Từ đầu mùa dịch đến nay, tỷ lệ mắc COVID-19 ở trẻ dưới 18 tuổi của nước ta là 19,2%. Tuy hầu hết các trẻ mắc COVID-19 đều không có những triệu chứng quá nghiêm trọng khi nhiễm, nhưng một số ít trẻ khi khỏi bệnh vẫn có nguy cơ phải gánh chịu di chứng hậu COVID -19 từ nhẹ đến nặng, các bác sĩ khuyến cáo các bậc cha mẹ tuyệt đối không nên chủ quan.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đã ghi nhận những trẻ đến khám hậu COVID-19. Dễ gặp là những em bé đã khỏi COVID-19 nhưng tình trạng ho vẫn dai dẳng. Lo lắng nên bố mẹ các bé quyết định đưa con đi kiểm tra sức khoẻ hậu COVID -19.
Theo các bác sĩ, phần lớn trẻ em đến khám hậu COVID-19 đều có những biểu hiện như mệt mỏi, khó thở, ho kéo dài… Với những trường hợp này, bác sĩ cho biết có thể tự theo dõi tại nhà.
Tuy nhiên, một vài trường hợp khác lại không được may mắn như vậy và phải đưa đến bệnh viện ngay lập tức. Hiện tại, bệnh viện mới tiếp nhận và đang điều trị cho một cháu bé mắc COVID -19 thể nhẹ, không triệu chứng, khỏi bệnh được 2 tuần thì có những biểu hiện như đau họng, sốt cao liên tục... Sau đó, bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng suy đa tạng, nhiễm trùng huyết, được các bác sĩ chẩn đoán mắc hội chứng MIS-C, viêm đa hệ thống, một trong những biến chứng nặng, hiếm gặp sau khi trẻ nhiễm COVID -19.
TS.BS Đậu Việt Hùng, Phó trưởng khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: "Đối với trẻ em, hậu COVID-19 còn rất mới, các kiến thức còn chưa phổ cập hết đến các hệ thống y tế. Bệnh cảnh hậu COVID-19, đặc biệt là hội chứng MIS-C lại dễ lẫn với rất nhiều bệnh khác như hội chứng thực bào máu, sốc nhiễm trùng… Các bé vào có những biểu hiện suy giảm chức năng tĩnh mạch, sốc, sốt kéo dài, ban trên da…".
Theo ghi nhận từ giáp Tết đến nay, tại Bệnh viện Nhi trung ương, có khoảng 10 trẻ có tình trạng tương tự nhập viện. Tỷ lệ trẻ mắc hội chứng MIS-C chỉ là 2/100.000 nhưng hậu quả mà hội chứng này gây ra rất nặng nề. Đây là nguyên nhân chính gây tử vong sau khi mắc COVID-19 ở trẻ nhỏ.
TS.BS Đậu Việt Hùng lý giải thêm: "Nói về viêm đa hệ thống tức là di chứng này sẽ làm tổn thương rất nhiều cơ quan, còn bản chất về bệnh lý giờ vẫn chưa rõ, có thể là một phản ứng miễn dịch không hợp lý, có thể tăng miễn dịch quá mức làm tổn thương nhiều cơ quan".
Từ thực tế trên, các bác sĩ khuyến cáo, với trẻ đã từng mắc COVID-19, các gia đình không được chủ quan, sau khi trẻ âm tính 2- 6 tuần nếu có biểu hiện như sốt cao trở lại, phát ban, phù nề, rối loạn tiêu hoá, da tái, nhịp tim nhanh… cần cho trẻ đi khám và điều trị kịp thời.