Thời gian vừa qua, không ý các trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc hóa chất, ngộ độc thuốc… đã xảy ra do sự bất cẩn của bố mẹ. Những vụ ngộ độc này nếu không được phát hiện và sơ cứu  kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng.

Ngộ độc thủy ngân dẫn đến tử vong

Vừa qua, tại Nghệ An xảy ra trường hợp cháu H. (17 tháng tuổi, ở Nghệ An) đã uống phải thủy ngân và tử vong sau đó do ngộ độc thuỷ ngân quá nặng. 

Theo lời kể của gia đình, trong khi vợ chồng anh Nguyễn Văn H. và chị Nguyễn Thị L. (xã Hưng Đông, TP Vinh) đi làm để hai con ở nhà trông nhau. Trong lúc cầm lọ đựng tăm xung quanh chứa dung dịch có thuỷ ngân trang trí chơi, cháu H đã làm rơi vỡ lọ tăm. Do không biết nên cháu H. đã uống dung dịch thủy ngân trong lọ tăm chảy ra ngoài và bị hôn mê, toàn cơ thể tím tái. Do bị ngộ độc thủy ngân quá nặng, cháu H. đã bị tử vong.

Có thể nói vụ tử vong trên lời cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ khi có con nhỏ.  Vì trong cuộc sống hàng ngày nguy cơ ngộ độc thủy ngân cũng có thể tiềm ẩn ngay trong nhà  chúng ta.

BS Nguyễn Thị Hiền, Bệnh viện Thanh Nhàn, thủy ngân (nguyên tố hóa học có ký hiệu Hg) là một kim loại ở thể lỏng, không tan trong nước và có thể bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng. Nó xâm nhập vào cơ thể người qua đường hô hấp và qua da. 

Ngoài ra, thủy ngân rất độc, có thể gây tổn thương não và gan nếu con người tiếp xúc, hít thở hay ăn phải. Nó có thể tấn công hệ thần kinh trung ương và hệ nội tiết, ảnh hưởng tới miệng, các cơ quai hàm, răng và có thể gây khuyết tật với thai nhi...

Hít phải thủy ngân có thể gây bệnh phổi nặng cấp tính, khiến nạn nhân bị ho, khó thở, đau tức ngực và có cảm giác đau rát ở phổi. Ngoài ra, nó gây mất trí nhớ, viêm miệng, lơ mơ, co giật, nôn ói và viêm ruột. Trong một số trường hợp, có thể gây ra ngộ độc cấp tính, suy hô hấp, thậm chí tử vong nếu tiếp xúc lượng thủy ngân lớn.

Không ít các gia đình sử dụng nhiệt kế để đo nước tắm. Nhưng điều này cũng vô cùng nguy hiểm vì nếu chẳng may nhiệt kế vỡ do nước quá nóng hoặc va chạm thì sẽ rất nguy hiểm cho trẻ lúc đó thủy ngân thấm qua da gây viêm da… Trong quá trình tắm chẳng may vào mắt mũi tai thì hậu quả sẽ càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Nếu phát hiện trẻ nuốt thủy ngân trong nhiệt kế, các bậc phụ huynh tuyệt đối không móc họng, gây ói, bóp bụng gây nôn cho trẻ, vì rất có thể hành động này sẽ khiến trẻ bị sặc, thủy ngân bị đẩy ngược lên, có nguy cơ chui vào phổi vì sẽ gây biến chứng nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ. 

ngộ độc hóa chất ở trẻ
Những vụ ngộ độc hóa chất nếu không được phát hiện và sơ cứu kịp thời thì hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Ảnh minh họa

Ngộ độc hóa chất nào cũng đều rất nguy hiểm

BS Hiền cho biết thêm, không chỉ có thủy ngân, mà ngộ độc các loại hóa chất đều nguy hiểm. Cũng giống như thủy ngân trẻ uống nhầm hóa chất thường có một số biểu hiện như: Ho sặc sụa, cơ thể tím tái, hơi thở có mùi hóa chất... Ngoài ra, có thể có vết bỏng quanh vùng miệng tái nhợt do bé đã nuốt phải một loại chất độc ăn mòn. Những hóa chất thuộc nhóm bay hơi như xăng dầu, acetone, thủy ngân... khi uống phải sẽ gây nên tình trạng hít vào phổi gây suy hô hấp cấp tính, tổn thương phổi rất nặng.

Với các hóa chất bay hơi, dung dịch tẩy rửa gây ăn mòn mạnh như: Axit, bazơ hoặc xăng dầu… người lớn không được gây nôn cho trẻ. Cha mẹ thường nghĩ rằng cần phải cho trẻ nôn ra hết sẽ hết độc nhưng đây lại là quan niệm hoàn toàn sai lầm. 

Nếu gây nôn, khi hóa chất được đưa ra ngoài cũng là lúc hơi hóa chất có cơ hội tràn vào khí quản lần nữa làm tăng mức độ ngộ độc, gây bỏng thực quản. Trẻ dễ bị viêm phổi là do hơi của các hóa chất này xâm nhập đường hô hấp.

Trước khi tới viện, có thể cho trẻ uống vài ngụm nước lọc nếu ngộ độc hóa chất gây bỏng rát trong cổ họng. Tuy nhiên phải cho trẻ uống từ từ nhằm tránh sặc nước khiến tình hình nghiêm trọng hơn và kịp thời đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Biện pháp phòng tránh

Để phòng tránh trẻ nuốt phải các loại hóa chất nói chúng và thủy ngân nói riêng các chuyên gia nhi khoa lưu ý:

Đối với thủy ngân

Các bậc phụ huynh cẩn thận với nhiệt kế thủy ngân, các lọ có chứa dung dịch thủy ngân không đặt trên bàn, kệ trong tầm nhìn, tầm tay của trẻ. Không cho trẻ chơi nghịch với đồ có chứa dung dịch thủy ngân.

Nếu khi nhiệt kế thủy ngân bị vỡ, cần kiểm tra xem thủy ngân có bị dây vào người và quần áo của trẻ không, tốt nhất là thay bỏ toàn bộ quần áo.

Thu dọn hạt thủy ngân vương vãi, bằng cách dùng chổi lông hoặc vật dụng khác gom chúng lại, tránh cho trẻ nhỏ hoặc người lớn đụng trực tiếp vào các hạt này.

Đối với hóa chất khác

Còn đối với các loại hóa chất khác cũng để xa tầm tay của trẻ. Tốt nhất là để ở những hộp riêng, có khóa, không để trẻ em lấy được.

Không nên đựng hóa chất trong vỏ chai đựng nước uống nhằm tránh các nhầm lẫn có thể xảy ra. Các chai, lọ đựng hóa chất nên dán chú thích rõ ràng, đặt xa tầm tay trẻ em.

Không đựng các đồ uống vào các chai lọ vốn là bao bì đựng hóa chất.

Không để chung thuốc uống với những thuốc khử khuẩn, hay các loại chai lọ hóa chất khác.

Khi trẻ có biểu hiện ngộ độc hóa chất cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời cấp cứu và điều trị.