21h đêm tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM), nhiều bệnh nhi và gia đình ngồi chờ nhập viện khiến phòng cấp cứu này phải làm việc hết công suất ngày lẫn đêm.
Các bệnh nhi nhập viện vào ban đêm gia tăng do số lượng di chuyển từ các tỉnh thành lân cận lên TP.HCM. Việc tiếp nhận bệnh đông khiến lực lượng y tế ở đây luôn trong tình trạng căng thẳng.
Từ Bình Dương đưa con lên TP.HCM nhập viện, anh Hà Văn Thanh và vợ chưa thể bình tâm khi triệu chứng bệnh của con gái bất ngờ nặng hơn. Con của anh Thanh bị suyễn rồi dẫn đến khó thở, bác sĩ thăm khám thì đã đến giai đoạn suy hô hấp nên phải chuyển đi cấp cứu ngay lập tức. Tại đây, các bác sĩ đã can thiệp kịp thời và bé đang được theo dõi sức khỏe.
"May mà bé nhập viện cấp cứu kịp thời nên đã thoát được cơn nguy kịch, sức khoẻ hiện đang ổn định và được theo dõi tại Khoa Cấp cứu", anh Thanh nói.
Theo anh Thanh, mặc dù con anh đi cấp cứu vào ban đêm, nhưng khi đến đây, anh bất ngờ khi thấy nhiều phụ huynh khác ngồi chờ để con nhập viện.
"Bác sĩ khám thấy con chuyển biến nặng hơn nên nhập viện. Cũng may bệnh viện có khám muộn nên đưa con đi khám sau giờ làm việc và được phát hiện sóm", anh Thanh chia sẻ.
Nằm giường bên cạnh, bé trai gần 2 tuổi - con của chị Nguyễn Thị Thu (ngụ quận 3) mắc viêm phế quản phổi. "Trước đó, tôi đưa con đi khám ở phòng khám tư, bác sĩ cho thuốc về uống. Nhưng sáng khám, tối con sốt cao, rồi co giật, gia đình hoảng hốt vội đưa con vào Bệnh viện Nhi đồng 2 cấp cứu. Không ngờ bệnh viện buổi đêm cũng rất đông, toàn các bé viêm đường hô hấp", chị Vân cho hay.
Theo chị Vân, con trai đi học hơn 1 tháng, có đôi ba lần sốt, ho, nhưng lần này nặng nhất, phải nhập viện.
"May mắn về đây, con được các bác sĩ tiếp nhận điều trị nội trú ngay. Điều trị được 4 ngày rồi, sức khỏe con đã ổn định hơn, ho giảm nhiều, nhưng vẫn chưa long đờm nên các bác sĩ vẫn cho nằm viện tiếp tục điều trị", chị Vân nói.
Bác sĩ Võ Tấn Nam, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM, cho biết, số lượng bệnh nhi nhập viện cấp cứu đêm những ngày qua tăng nhiều, đặc biệt là trẻ mắc các bệnh đường hô hấp.
Theo bác sĩ Nam, đặc thù ở Khoa Cấp cứu hầu hết là những bệnh nhân diễn tiến nặng, cần phải can thiệp thở ôxy, thở máy... và điều khó khăn nhất là bệnh nhân rất đông, người nhà phải chờ đợi.
Những ngày qua, tại bệnh viện, số lượng bệnh nhi khám nội và ngoại trú tăng đột biến, áp lực khám chữa bệnh rất lớn. Càng về đêm, lượng bệnh nhân từ tuyến tỉnh chuyển lên càng nhiều và trung bình mỗi tối Khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận khoảng 30 bệnh nhi nhập viện.
Chỉ tính từ 15 đến 28/9, Bệnh viện Nhi đồng 2 đã tiếp nhận 42.329 ca bệnh ngoại trú và 1.257 ca bệnh nội trú điều trị bệnh hô hấp. So với tháng 8, số bệnh nhân thăm khám đã tăng lên gấp rưỡi. Ở tất cả các khoa như: Hô hấp 1, Hô hấp 2, truyền nhiễm... đều chật kín bệnh nhi, đa phần mắc các bệnh lý hô hấp hen suyễn, viêm phổi, tay chân miệng...
BSCK2 Trần Quỳnh Hương, Trưởng khoa Hô hấp 2, Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, so với 1 - 2 tháng trước, bệnh nhân mắc các bệnh về hô hấp tăng lên nhiều, đặc biệt khoảng 2 - 3 tuần gần đây. Không chỉ tại khoa Hô hấp mà tại các phòng khám cũng tiếp nhận lượng bệnh nhân đến khám rất đông.
Ngoài các bệnh nhi tại thành phố, các bệnh nhi ở các tỉnh, thành lân cận cũng đổ về bệnh viện để thăm khám và điều trị. Bệnh nhân tăng, ca bệnh nặng cũng tăng khiến nguy cơ lây nhiễm chéo các bệnh hô hấp và tiêu hóa luôn rình rập.
Trong môi trường đông đúc, nhân viên y tế luôn phải tích cực quan sát và nhắc nhở thân nhân cố gắng giữ gìn vệ sinh chung, hạn chế người thăm nuôi; đồng thời, thường xuyên tiến hành khử khuẩn, làm tấm che ngăn giữa các giường bệnh nặng, ưu tiên cho những trẻ nhỏ, có bệnh nền…
Theo bác sĩ Hương, tuy số trẻ mắc bệnh đường hô hấp đang tăng, nhưng vẫn trong mức dự đoán, không phải quá bất thường. Hằng năm, số ca mắc bệnh hô hấp sẽ bắt đầu tăng từ khoảng tháng 5 đến tháng 6, tháng 9 đến tháng 11 thường là đỉnh dịch khi học sinh quay lại trường kết hợp với thời tiết giao mùa, mưa nắng thất thường khiến trẻ dễ mắc bệnh hơn.
Năm nay, về dịch tễ có một số điểm khác biệt, như trẻ đang hòa nhập lại hoàn toàn sau thời gian dài giãn cách, nhiều trẻ từng mắc bệnh lý COVID-19 có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và phản ứng viêm… có thể khiến trẻ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, dễ ho, khò khè kéo dài hơn.
BSCK2 Trần Quỳnh Hương dự đoán, trong thời gian tới bệnh lý siêu vi đường hô hấp vẫn còn có thể tiếp tục gia tăng, chưa kể các dịch bệnh đang lưu hành với tần suất cao như tay chân miệng, sốt xuất huyết.