Có rất nhiều điều trẻ cần học trong những năm đầu đời. Trong đó, có 3 điều mà cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ vì chúng đóng vai trò quan trọng và ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của trẻ sau này.

1. Có kỷ luật

Một nghiên cứu dài gần 40 năm được thực hiện bởi 3 Đại học hàng đầu thế giới gồm Đại học King's College (Anh), Đại học DuKe (Mỹ) và Đại học Dunedin (New Zealand) đã cho thấy những đứa trẻ nào đã được phát triển tính kỷ luật từ nhỏ sẽ có sự nghiệp thành công ở độ tuổi 38.

Mỗi đứa trẻ đều có sự phát triển và hình thành tính kỷ luật rất sớm và mạnh mẽ trong 6 năm đầu đời vì nó là một phần phát triển tự nhiên giúp trẻ học hỏi và gia tăng sự tập trung. Tùy vào cách giáo dục của cha mẹ trước 6 tuổi mà liệu trẻ có trở nên buông thả hay kỷ luật sau đó. Ví dụ, trẻ luôn được làm thay khi gặp khó khăn thì tính kỷ luật khó được phát triển trong độ tuổi này.

Những điều cha mẹ nên làm để duy trì tính kỷ luật cho trẻ:

- Cố gắng làm những công việc sau thành 1 nếp nhất định. Có 3 việc cần làm thành nếp như việc ăn, việc ngủ và việc đọc sách. Nói đến nếp thì nó phải là nếp thực sự. Dù có ngoại lệ như đi du lịch, về thăm ông bà,... nhưng khi trở lại cuộc sống cũ thì nó phải quay trở lại.

Chia thời gian cụ thể khi nào ăn, khi nào đến giờ cả nhà sẽ đi ngủ và khi nào đọc sách cho trẻ. Quản lý các yếu tố như liệu thiết bị điện tử có tắt khi bắt đầu đến giờ ngủ, TV ở phòng ăn liệu có tắt khi ăn.

- Cùng trẻ giải quyết khó khăn khi cần, chứ đừng làm thay trẻ.

- Cho trẻ biết là phải biết chấp nhận sự nhận xét.

Trẻ được phát triển tính cách này từ nhỏ sẽ có sự nghiệp thành công ở độ tuổi 38 - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Chúng ta thường quá thiên lệch sự nhận xét 1 ai, thường chỉ nhận xét tốt hay khen khi làm tốt, nhưng ngại nhận xét phê bình khi làm sai. Cái này không tốt cho họ chút nào, đặc biệt con cái chúng ta. Làm vậy, chúng ta vô tình chỉ khen, mà 1 ngày nào đó bạn không kiềm được mà chê thì làm đứa trẻ cảm thấy nặng nề và khó chịu. Lỗi tại ai? Tại chúng ta chứ ai! Thực ra, bản thân của nhận xét là có tốt có xấu, có khen khi làm tốt, có phê bình khi làm chưa tốt. Trẻ con từ nhỏ cần được cho nhận xét công bằng như vậy.

Tại sao nó quan trọng? Bởi vì khi đó đứa trẻ chấp nhận lời nhận xét như 1 công cụ để sửa chữa và cố gắng phát huy. Công cụ này gọi là động lực. Còn chỉ khen nhưng ít chê, một khi chê công cụ này gọi là xem thường.

2. Sống gọn gàng

Woody Allen, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ, đã chia sẽ: "Tôi may mắn được cha mẹ dạy tôi sự ngăn nắp từ nhỏ, điều mà đã quyết định 80% sự thành công của tôi". Thực vậy, một nghiên cứu dài hơn 80 năm được dẫn đầu bởi các nhà khoa học thuộc ĐH Harvard đã tiết lộ rằng: Thành công trong sự nghiệp đến từ thói quen làm việc nhà khi còn nhỏ. 

Khi trẻ được dạy và hướng dẫn để có trách nhiệm với các công việc phù hợp trong gia đình càng sớm thì tại thời điểm đó não bộ của trẻ sẽ hoạt động để bắt đầu đáp ứng với các tình huống như sắp xếp thời gian để làm, tìm giải pháp nếu công việc khó, hiểu sự vất vả, thông cảm... 

