Dịch sốt xuất huyết (SXH) có nguy cơ bùng phát ở Hà Nội, không chỉ người lớn, mà hiện nay nhiều trẻ nhỏ cũng mắc bệnh. Theo khuyến cáo của bác sĩ, chăm sóc trẻ bị SXH đúng cách để tránh biến chứng nặng cho trẻ là điều rất cần thiết các mẹ nên quan tâm lúc này.
Cảnh giác với những trẻ sốt đột ngột
Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh (Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa Đống Đa) cho biết, ở người thường, khỏe mạnh khi bị SXH thường 5-7 ngày không có biến chứng gì xảy ra, còn với trẻ nhỏ hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện, nếu trẻ biểu hiện SXH nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa, để các bác sĩ có những nhận định chuẩn xác về bệnh.
Một dấu hiệu sớm để phát hiện bệnh SXH là khi trẻ đang chơi khỏe mạnh thì đột ngột sốt cao, uống thuốc hạ sốt có đỡ sốt nhưng sau đó sốt trở lại, sốt liên tục không hạ. Đặc biệt trong 2 ngày đầu trẻ sốt có thể kèm theo một số triệu chứng như đau đầu, biếng ăn, mệt mỏi, nhức mỏi cơ giống như cảm cúm, sau đó có thể có một số dấu hiệu như biểu hiện xuất huyết ở da, chảy máu mũi hoặc chảy máu răng, ói ra máu, đi tiêu phân đen.
Sốt xuất huyết đang bùng phút ở cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh (Ảnh minh họa).
Ở trẻ nhũ nhi, bệnh diễn tiến bằng biểu hiện sốt cao, có khi kèm theo triệu chứng hô hấp như ho, sổ mũi, hắt hơi hoặc triệu chứng tiêu hóa như tiêu chảy, nôn ói, dễ nhầm với bệnh lý đường hô hấp hay đường tiêu hóa. Nếu thấy những dấu hiệu trên, bố mẹ cần phải cho trẻ đi khám để được chẩn đoán xem trẻ có bị sốt xuất huyết không.
Trường hợp nhẹ có thể chăm sóc, điều trị, theo dõi, hạ sốt bằng lau nước ấm cho trẻ tại nhà ở vùng nách, vùng bẹn. Đặc biệt, cho trẻ uống nhiều nước và các nước điện giải để tránh trường hợp mất nước cho trẻ. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước Oresol, nước cam vắt, nước chanh đường, hạ sốt với thuốc Paracetamol.
Còn khi thấy trẻ sốt liên tục trên 2 ngày với các biểu hiện nặng thì phải nhập viện để tránh diễn biến xấu. Đặc biệt, với những trường hợp xuất hiện dấu hiệu cảnh báo nặng như bứt rứt, lăn lộn, chảy máu cam, máu răng, tay chân lạnh, ói ra máu… thì cần nhập viện cấp cứu ngay dù là đang trong đêm, không nên đợi đến sáng. Vì nếu chậm trễ thì sẽ nguy hiểm đến tính mạng trẻ.
Một bệnh nhân nhi mắc SXH đang được điều trị tại BVĐK Đống Đa. (Ảnh: MT).
Những sai lầm khi chăm sóc trẻ mắc SXH
Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh, trẻ mắc SXH thường sốt liên tục và kéo dài nên nhiều bà mẹ do sốt ruột đã tự ý cho dùng thuốc hạ sốt quá 4-5 lần mỗi ngày, dẫn đến lạm dụng thuốc. Việc sử dụng thuốc hạ sốt liên tục có thể làm tổn thương gan nặng nề, xuất huyết tiêu hóa...
Một số bà mẹ khi thấy con sốt kèm theo rối loạn tiêu hóa, nôn ói liên tục đã cho con nhịn ăn, nhịn uống. Việc này khiến trẻ không được cung cấp đủ chất dinh dưỡng nên dễ mất sức, một số trường hợp có thể hạ đường huyết, gây co giật.
Thay vào đó các mẹ nên cho trẻ ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu, chia làm nhiều bữa nhỏ trong ngày. Nên tránh các thức ăn, thức uống có màu đỏ, màu đen vì khó phân biệt với màu máu khi trẻ nôn ói hoặc đi ngoài.
Đặc biệt nhiều trường hợp khi mới thấy con hết sốt thì chủ quan, không tiếp tục theo dõi. Bệnh SXH do virus nên thường có hiện tượng sốt đi sốt lại và diễn tiến bất thường. Nếu trẻ hết sốt nhưng vẫn còn biểu hiện bất thường như tay chân lạnh, đau bụng, nôn ói nhiều thì cần theo dõi để đưa trẻ nhập viện cấp cứu kịp thời. Tuyệt đối không cho trẻ bị sốt xuất huyết truyền dịch tại các phòng khám tư hoặc cơ sở y tế không đủ điều kiện vì đã có không ít trường hợp truyền dịch không đúng làm bệnh trở nặng khi chuyển đến bệnh viện thì đã quá trễ không thể cứu sống trẻ.
Cách tốt nhất để trẻ không mắc bệnh SXH
Để phòng ngừa bệnh nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày (Ảnh minh họa).
Theo BS CKII Nguyễn Thái Minh, đến nay, bệnh SXH vẫn chưa có thuốc chủng ngừa hiệu quả, chưa có vắc xin ngừa bệnh SXH. Thủ phạm chính gây bệnh sốt xuất huyết là muỗi vằn cái, thường sống trong nhà, đẻ trứng trong các dụng cụ chứa nước, vì vậy trẻ có thể bị muỗi chích vào ban ngày hoặc xẩm tối. Để phòng ngừa bệnh nên tích cực diệt muỗi, lăng quăng, ngủ màn kể cả ban ngày.
Các mẹ nên cho trẻ mặc quần áo dài tay, không để trẻ ở nơi thiếu ánh sáng, ẩm thấp để tránh muỗi đốt, thoa thuốc chống muỗi lên những vùng da lộ ra ngoài để bảo vệ trẻ; đậy kín lu, vại, hồ, bể chứa nước, không tạo nơi cho muỗi đẻ và hàng tuần nên cọ rửa với bàn chải để trứng muỗi rơi ra; thả cá 7 màu diệt lăng quăng (bọ gậy). Đồng thời dọn dẹp vệ sinh môi trường sống. Chính việc làm này sẽ giúp trẻ trách xa bệnh SXH đang có những biến hết sức phức tạp như hiện nay.
Workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" là một hoạt động đặc biệt của chiến dịch We Are Family được tổ chức hoàn toàn miễn phí dành cho 100 người phụ nữ được sống với những sở thích, đam mê của bản thân tại Hà Nội (29/07) và Hồ Chí Minh (05/08).
Tại đây, bạn không chỉ có cơ hội được trao đổi, chia sẻ với rất nhiều người phụ nữ đồng điệu mà còn được sở hữu những tấm hình cực kì xinh đẹp bên niềm đam mê của bản thân. Cùng với đó là những trải nghiệm thỏa thích khi được làm những điều mình yêu, học hỏi và gặp gỡ nhiều phụ nữ cùng chung đam mê ở các lĩnh vực: ẩm thực, handmade, homemade, mỹ phẩm organic… với sự hướng dẫn của các chuyên gia nổi tiếng.
Hãy chia sẻ ngay đam mê của bạn tại http://waf.afamily.vn để có cơ hội tham dự workshop "Ngày thứ 8 của mẹ" và mang về nhiều phần quà giá trị ngay bây giờ nhé!