Khi đó, sự cưng chiều đã trở thành một vấn đề với trẻ.
Theo các chuyên gia, nếu luôn được nuông chiều thái quá, trẻ sẽ dần trở thành “vị vua” trong gia đình. Tuy nhiên, khi lớn lên, trẻ sẽ trở thành người bất hạnh khi không thể làm chủ cuộc đời.
Những “cái rốn của vũ trụ”
Khi xã hội ngày càng phát triển, không ít phụ huynh sẵn sàng làm mọi việc thay con. Họ quan niệm, trẻ chỉ cần học và hưởng thụ, mọi việc đã có cha mẹ lo. Chính phong cách nuôi dạy con như vậy đã khiến không ít trẻ em ngày nay sống chỉ biết hưởng thụ. Trẻ nghĩ rằng, cha mẹ phải có trách nhiệm này, trách nhiệm khác. Trong khi đó, trẻ quên trách nhiệm của chính mình, không động lực hay phấn đấu.
Chị Mai Anh (phụ huynh tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, nguyên nhân của tình trạng này một phần là do nhiều cha mẹ luôn muốn con được hưởng những điều tốt đẹp nhất. Thậm chí, có phụ huynh lúc nào cũng coi con là một đứa trẻ.
“Các phụ huynh hãy hình thành cho con mình nhân cách sống, bản lĩnh, sự tự lập chứ đừng bao bọc mãi. Bởi, chúng ta không thể mãi ở bên để bao bọc trẻ. Vợ chồng tôi quan niệm như vậy và tạo cho con thói quen nỗ lực để đạt được điều mình có, thay vì chỉ biết hưởng thụ và ỷ lại”, nữ phụ huynh này chia sẻ.
Trong khi đó, theo anh Hoàng Hiếu (phụ huynh tại Hoàng Mai, Hà Nội), nhiều phụ huynh do kiếm tiền quá dễ nên đã để con mình ăn chơi thỏa thích. Trái lại, nhiều cha mẹ do quá bận rộn, không có thời gian chăm sóc nên bù đắp bằng cách cho con thật nhiều tiền. Bên cạnh đó, cũng có những gia đình dù không có điều kiện, nhưng vẫn muốn cho con bằng bạn bằng bè. Vì vậy, họ “thắt lưng buộc bụng” để trẻ tiêu xài, hưởng thụ.
Anh Hoàng Hiếu tâm sự, vợ chồng anh có một cô con gái “rượu”, năm nay 10 tuổi. Ban đầu, vợ chồng anh quan niệm rằng, cha mẹ có thu nhập ổn định, nên sẵn sàng cho con tiêu xài thoải mái để dễ “hòa nhập với bạn bè”. Song, càng ngày, con anh Hiếu càng đòi hỏi nhiều hơn, như đi ăn nhà hàng sang trọng, được tới rạp phim thường xuyên, mua quần áo trong trung tâm thương mại,…
Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Lê Khanh cho biết: “Trẻ em vốn hay coi mình là trung tâm. Chúng cần được dạy dỗ tử tế về cách chia sẻ và quan tâm đến người khác. Sự cho đi không chỉ là khía cạnh vật chất, mà còn là nền tảng tinh thần.
Một đứa trẻ sống tình cảm là không tiếc lời yêu thương đối với mọi người, đặc biệt là những người thân thiết. Đừng chỉ dạy trẻ cho đi một cái kẹo hay một món đồ chơi. Hãy khơi cảm xúc để trẻ có một trái tim rộng lượng bắt đầu từ nụ cười, lời khen, sự động viên, an ủi. Nhờ đó, để trẻ thấy, cho đi tiếng cười - nhận được tiếng cười, trao tặng niềm vui - nhận được niềm vui”.
Ngoài ra, phụ huynh cũng cần dạy con rằng, cho đi không có nghĩa là mất mát. Thay vào đó, cho đi sẽ làm đầy thêm đời sống tinh thần của trẻ. Lớn lên, trẻ sẽ trở thành người có tình thương, lòng nhân hậu, biết san sẻ. Dạy trẻ biết cho đi trước hết là giúp trẻ nuôi dưỡng tâm hồn, sau đó là trở thành người sống có ích cho cộng đồng, xã hội.
“Thái độ chăm sóc con thái quá, nuông chiều con không giới hạn… không chỉ có ở các gia đình con một, mà khá phổ biến ở nhiều gia đình hiện nay. Tất cả vì con và cho con, đời cha mẹ khổ nên không muốn con mình khổ… là chủ trương chiếm ưu thế của các phụ huynh.
Thế nhưng, những điều đó, sự cưng chiều đó sẽ trở thành một vấn đề với trẻ”, chuyên gia này nhấn mạnh.
Hình thành “trung tâm vũ trụ”
Theo ông Lê Khanh, đặc biệt, với những gia đình có một con, khi trẻ không có được sự chia sẻ, không có “đối thủ” để cạnh tranh trong nhà, con sẽ có xu hướng trở thành “trung tâm vũ trụ”. Đặc biệt, khi có một mình, trẻ thường muốn gì được nấy, có thể “sai khiến” mọi người trong nhà. Điều đó khiến trẻ có thể sẽ khó giữ được tính cách ôn hòa.
“Thậm chí, có nhiều bà mẹ từ việc thương con, chiều con đã dần đi đến thái độ “sợ con”. Một lời nói, một yêu cầu của con là “mệnh lệnh” phải thi hành. Với cách ứng xử như thế, trẻ không trở nên độc đoán, ích kỷ và luôn đòi hỏi mới là lạ”, ông Lê Khanh nhận định.
