Oanh và Phúc lấy nhau mới được 4 tháng, đây là cái Tết đầu tiên của cô bên nhà chồng. Oanh cũng nghe nhiều chị đồng nghiệp đi trước than thở, chỉ bảo nhưng vẫn lo ngay ngáy. Sợ nhất là khoản lì xì trẻ nhỏ, cụ già rất tốn kém mà cả hai vợ chồng hiện giờ cũng chẳng giàu có, dư dả gì.
Hai vợ chồng Oanh hiện giờ đều làm công ty tư nhân, tổng lương thưởng mỗi tháng không quá 20 triệu nhưng lại đủ thứ phải lo như thuê nhà, ăn uống, ma chay, hiếu hỉ, chữa bệnh (Phúc bị bệnh nam khoa khó có con)… Riêng tháng Tết thì ngót nghét 30 triệu nhưng Oanh cũng tính có lẽ chẳng dư được đồng nào vì năm đầu sẽ phải ra mắt họ hàng, tiền lì xì sẽ rất tốn kém.
(Ảnh minh họa)
Thế nhưng, mọi chuyện lại còn ngoài tầm kiểm soát của vợ chồng Oanh Phúc. Chả là bố mẹ chồng Oanh ở quê là người trọng sĩ diện, lúc nào cũng khoe khoang thành tích của con cái. Ngày Phúc còn đi học thì khoe điểm số, sau này anh đi làm thì khoe lương thưởng, khoe số tiền cho bố mẹ mỗi tháng. Nhiều khi, Phúc cũng chia sẻ anh bị áp lực khi bố mẹ cứ kể với hàng xóm "khống" lên so với số thực anh đưa.
Dù không thích tính cách này nhưng Oanh chưa bao giờ nghĩ có ngày mình lại phải khổ sở tới vậy cũng vì tính sĩ diện của bố mẹ chồng.
Bố mẹ Phúc cứ nghĩ hai vợ chồng cô lương thưởng cao lắm, giống như đại gia ở xóm nên đã đi khoe khắp nơi. Rồi ngày Tết, hễ đoàn khách nào có trẻ nhỏ hay có người già, thấy Oanh lì xì rồi, mẹ chồng vẫn bảo:
- Thế chú Phúc đâu, chú Phúc lì xì cháu chưa?
Oanh nhanh nhẹn, đáp:
- Cô Oanh mừng tuổi cháu hay ăn chóng lớn rồi bà ạ.
Mẹ chồng Oanh lườm cái, rồi đon đả bảo:
- Ôi giời, cô Oanh là cô Oanh, của chú Phúc lại khác chứ con nhỉ. Nào, ra chú Phúc lì xì cháu nhé.
Đương nhiên, Phúc chẳng còn cách nào khác đành ngậm ngùi rút ví ra lì xì tiếp bọn trẻ. Oanh ức lắm, thấy khó hiểu nữa nên mới hỏi Phúc:
- Quê anh có tục lệ cả vợ cả chồng phải lì xì à?
Phúc thở dài thườn thượt rồi lắc đầu:
- Làm gì có, mẹ cứ bày vẽ ra vậy thôi.
(Ảnh minh họa)
Oanh nghe thế mà ức lắm nhưng vẫn cố nhịn vì không muốn mới mồng 1 Tết đã xích mích. Nhưng tới đoàn khách thứ hai, thứ ba,… mẹ chồng vẫn cứ mớm lời như thế để cả hai vợ chồng đều phải rút tiền ra. Oanh không chịu được nữa, cô mới hỏi thì bà trả lời lạnh tanh:
- Hai đứa lâu lâu mới về quê, lại là dâu mới thì tiếc gì chút tiền để thể hiện?
- Mẹ ơi, nhưng con nghĩ lì xì thì hoặc vợ hoặc chồng thôi chứ ạ? Dù sao chúng con cũng vẫn chung 1 nhà mà.
- Một nhà thì 1 nhà, 2 người khác nhau thì khác nhau rồi.
Oanh cạn lời với lời cãi cùn và vô lý của mẹ chồng. Nhưng sau đúng 1 ngày Tết, cô gần như không thể chịu nổi. Số tiền đáng lí hai vợ chồng lì xì gần đủ trẻ em, người già trong họ thì nay thiếu đi 1 nửa. Cô quyết đi gặp mẹ chồng và nói lý lẽ. Bà lại tiếp tục nói đạo lý, rồi khuyên Oanh đừng tiết kiệm vài đồng bạc lẻ:
- "Mua danh ba vạn", con mới tốn chút ít mà đã than là sao nhỉ.
Nghe đến đây, Oanh bực mình vô cùng, đã mất tiền còn bị chê bai. Không nhịn được nữa, cô vừa nói, vừa bật khóc vì ấm ức:
- Mẹ ơi, con không có nhu cầu mua danh. Con chỉ cần sống cho mình, cho người thân xung quanh là được. Mẹ có biết vợ chồng con kiếm tiền cực khổ thế nào không? Mẹ có biết vì mẹ luôn đi khoe với hàng xóm, láng giềng mà anh Phúc phải bục mặt làm thêm cho bằng con số mẹ nói khống lên không? Mẹ có biết con trai mẹ bị bệnh và khó có con nên đang phải chạy chữa rất tốn kém không?
(Ảnh minh họa)
Hai vợ chồng con ăn chẳng dám ăn, tiêu chẳng dám tiêu mà mẹ coi tụi con như đại gia lắm vậy. Con xin mẹ, nếu thương thì mẹ hãy để chúng con tự cân đối thu chi với khoản lì xì này đi ạ.
Nghe tới đây, mẹ chồng bỗng nín thinh. Có lẽ, bà cũng thương con và đang tự vấn lại bản thân. Sau hôm đó, Oanh không thấy bà lên tiếng đòi hỏi cả hai vợ chồng cùng phải lì xì nữa.