Một video về cậu bé đi lang thang trên phố vào đêm khuya và được cảnh sát phát hiện gây chú ý trên mạng xã hội mới đây là lời cảnh tỉnh về cách dạy con cho những người là bố mẹ.
Sau một hồi kiên nhẫn trao đổi, cảnh sát biết được lý do thực sự khiến cậu bé bỏ nhà ra đi. Hóa ra vì điểm số của cậu bé không tốt, ngay trong ngày phụ huynh đã cầm học bạ và phê bình con bằng lời lẽ nặng nề, người cha tức giận còn tát cậu bé. "Họ không yêu con chút nào, chỉ biết la mắng. Con không muốn nghe những lời chỉ trích nữa, con phải đi đây!", cậu bé vừa khóc vừa nói.
Người cảnh sát đề xuất đưa đứa trẻ về nhà và thăm hỏi, đồng thời nhắc nhở cha mẹ bé về cách giáo dục con. Nghĩ đến hành vi trốn nhà vào đêm khuya của con trai, hai vợ chồng cũng sợ lắm. Người bố nói ngay sau này sẽ chú ý đến phương pháp phê bình con cái, cố gắng không đánh đập, mắng nhiếc nữa.
Cha mẹ khi dạy con luôn mong con sửa chữa lỗi lầm ngay nên nóng lòng khiển trách. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh chưa nắm vững phương pháp và cách thức phê bình, thậm chí khi trẻ tỏ ra phản kháng, cha mẹ sẽ đổ lỗi cho trẻ hỗn hào, thiếu tôn trọng người lớn.
Trong ba trường hợp này, trẻ không thể chịu được những lời chỉ trích, nếu cha mẹ càng chỉ trích thì kết quả càng tồi tệ.
1. Cha mẹ khi xúc động sẽ dễ dàng nói ra những lời độc hại khi giáo dục con cái, điều này có thể làm tổn thương lòng tự trọng của trẻ. Vì vậy khi không kiểm soát được biểu hiện cảm xúc của bản thân thì đừng phê bình và giáo dục con. Cha mẹ bị cảm xúc tiêu cực dẫn lối không thể đưa ra ý tưởng giáo dục rõ ràng, sẽ khiến con cái dễ nổi loạn hơn.
2. Nếu cảm xúc tiêu cực của trẻ đang dâng cao, cha mẹ không nên chỉ trích, vì dưới tác động của trạng thái cảm xúc quá phấn khích, trẻ rất có thể phản kháng hoặc thực hiện một số hành động không kiểm soát. Đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên, nếu cha mẹ vẫn quyết liệt nói chuyện trong tình huống này thì rất có thể sẽ làm nảy sinh mâu thuẫn khó hàn gắn.
3. Cha mẹ khi phê bình, giáo dục con cái thì phải chú ý địa điểm. Ở nơi công cộng, việc chỉ trích con cái trước mặt người ngoài có khả năng gây áp lực tâm lý rất lớn cho các em, dẫn đến tác động tiêu cực.
Khi lớn lên con cái sẽ không tránh khỏi những sai lầm, những lời phê bình và giáo dục phù hợp là điều không thể thiếu. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là cha mẹ phải nắm vững các phương pháp phê bình đúng đắn. Nên nhớ, mục đích của việc phê bình là tác động tích cực để con cái nhận ra điều chưa đúng của mình.
Khi giao tiếp với con, cha mẹ nên tập trung hướng dẫn trẻ tự nhận lỗi chứ không nên dùng lời nói chế nhạo trẻ. Cha mẹ cũng nên có sự đồng cảm nhất định với con cái và cố gắng nhìn nhận vấn đề từ góc độ của đứa trẻ. Khi hiểu được suy nghĩ và tâm tư của con cái, sẽ dễ dàng chỉ ra những sai lầm của con mình.