Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) TP. Hà Nội, tính từ ngày 14 đến 21/7, trên địa bàn Thành phố có thêm 442 ca mắc sốt xuất huyết (tăng 1,5 lần so với tuần trước đó). Còn tại TP. Hồ Chí Minh, số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng và sốt xuất huyết cũng đang tăng nhanh. Sở Y tế TP.HCM dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ dịch "chồng" dịch.

Theo BS Trương Văn Quý - Trưởng Khoa Nội nhi, Bệnh viện E, sốt xuất huyết và tay chân miệng đều là bệnh do virus nên biểu hiện ban đầu khá tương đồn và dễ gây nhầm lẫn. Tuy nhiên cha mẹ có thể phân biệt 2 bệnh lý này thông qua một số đặc trưng cơ bản.

- Đối với sốt xuất huyết, đầu tiên trẻ có nốt muỗi đốt, trẻ sốt cao liên tục từ 39-40 độ C trong vòng 3 ngày đầu và rất khó hạ nhiệt độ. Dù trẻ đã uống thuốc hạ sốt, đặt thuốc hạ sốt đường hậu môn và lau mát người...song nhiệt độ chỉ hạ một chút thôi rồi sốt lại.

- Còn bệnh tay chân miệng, trẻ thường không sốt hoặc sốt nhẹ trong những ngày đầu. Nhiệt độ thường không quá 38,3 độ C. Trẻ xuất hiện các nốt phỏng nước trên da ở bàn tay, bàn chân, khoang miệng và một số vùng nếp gấp như đầu gối, khuỷu tay...

Trẻ có thể bị tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng lúc không? - Ảnh 1.

Biểu hiện sốt khi bị sốt xuất huyết thường cao và khó hạ so với sốt ở tay chân miệng

BS Quý cũng lưu ý, dấu hiệu phát ban đỏ cũng có thể xuất hiện khi bị sốt xuất huyết, tuy nhiên biểu hiện bên ngoài hoàn toàn khác so với nốt phỏng trên da ở tay chân miệng. Cụ thể:

- Ban đỏ của bệnh sốt xuất huyết: thường bắt đầu xuất hiện từ ngày thứ ba trở đi với tình trạng xuất huyết dưới da. Xuất huyết dưới da có dạng chấm hoặc mảng màu đỏ và nổi bật hơn trên cánh tay, chân và mặt. Cha mẹ có thể dùng biện pháp ấn tay vào nốt ban đỏ, khi bỏ tay ra vẫn thấy hiện rõ ban đỏ thì đó là ban xuất huyết.

- Còn ban đỏ trên da của bệnh nhân tay chân miệng xuất hiện sớm trong vòng một hoặc hai ngày kể từ khi bắt đầu sốt, các đốm nhỏ màu đỏ nhanh chóng chuyển thành mụn nước. Các mụn nước thường xuất hiện dưới dạng các tổn thương nhỏ, chứa đầy chất lỏng trên bàn tay, bàn chân và bên trong miệng.

Một điểm đáng lưu ý, trẻ hoàn toàn có thể mắc cùng lúc sốt xuất huyết và tay chân miệng, điều này tạo ra gánh nặng điều trị cho bản thân bệnh nhi và nhân viên y tế do các biến chứng nặng nề có thể xảy ra. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ cần chú trọng phòng bệnh cẩn thận cho trẻ. Cụ thể, phòng tay chân miệng ở gia đình và cả ở trường học bằng cách vệ sinh thường xuyên tay và đồ dùng của trẻ, đeo khẩu trang khi đi đến nơi đông người. Phòng ngừa sốt xuất huyết là phải diệt muỗi, lăng quăng, dọn dẹp những khu vực đọng nước, nhất là thời điểm mưa bão như hiện nay.