Theo khảo sát của Bộ LĐ-TBXH, trẻ em sử dụng mạng xã hội ngày càng nhiều, thời gian lên đến 5-7 tiếng/ngày. Do đó, trẻ rất dễ rơi vào "bẫy" của người lạ trên mạng.

Cũng theo kết quả khảo sát này, chỉ 36% trẻ em, hầu hết ở độ tuổi 16-17, được dạy về việc đảm bảo an toàn trên mạng.

Trong 7 tháng đầu năm có gần 270 cuộc gọi đến Tổng đài Bảo vệ trẻ em 111. Hầu hết các cuộc gọi cần tư vấn liên quan tới 3 nhóm vấn đề lớn. Đó là tư vấn về xâm hại tình dục trẻ em trên môi trường mạng, tư vấn về cách sử dụng internet an toàn và tư vấn khi trẻ em bị dụ dỗ, gạ gẫm.

Trẻ em sử dụng mạng xã hội: Cần tăng cường vai trò giám sát, hướng dẫn của gia đình và trường học - Ảnh 1.

Cần phải giáo dục và hỗ trợ cho trẻ em trong việc làm sao có những kiến thức về an toàn trên môi trường mạng. Ảnh minh họa.

Mặc dù, Internet và mạng xã hội đem lại cho trẻ em nhiều giá trị tích cực, giúp trẻ em có thể tìm hiểu thế giới một cách dễ dàng, gặp gỡ, giao lưu được với nhiều người, chia sẻ tình cảm, thông tin... tuy nhiên, sử dụng mạng xã hội nhiều cũng kèm theo những vấn đề tiêu cực cho trẻ em như tiếp cận với thông tin giả; truy cập vào những nội dung xấu độc; nghiện sử dụng mạng xã hội. Khi các em chưa ý thức được hết những nguy cơ rình rập khi sử dụng mạng xã hội, cha mẹ cũng là những người giám sát, chủ động bảo vệ trẻ em.

Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho rằng, thời gian tới cần tăng cường vai trò của gia đình, cha mẹ và trường học trong việc huấn luyện, giám sát, hướng dẫn trẻ em sử dụng mạng an toàn, biết cách nên và không nên khi sử dụng các tiện ích, ứng dụng trên mạng cũng như cách nhận biết các thông tin, video clip độc hại, không phù hợp, cách kiểm soát thông tin cá nhân để chủ động bảo vệ trẻ em. Đối với những hành vi xâm hại trẻ em trên môi trường mạng, cần có những chế tài xử lý mạnh hơn.

Độ tuổi nào cha mẹ nên cho phép con truy cập mạng xã hội?

Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện bởi các chuyên gia, trong đó có 1 nghiên cứu của nhà tâm lý học trẻ em – Ika Putri Dewi, M. Psi, đã chỉ ra rằng 12 tuổi là độ tuổi thích hợp để trẻ em tiếp cận MXH. Hiện tại các nhà cung cấp nền tảng mạng xã hội cả trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, YouTube (Google) đều chung quy định chỉ cho phép người mở tài khoản mới từ 13 tuổi trở lên. Cha mẹ phải tránh cho phép con em sử dụng MXH khi vẫn dưới 13 tuổi để tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống tâm lý và xã hội của trẻ.

Về cơ bản, mọi phương tiện truyền thông xã hội đã áp dụng các quy định về độ tuổi cho người dùng của mình, bao gồm: Whatsapp: 13 tuổi; Youtube: 13 tuổi; Facebook: 13 tuổi; Instagram: 13 tuổi; Twitter: 13 tuổi.