"Đa số đàn ông lập gia đình từ 5 đến 10 năm đều thay đổi tính nết, trở thành người khó tính, hay gắt gỏng và dễ nổi nóng"

Đó là kết luận của Tiến sĩ Tâm lý học Jerry Gilles, Giảng viên Đại học Harvard khi nghiên cứu về vai trò người vợ trong những gia đình gặp người chồng hay cau có, gắt gỏng.

Và trong giai đoạn này, người vợ nếu không nhanh nhạy thích ứng với hoàn cảnh, đối phó một cách tế nhị là gia đình sẽ rất dễ bị đổ vỡ.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, xung đột gia đình là điều tất yếu phải xảy ra, nhưng người vợ phải biết cách chấm dứt chiến tranh lạnh trước khi nó trở thành xung đột lớn. Nghĩa là người vợ phải chủ động tìm cách hoà giải, phải hiểu một điều là khi chồng gây gổ chẳng qua do họ phải làm việc quá mệt, gặp những trắc trở, thất bại trong công việc. Điều đó đòi hỏi người vợ phải thật bình tĩnh, kiềm chế không đổ dầu thêm vào lửa, khơi gợi chồng nói ra được những điều bực bội, ấm ức trong lòng. Chính sự cảm thông của người vợ sẽ làm cho không khí gia đình bớt căng thẳng.

Người vợ dù bực bội đến đâu, mặt mũi cũng luôn nên tươi tỉnh, luôn tạo cơ hội cho chồng có dịp tâm sự, nói ra những dồn nén trong lòng. Phải làm cho cơn thịnh nộ của chồng từ từ xẹp xuống, còn chồng nóng mà vợ cũng nóng thì hết thuốc chữa. Phương châm “một sự nhịn, chín sự lành” là nguyên tắc vàng để giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Tiến sĩ Jerry quả quyết rằng, người vợ biết giữ hạnh phúc gia đình thì dù lấy phải ông chồng tự dưng trái tính trái nết, khó tính một cách vô lý sẽ nhìn ra nguyên nhân của vấn đề và cách giải quyết thấu đáo; hiểu chồng không chỉ tính nết mà còn cả công việc làm ăn nhưng không can thiệp vào khi chồng không hỏi ý kiến.

Ông cũng kết luận rằng sự cau có, khó chịu hay gây gổ của người đàn ông là một căn bệnh xã hội đang phát triển bởi áp lực của guồng máy công việc và cuộc sống hiện đại. Và người vợ tuyệt vời là người vợ hiểu tường tận được vấn đề ấy.

Theo Giadinh.net/
Ngoisao