Tại Hội thảo Môi trường Internet an toàn: Giải pháp trong trường học diễn ra vào tháng 3/2023, ông Trần Đăng Khoa, Phó cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định hiện nay, phụ huynh cho con em sử dụng hoặc sở hữu thiết bị di động từ rất sớm.
Dẫn lại kết quả khảo sát mà Google thực hiện năm 2022, ông Khoa cho biết độ tuổi trung bình mà trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9, còn trên thế giới là 13. Trong khi đó, nghiên cứu cho thấy khoảng 13 tuổi, trẻ mới bắt đầu tiếp cận những nội dung, hướng dẫn về an toàn trên không gian mạng.
"Trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại sớm hơn 4 năm so với trẻ em thế giới, nhưng trong 4 năm này, các em không được bảo vệ tốt trên không gian mạng", ông nói.
Vậy đâu mới là độ tuổi thích hợp để trẻ sử dụng smartphone an toàn?
Trong cuộc phỏng vấn gần đây với The Mirror, tỉ phú công nghệ Bill Gates cho biết, ông có 3 người con là Jennifer Katharine (sinh năm 1996), Rory John Gates (1999) và Phoebe Adele (2002).
Cả 3 đều phải tuân thủ nguyên tắc không được phép dùng điện thoại trước khi bước sang tuổi 14. Nhưng ngay cả khi đã được quyền sở hữu smartphone, hai quy tắc khác vẫn áp dụng: Con của ông không thể mang smartphone vào bàn ăn và không thể sử dụng chúng để làm bài tập về nhà hoặc học tập. Hơn nữa, những người con này bị cấm mang bất kỳ sản phẩm nào của Apple ở nhà.
Trong khi Bill Gates và các bậc cha mẹ khác đặt ra độ tuổi cụ thể cho con cái họ sử dụng smartphone thì những người khác lại chỉ ra rằng có nhiều điều cần cân nhắc hơn là tuổi tác. Ví dụ, CEO James P. Steyer của Common Sense Media, một tổ chức phi lợi nhuận chuyên đánh giá nội dung và sản phẩm cho gia đình, cho rằng ông có những quy định nghiêm ngặt về vấn đề này với các con của mình, nhưng cũng tính đến những điều khác. Ông giải thích: "Không có đứa trẻ nào giống nhau và cũng không có con số kỳ diệu nào cả. Độ tuổi của một đứa trẻ không quan trọng bằng trách nhiệm hay mức độ trưởng thành của chúng".
5 câu hỏi trước khi mua điện thoại cho trẻ
Trong một ấn phẩm gần đây, trang PBS Kids for Parent đã liệt kê một số câu hỏi mà phụ huynh hoặc người giám hộ có thể tự hỏi trước khi quyết định mua cho con trẻ một chiếc smartphone. Điều này gồm:
- Con trẻ có "cần" tiếp xúc vì lý do an toàn hay không?
- Chúng có hiểu khái niệm về giới hạn số phút và số lượt tải xuống ứng dụng không?
- Liệu chúng có thể đảm bảo không nhắn tin trong lớp, làm gián đoạn cuộc trò chuyện của người khác và sử dụng các tính năng văn bản, ảnh và video một cách có trách nhiệm không?
- Chúng có thực sự cần một chiếc smartphone đồng thời là thiết bị nghe nhạc, một máy nghe nhạc và xem phim di động hay không?
- Chúng có cần thứ gì đó cung cấp thông tin vị trí cho bạn bè của mình (và có thể cả một số người lạ) như yêu cầu của một số ứng dụng mới hiện nay hay không?
Bất chấp các biện pháp phòng ngừa khác nhau, các chuyên gia chỉ ra rằng điều quan trọng nhất là duy trì đối thoại với con trẻ và áp đặt giới hạn lành mạnh về thời gian sử dụng smartphone. Đối với trẻ nhỏ, người dùng cũng được cung cấp các ứng dụng kiểm soát con trẻ để bảo vệ chúng khỏi các mối đe dọa trực tuyến.
Cho trẻ dùng thiết bị điện tử trong bao lâu thì an toàn?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến cáo nên tắt tất cả các màn hình xung quanh trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi (trẻ dưới 18 tháng tuổi). Trẻ em từ 18 tháng tuổi trở lên có thể sử dụng thiết bị điện tử một chút, tuy nhiên không nên quá một giờ mỗi ngày.
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh rằng, đưa ra giới hạn thời gian sử dụng thiết bị điện tử là chưa đủ: Điều quan trọng là cha mẹ phải chọn các chương trình và trò chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ, đồng thời tham gia cùng trẻ trong suốt thời gian sử dụng thiết bị thay vì chỉ giao điện thoại cho trẻ sử dụng như một người trông trẻ điện tử.
Một cuộc khảo sát gần đây ở Hoa Kỳ cho thấy cứ 3 trẻ sơ sinh và 4 trong 5 trẻ mới biết đi thì có 2 trẻ xem phim, chương trình truyền hình hoặc video trực tuyến. Có khoảng 16% bắt đầu xem màn hình điện thoại/tivi trước khi trẻ được 3 tháng tuổi và 50% khi trẻ được 7 tháng tuổi. Nhìn chung, cứ 5 trẻ thì có 1 trẻ xem hơn 3 giờ mỗi ngày.
Mặc dù ở Việt Nam chưa có cuộc khảo sát nào về việc cho trẻ em sử dụng thiết bị điện tử, nhưng thực tế là càng ngày trẻ em được cho sử dụng các thiết bị này sớm hơn và thời gian sử dụng nhiều hơn.
Rõ ràng, điều này không phù hợp với những gì các chuyên gia quy định. Cha mẹ thường cho trẻ em sử dụng điện thoại, xem tivi để cho trẻ ăn dễ dàng hơn, để có thời gian làm những công việc khác, cũng có khi là để có thời gian nghỉ ngơi.