặc thiếu tự tin vào bản thân. Lúc này, cha mẹ có thể nhắc nhở con rằng, cha mẹ sẽ luôn ở bên cạnh, trẻ bất cứ lúc nào cũng có thể dựa vào cha mẹ, cha mẹ cũng sẽ trở thành chỗ dựa vững chắc nhất của con, sẽ hỗ trợ, giúp đỡ trẻ vô điều kiện. Điều này có thể khuyến khích trẻ dũng cảm cố gắng và tự mình phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình. Mặt khác, điều này cũng có thể dần dần tạo dựng lòng tin giữa cha mẹ và con cái, tạo cho trẻ cảm giác an toàn và tự tin. Nếu được đồng hành cùng cha mẹ, trẻ sẽ tự nhiên dũng cảm hơn để đối mặt với mọi khó khăn trong cuộc sống!

Dưới đây là 10 câu nói mà bậc làm cha mẹ nên tránh nói để không làm tổn thương trẻ, từ đó khiến trẻ trở thành những đứa trẻ tự ti, EQ thấp.

1. Đừng làm phiền bố/mẹ, bố/mẹ đang bận lắm!

Nếu phụ huynh thường xuyên nói với trẻ câu này, trẻ sẽ cảm thấy cha mẹ từ chối quan tâm mình, lúc nào cũng muốn đẩy mình ra xa. Dần dần, trẻ sẽ mất đi mong muốn được nói chuyện, tâm sự, chia sẻ với cha mẹ.

Trẻ em có EQ thấp và thiếu tự tin? Cha mẹ hay nói 10 câu này chính là nguyên nhân! - Ảnh 1.

2. Nếu con là con gái/con trai thì quá tốt rồi

Đứng ở góc độ trẻ con, lời nói như vậy không hề buồn cười, ngược lại nó như một cách phủ nhận giới tính, khiến trẻ nghĩ rằng cha mẹ không thích mình hoặc chỉ bởi vì mình không phải con trai/con gái nên mới không có được tình yêu thương của cha mẹ. Suy nghĩ sai lệch sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của trẻ.

3. Đừng hỏi nữa!

Trẻ con rất thích khám phá thế giới. Đặt ra các câu hỏi là biểu hiện chúng đang chủ động học hỏi, tìm tòi. Nếu trẻ hỏi các vấn đề khác nhau nhưng cha mẹ lại cắt ngang, không cho trẻ hỏi nữa, lâu dần, trẻ sẽ nghĩ rằng cha mẹ mất kiên nhẫn, không dám hỏi han, giao tiếp nữa.

4. Lớn lên đừng có như bố/mẹ!

Một số bậc phụ huynh thường nói đùa với con mình: "Sau này đừng có như bố/mẹ mày". Trong mắt trẻ, câu nói này chẳng khác nào người cha/người mẹ đang ngầm phán xét bạn đời của mình, cho rằng người đó không tốt.

5. Lớn thế rồi còn suốt ngày mắc lỗi

Ở tuổi của trẻ, năng lực nhìn nhận, giải quyết vấn đề có hạn. Và mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt với tính cách, sự phát triển tâm sinh lý khác nhau. Phụ huynh không nên dùng tiêu chuẩn của người lớn để so sánh, định vị trẻ.

6. Cấm khóc!

Khóc là một trong những cách trẻ thể hiện cảm xúc của mình ra ngoài. Nếu cha mẹ kiên quyết ép trẻ không được khóc hoặc phải kìm nén hết cảm xúc của mình thì sẽ không thể giúp đỡ và định hướng trẻ một cách đúng đắn.

Trẻ em có EQ thấp và thiếu tự tin? Cha mẹ hay nói 10 câu này chính là nguyên nhân! - Ảnh 2.

7. Con không được thất bại

Trên con đường trưởng thành của mình, mỗi người dù làm việc gì, đều dẫn đến 2 kết quả, hoặc là thành công, hoặc là chưa thành công. Là cha mẹ, phụ huynh cần dạy cho trẻ biết quá trình cũng rất quan trọng. Nếu cha mẹ lúc nào cũng chỉ quan tâm kết quả cuối cùng, ép con thành công cho bằng được sẽ tạo thành áp lực rất lớn cho trẻ.  

8. Có thời gian chơi, thà để dành đó mà học

Trẻ con có quyền và cần được chơi đùa, những đứa trẻ biết chơi sẽ trở nên vui vẻ, thông minh hơn những đứa trẻ chỉ ru rú trong nhà. Ở cương vị phụ huynh, cha mẹ có thể khuyên con dành nhiều thời gian hơn cho việc học tập, tránh để trẻ ham chơi, nhưng nên lựa cách nói phù hợp, ví dụ như: "Vậy mình chơi thêm 15 phút nữa rồi học bài nhé con".

9. Trẻ con biết gì mà nói xen vào

Trẻ con cũng muốn được trở thành một phần của gia đình, chỉ là chúng chưa hiểu lúc nào nên nói, lúc nào không nên. Cha mẹ có thể nói với trẻ rằng: "Bố mẹ biết con cũng muốn chia sẻ, vậy chờ bố mẹ nói chuyện xong rồi con nói cho bố mẹ nghe nha".

10. Biết thế chẳng đẻ mày ra!

Câu nói này đang phủ nhận sự tồn tại, thậm chí là sinh mệnh của một đứa trẻ và sẽ là một cú đả kích cực lớn đối với trẻ, có thể gây ra ám ảnh tâm lý kéo dài đối với chúng. Vì vậy, cha mẹ cần hết sức lưu ý. Việc giao tiếp với con cái cũng là một nghệ thuật, đừng để những lời nói thốt ra trong lúc vô tình của mình làm tổn thương trẻ, xa hơn là ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ cũng như sự hòa thuận trong gia đình.