Trẻ được phát triển tính cách này từ nhỏ sẽ có sự nghiệp thành công ở độ tuổi 38 - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Nói chung, não bộ luôn ở tư thế sẵn sàng và luôn giúp trẻ nhận ra điều tất yếu trong cuộc sống là cống hiến và làm việc. Nó là động lực thúc đẩy trẻ xông xáo vào công việc, dù khó. Do đó, bạn có thể đưa ra quy định trong từng khu vực, phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên cũng như yêu cầu cụ thể khi thực hiện.

Như bố mẹ và trẻ sẽ cùng tổng vệ sinh vào mỗi cuối tuần, trẻ sẽ gom tất cả bao gối bẩn bỏ vào sọt, mẹ vệ sinh chăn, ga. còn bố lau nhà và trồng cây. Mỗi thành viên trong gia đình đều phải dành 10 phút mỗi ngày để dọn dẹp khu vực của riêng người đó.

3. Có tình yêu với sách

Cố Đệ Nhất Phu Nhân nước Mỹ Jacqueline Kennedy từng nói: "Có nhiều cách nhỏ bé để mở rộng thế giới của con bạn và tình yêu với sách là cách tốt nhất để làm điều này". Bạn biết không! Đọc sách là thói quen của những người thành đạt. Như tỷ phú Warren Buffet đọc 500 trang hằng ngày trong khi Mark Cuban đọc 3 giờ mỗi ngày. Dù lịch làm việc của họ gần như kín, nhưng họ vẫn dành thời gian để đọc sách vì họ biết đó là sự ưu tiên để phát triển tri thức. Liệu việc dành thời gian đọc sách cho con mình hoặc giúp con mình có thói quen đọc sách có là ưu tiên của bạn?

Trẻ được phát triển tính cách này từ nhỏ sẽ có sự nghiệp thành công ở độ tuổi 38 - Ảnh 3.

Ảnh minh họa.

Đọc sách - kể chuyện là một trong những hoạt động tương tác tích cực quan trọng cần có trước 10 tuổi, mà cha mẹ nên dành 10-15 phút mỗi ngày hoặc tối thiểu 40 phút/tuần hoặc 2 buổi tối/tuần để đọc sách-kể chuyện cho trẻ. Bạn biết không nếu bạn duy trì 10-15 phút mỗi ngày đọc cho trẻ, thì chỉ cần khoảng 5-6 tháng trẻ có thể bắt đầu phát triển tình yêu với sách. Đó là cách đơn giản bạn mở rộng tri thức và phát triển thói quen đọc sách cho con bạn.

Lợi ích của hoạt động này không chỉ giúp phát triển nhận thức xã hội thông qua tương tác với cha mẹ, mà còn giúp trẻ phát triển tư duy và ngôn ngữ thông qua trang sách và câu chuyện.

Vài nét về tác giả:

Bác sĩ dinh dưỡng Anh Nguyễn là chuyên gia tư vấn về y học bộ gen, hiện là Ủy Viên Cấp Cao tại Hiệp Hội Dinh Dưỡng và Y Học Lối Sống Vương Quốc Anh (BANT) kiêm Phó Tổng Biên Tập tạp chí Harvard Public Health Review tại Đại học Harvard.

Anh Nguyễn là diễn giả khách mời (keynote speaker) cho nhiều hội thảo khoa học lớn tại Anh và Châu Âu. Những công trình nghiên cứu của ông tập trung giải thích các khái niệm sâu sắc về dinh dưỡng cá nhân hóa dựa trên bộ gen mỗi người cũng như y học lối sống trong sự khác biệt giữa người châu Âu và châu Á tại Vương quốc Anh.

Ngoài ra, bác sĩ còn nhận được nhiều sự yêu mến của các bậc phụ huynh trong lĩnh vực nuôi dạy con cái và đồng hành cùng con trên hành trình thiêng liêng nhưng cũng đầy gian nan này.

Bạn có thể tìm đọc những bài viết của bác sĩ Anh Nguyễn TẠI ĐÂY.

https://afamily.vn/tre-duoc-phat-trien-tinh-cach-nay-tu-nho-se-co-su-nghiep-thanh-cong-o-do-tuoi-38-2022012210552981.chn