Những bể bơi ở thành phố vào mùa hè luôn thu hút đông đảo số lượng người đến bơi. Trong đó, trẻ nhỏ chiếm một lượng lớn đông đảo vì thích thú nghịch đùa với nước, nhu cầu học bơi tăng mạnh vào thời gian nghỉ hè cũng như giúp làm mát cơ thể hiệu quả trong những ngày nắng nóng cực điểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), hiện nay các bể bơi ở Hà Nội thường xuyên quá tải, do đó khó tránh khỏi nguy cơ trẻ bị mắc bệnh về da sau khi đi bơi.
Bên cạnh việc bể bơi công cộng đều đông đúc, một số bể bơi không đảm bảo công tác vệ sinh, xử lý lọc nước chưa tốt, trẻ đi bơi chưa tuân thủ biện pháp vệ sinh cá nhân trước đó hoặc không được người lớn nhắc nhở…, bể bơi chứa nguồn chất thải do một số người kém ý thức như khạc nhổ, tè bậy, hỉ mũi, đờm dãi… Tất cả đều có thể dẫn đến nguy cơ trẻ mắc bệnh ngoài da, bên cạnh nhiều bệnh truyền nhiễm khác.
Một số bệnh ngoài da cực phổ biến mà bé nhà bạn có nguy cơ mắc phải khi đi bơi mùa hè là:
Ghẻ
Với nguồn nước không đảm bảo, thêm nữa làn da trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị ghẻ nước tấn công. Chưa kể nếu có người bị bệnh ghẻ xuống hồ bơi tắm thì ấu trùng bệnh ghẻ sẽ rớt xuống nước và gây bệnh cho những người bơi khác.
Nếu sau khi đi bơi về, trẻ nhỏ bỗng xuất hiện những dấu hiệu ngứa da, phát ban, triệu chứng nặng hơn vào ban đêm, có những dấu vết nhỏ, ngoằn ngoèo của hang rệp trên da, xuất hiện mụn nước, u nhỏ nhạt màu trên da thì chứng tỏ bé đã bị bệnh ghẻ. Nếu ghẻ đóng vảy thì xuất hiện lớp vỏ dày chứa hàng ngàn con ve và trứng. Lớp vảy thường xám, dày và hay vỡ vụn khi chạm vào.
Với nguồn nước không đảm bảo, thêm nữa làn da trẻ nhỏ rất mỏng manh và nhạy cảm nên dễ bị ghẻ nước tấn công.
Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, ghẻ thường làm tổ ở da đầu, mặt, cổ, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Sau khi con đi bơi về, cha mẹ nên kiểm tra xem liệu con có bị ghẻ tấn công hay không.
Nấm da
Bể bơi chứa nguồn nước không đảm bảo vệ sinh là nguyên nhân dẫn đến bệnh nấm da.
Nấm da là bệnh cực phổ biến ở trẻ hơn 2 tuổi, trong đó việc bơi lội ở hồ nước bẩn càng làm nguy cơ mắc bệnh này tăng lên. Nấm da là do một loại nấm ngoài da, thường gây ngứa, khó chịu nhưng không gây đau đớn.
Nấm da ở trẻ nhỏ có nhiều loại khác nhau.Trong đó, triệu chứng chung của nấm da bao gồm: Ngứa, mẩn đỏ, tróc vảy, bong tróc da, nóng rát, phồng da nhẹ; Nấm da đầu có thể khiến da đầu sưng tấy, rụng tóc, xuất hiện nhiều vảy trắng…
Nấm da đầu có thể khiến da đầu sưng tấy, rụng tóc, xuất hiện nhiều vảy trắng…
Viêm da tiếp xúc
Tác nhân chính gây nên bệnh viêm da tiếp xúc là do hóa chất xử lý nước bể bơi. Viêm da tiếp xúc thường gặp ở vùng da mỏng như mặt trong cánh tay, nách, bẹn, mặt trong đùi.
Dấu hiệu của viêm da tiếp xúc bao gồm da đỏ, ngứa, có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ lấm tấm. Nếu ngứa, gãi nhiều, trẻ có thể bị bội nhiễm vi khuẩn, viêm da nặng.
Dấu hiệu của viêm da tiếp xúc bao gồm da đỏ, ngứa, có thể xuất hiện các mụn nước nhỏ lấm tấm.
Để phòng tránh bệnh về da cho trẻ khi đi bơi vào mùa hè, BS Dũng khuyên:
- Chọn bể bơi sạch, bể bơi có lắp hệ thống lọc nước tự động 24/24. Các chất xử lý làm sạch nước bể bơi cũng được liên tục điều tiết qua hệ thống tự động này.
- Ngoài sử dụng đồ bơi chất liệu tốt cho trẻ, bố mẹ cần trang bị đầy đủ những phương tiện bảo hộ như kính, mũ bơi, nút tai… để bảo vệ những vùng nhạy cảm trên cơ thể, tránh nguy cơ mắc bệnh.
- Thoa kem chống nắng cho bé trước khi đi bơi bằng loại kem chống nắng không thấm nước được bác sĩ da liễu khuyên dùng cho bé.
- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho bé trước và sau khi bơi. Trước khi bơi nên tắm tráng cho con. Sau khi bơi, trẻ cần được tắm lại bằng nước sạch, lau khô, dùng bông tai thấm khô nước trong tai, rửa mắt, mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý, đồng thời chú ý vệ sinh vùng kín cho con.
Trẻ đi bơi có thể gặp rất nhiều những bệnh, tai nạn, nguy cơ đe dọa sức khỏe. Bố mẹ hãy tham khảo thêm những nguy cơ tại đây để biết cách bảo vệ con mình tốt nhất có thể nhé!