Theo chuyên gia này, không phải hầu hết trẻ là con một đều trở thành “hoàng đế” trong gia đình. Tuy nhiên, đó là kết quả hiển nhiên trong nhiều gia đình có một con mà không nắm vững các nguyên tắc ứng xử với con.
“Vì thế, khi chỉ có một thành viên “nhí” trong gia đình, các bà mẹ cần phải trang bị “vũ trang” đầy đủ, từ các “kiến thức” và “công cụ” cho đến kỹ năng, cũng như phải có được sự ủng hộ của “đồng minh” như chồng, ông bà nội ngoại… Nhờ đó, để đừng vô tình hay trở nên bất lực trong việc biến một đứa trẻ trở thành kẻ độc tài. Bởi vì điều đó chỉ tạo ra sự hài lòng trong hiện tại, nhưng sẽ là sự đau khổ dài lâu trong tương lai, khi đứa con bước chân ra ngoài xã hội, đặt chân vào nhà trường”, chuyên gia Lê Khanh nhấn mạnh.
Ông Lê Khanh đồng thời cảnh báo, nếu được quá cưng chiều và hưởng thụ, trẻ có thể trở thành người ích kỷ, độc đoán, chỉ biết đến bản thân. Đó cũng là con đường nhanh nhất để biến trẻ thành kẻ cô độc.
Những đứa trẻ muốn trốn tránh
Trong khi đó, theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, sự ỷ lại, dựa dẫm ở trẻ bắt đầu hình thành từ những việc vô cùng nhỏ do cha mẹ làm hộ con. Một lần làm hộ, hai lần làm hộ, một việc - hai việc làm hộ… Điều đó khiến trẻ luôn ỷ lại và muốn được người khác làm cho mọi việc. Bởi, trong suy nghĩ của trẻ, bé nghĩ rằng, nếu không làm, vẫn sẽ có cha mẹ hỗ trợ. Đó là lý do trẻ sẽ tận dụng tối đa cơ hội cho đến khi đạt được điều đó.
“Khi con lớn lên, thói quen càng có cơ hội phát triển với tất cả những gì thuộc về trách nhiệm của con. Đặc biệt, khi con đi học, cha mẹ sẽ có tâm lý xót con học nhiều, sợ trẻ bị áp lực.
Cha mẹ luôn có câu: “Con đi học suốt ngày như thế nên cũng mệt, sợ giao việc thêm thì con không có sức. Hoặc, con đi học thêm kín các ngày, về đến nhà ăn cơm xong cũng 7 - 8 giờ, thậm chí 8 - 9 giờ, sau đó phải học bài. Còn đâu thời gian làm việc nhà”. Tất cả các công việc nhà hoặc là phó thác cho người giúp việc, hoặc cha mẹ phải làm từ A - Z”, bà Phạm Hiền dẫn chứng.
Theo chuyên gia này, khi được cha mẹ làm hộ mọi việc, trẻ vẫn tỏ ra “vô can”, chẳng cần quan tâm đến bất kì vấn đề gì. Trẻ cũng không biết cảm xúc của cha mẹ ra sao. Thậm chí, với nhiều trẻ, dù cha mẹ mệt hay khỏe, trẻ cũng không để tâm. Bởi, những trẻ như vậy nghĩ rằng, tất cả mọi việc phụ huynh đang làm không phải là nhiệm vụ của trẻ.
Bà Phạm Hiền ví dụ, nhiều trẻ thay quần áo ra và vứt bừa trong phòng. Dù cha mẹ nhắc, thậm chí to tiếng, trẻ vẫn dửng dưng hết ngày này đến ngày khác. Bởi, đơn giản là, sau đó, phụ huynh lại nhặt đồ của trẻ và mang đi giặt. Thậm chí, nhiều ông bố bà mẹ có thói quen giặt hộ, rút và gấp quần áo cho trẻ. Song, trẻ ỷ lại, không nghĩ đến việc cất quần áo vào tủ. Từ những việc nhỏ như vậy, trẻ sẽ hình thành nên thói hưởng thụ, không hề băn khoăn hay suy nghĩ.
“Với những ông bố bà mẹ đang nuông chiều con quá đáng, họ quan điểm rằng, trước kia, mẹ không học đến nơi đến chốn nên xấu hổ. Bây giờ, các con chỉ cần học thôi, mọi việc mẹ lo. Thật đáng tiếc, những ông bố bà mẹ nuông chiều con quá đáng này không nhận ra rằng, với việc học, trẻ cũng buông. Bởi, việc thụ động trong nhận thức đã thành thói quen.
Hơn nữa, do được phục vụ nên cũng quen, chẳng muốn chạm vào bất kỳ thứ gì. Con lạc lõng trong chính thế giới tuổi của con. Đặc biệt, nghĩ đến phải học, phải làm là cảm thấy phát ốm…, nên chỉ luôn muốn trốn để không phải đối diện”, bà Phạm Hiền nhận định.
Chuyên gia này cho rằng, các phụ huynh không nên để trẻ trở nên phụ thuộc và lười biếng. Bởi, trẻ sẽ trở thành người bất hạnh khi không làm chủ được cuộc đời mình. Trong khi đó, phụ huynh cũng sẽ bất hạnh vì đã quá bao bọc con.