Theo các chuyên gia, tất cả trẻ sơ sinh khóc khoảng từ 2 đến 3 tiếng mỗi ngày, trong 6 tuần đầu tiên. Và phần lớn cha mẹ khi lần đầu có con thường bị thiếu ngủ, và cảm thấy lo lắng, vì sợ rằng, con khóc là do con đang gặp một vấn đề nào đó.

Tiếng khóc chính là cách con giao tiếp với bố mẹ. Trẻ khóc có rất nhiều nguyên nhân, sau đây là những nguyên nhân thường gặp:

1. Con đói

Đói là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất khiến trẻ sơ sinh khóc. Do bú không đủ sữa hoặc khoảng cách giữa các cữ bú của bé quá dài. Dấu hiệu trẻ sơ sinh đói và khóc đó là: nhóp nhép miệng, quấy khóc, mút ngón tay, khi bạn bế lên bé sẽ rúc vào ti mẹ… Khi chưa được đáp ứng, em bé sẽ càng quấy và khóc to hơn.

2. Bỉm/tã của con bị bẩn, ướt

Tã ướt bẩn sẽ khiến bé khó chịu, hậm hực và khóc. Cha mẹ cần kiểm tra và thay cho trẻ. Khi thay bỉm cho con, phụ huynh hạn chế nhấc 2 chân bé lên. Cách làm đúng là bố mẹ đỡ con nghiêng sang một bên, đưa bỉm vào rồi đỡ bé nằm thẳng lại. Sau rồi mới đóng bỉm như bình thường.

3. Con buồn ngủ

Khi trẻ mệt, có dấu hiệu buồn ngủ con cũng sẽ khóc. Một số đứa trẻ khóc rất dữ dội khi ngủ, gọi là gắt ngủ. Hiểu được điều đó, khi cha mẹ thấy những dấu hiệu con buồn ngủ, hãy ôm con và dỗ cho con ngủ nhé. Dấu hiệu bé buồn ngủ thường thấy là: ngáp, nắm chặt tay, tự mút ngón tay, cau mày,...

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 1.

4. Trẻ bị đầy hơi

Chứng colic hay còn gọi là chứng đau bụng không phải là hiếm gặp ở trẻ sơ sinh nhất là ở trong tháng đầu tiên cũng khiến trẻ khó chịu và quấy khóc. Nếu bé thường xuyên quấy khóc ngay sau khi bú, có thể bé bị đau bụng, trường hợp này bạn có thể đưa bé đến gặp bác sĩ để được tư vấn, điều trị.

Ngoài ra trường hợp bé bị đầy hơi cũng là nguyên nhân khiến bé khó chịu, với trường hợp này bạn có thể đặt bé nằm ngửa, nắm hai chân của con và cho bé cử động như đang đạp xe. Một số nguyên nhân khác có thể gây đau bụng ở trẻ nhỏ: trào ngược dạ dày thực quản, viêm dạ dày ruột,…

5. Trẻ nhõng nhẽo

Nhiều đứa trẻ thích được cha mẹ ôm ấp, bồng bế. Vì vậy lúc này mẹ có thể bế bé lên ôm bé vào lòng, lắc lư và hát cho bé nghe.

6. Bé cần ợ hơi

Khóc sau ăn có thể được xác định nguyên nhân là do bé cần được ợ hơi do trong quá trình bú bình hoặc bú mẹ hít phải nhiều khí, khiến bụng bị đầy hơi. Lúc này mẹ có thể cho bé ợ hơi để bé dễ chịu hơn.

7. Bé cảm thấy khó chịu, nóng quá hoặc lạnh quá

Đôi khi việc thay đổi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh cũng khiến bé khó chịu và phản ứng bằng cách quấy khóc.

8. Trẻ mọc răng

Mọc răng chưa bao giờ là dễ dàng đối với trẻ có thể một số trẻ mọc răng không bị sốt, trẻ vẫn ăn uống và chơi bình thường nhưng có những bé phải khổ sở vì mọc răng, điều này sẽ khiến trẻ đau đớn và rơi nước mắt.

Ngoài ra, còn rất nhiều lý do khác khiến trẻ khóc. Con có thể cảm thấy không được khỏe, đau đớn ở 1 bộ phận nào đó, con cần được yên tĩnh hoặc bé cảm thấy nhàm chán... Tất cả đều có thể khiến trẻ khóc.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe? - Ảnh 2.

Trẻ sơ sinh khóc nhiều có sao không?

Thông thường việc trẻ sơ sinh khóc nhiều hoàn toàn không gây hại gì cho trẻ. Tuy nhiên cha mẹ cần để ý xem nguyên nhân làm sao mà trẻ khóc. Có những tiếng khóc của trẻ báo hiệu con đang mắc 1 bệnh lý nào đó. Lúc này bố mẹ cần phát hiện kịp thời để sớm chữa bệnh cho trẻ.

- Đầu tiên cần giữ bình tĩnh để nhận ra tín hiệu của trẻ. Vì chỉ khi cha mẹ hiểu được thông điệp của con mỗi khi con khóc, thì khi đó cha mẹ sẽ biết cách xử trí phù hợp. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể dỗ dành con bằng cách bế và nhìn vào mắt của con.

- Tiếp đến, hãy xác định thời điểm trẻ khóc. Thông thường trẻ sơ sinh sẽ có những thời điểm khóc nhất định trong một ngày. Khi xác định được những thời điểm này, cha mẹ sẽ dễ dàng dành đúng thời gian bên cạnh con mỗi khi con khóc.

- Cuối cùng bố mẹ dỗ dành mỗi khi trẻ khóc. Cách tốt nhất cha mẹ nên làm lúc này là vuốt ve, âu yếm con, để con cảm thấy đỡ lo lắng và bất an. Quan trọng hơn là cho con đi khám bác sĩ nếu nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong tiếng khóc của trẻ.