Một trong những chứng bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong tiết trời mùa đông - xuân chính là bệnh sởi. Căn bệnh này thường biểu hiện bằng những nốt đỏ trên da, nổi hơi cao, sờ tay có cảm giác như hạt vừng. Từ khi khởi phát đến khi sởi mọc thường diễn ra trong vòng 3-5 ngày với những biểu hiện cụ thể ở trẻ như ho, sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi, hắt hơi, chảy nước mắt, mệt mỏi, buồn ngủ, thân nhiệt tăng dần, rêu lưỡi trắng mỏng hoặc hơi vàng, đồng thời ăn kém, tiêu chảy phân loãng.
Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng (nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai), trẻ nhỏ mắc bệnh sởi cần nhanh chóng can thiệp điều trị ngay khi có dấu hiệu bệnh, tránh biến chứng nguy hiểm. Biến chứng của bệnh sởi vô cùng đáng sợ, trong thực tế, từng ghi nhận trường hợp tử vong do điều trị quá muộn. Do đó, việc điều trị ngay khi phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm đóng vai trò quan trọng, tránh biến chứng nguy hiểm được coi là việc làm quan trọng nhất.
Theo lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Việt Nam), trong Đông y có ghi nhận một số bài thuốc trị bệnh sởi tại nhà cho trẻ khá hiệu quả. Cha mẹ có thể tham khảo để ngăn chặn bệnh sởi diễn tiến, giúp trẻ sớm thoát khỏi căn bệnh khó chịu này:
Bài thuốc trị bệnh sởi từ lá dấp cá, rau rệu
Nguyên liệu
- 16g lá dấp cá.
- 16g rau rệu.
- Cam thảo đất 12g.
- 12g đậu cọc rào.
Các loại thuốc được sử dụng ở dạng tươi thì càng tốt.
Cách làm: Đem rửa sạch toàn bộ nguyên liệu, đổ 300ml nước, sắc lấy 150ml.
Cách dùng: Chia làm 2 lần uống, tùy tuổi lớn nhỏ mà thêm bớt liều lượng. Cứ cách 3 giờ lại cho uống 1 lần.
Bài thuốc chữa bệnh sởi từ lá tre
Nguyên liệu
- 20g lá tre.
- 12g mạch môn.
- 12g sa sâm.
- 12g cam thảo đất.
- 16g sài đất.
- 16g ngân hoa.
- 12g củ sắn dây.
Cách làm: Đem tất cả nguyên liệu sắc trong 600ml nước cho đến khi còn 300ml.
Cách dùng: Mỗi lần uống 30 - 40ml, cách 3 giờ uống 1 lần.
Cẩn trọng biến chứng sau khi sởi bay - 2 bài thuốc đánh bay biến chứng sau bệnh sởi
Theo lương y Vũ Quốc Trung, nếu bệnh nhi bình thường, không có kèm triệu chứng gì khác sau khi sởi mọc 3 ngày, bắt đầu sởi lặn, nóng sốt cũng lui theo, các triệu chứng cũng hết.
Nhưng nếu bệnh nhi xuất hiện những hiện tượng như: gò má đỏ, nóng cơn, ho ít đờm, ra mồ hôi trộm, rêu lưỡi nhuận, sáng, chất lưỡi đỏ mà khô, mạch tế sác là do nhiệt độc của sởi còn sót lại làm cho hao tổn tân dịch của phổi và dạ dày.
Lúc này, tùy theo tình trạng biến chứng là gì, bệnh nhi cần được sử dụng đúng bài thuốc đó để chữa dứt điểm biến chứng bệnh sởi, tránh diễn tiến nguy hiểm hơn. Cụ thể như sau:
Nếu sau khi sởi bay có biến chứng lỵ
Nguyên liệu
- 20g rau má.
- 16g rau sam.
- 16g lá mơ.
- 12g củ phượng vĩ.
- 8g cam thảo dây.
- 12g cỏ nhọ nồi.
- 12g vỏ núc nác.
Cách làm: Tất cả đem sắc với 400ml nước cho đến khi còn 150ml.
Cách dùng: Chia 2-3 lần uống trong ngày.
Nếu sau khi sởi bay vẫn bị ho kéo dài
Nguyên liệu
- 20g rễ vỏ dâu.
- 12g mạch môn.
- 8g cam thảo dây.
- 12g bách hộ.
- 8g lá táo.
- 6g lá chanh.
Cách làm: Cho tất cả các vị thuốc vào sắc với 400ml nước đến khi còn 150ml.
Cách dùng: Chia làm 2-3 lần uống trong ngày.
Chuyên gia khuyến cáo, trên đây chỉ là một vài biến chứng bệnh sởi cơ bản. Nếu trẻ xuất hiện thêm các hiện tượng khác sau sởi như phát sốt, mặt đỏ, da nóng rát, lưỡi ráo môi nẻ, đại tiện bế tắc, kiết lỵ, bụng trướng, ngủ li bì, thở gấp... tốt nhất cha mẹ nên đưa đi thăm khám để điều trị kịp thời.
Để phòng tránh bệnh sởi, giới chuyên gia khuyến cáo đừng quên cho trẻ tiêm phòng vắc-xin khi 9 tháng tuổi và tiêm nhắc lại khi trẻ 6 tuổi. Khi phát hiện trẻ bị bệnh sởi cần nhanh chóng cách ly để tránh lây nhiễm, đồng thời nhanh chóng điều trị cho trẻ. Trong trường hợp còn băn khoăn, tốt nhất nên đến gặp bác sĩ, thầy thuốc để nhận được tư vấn chính xác cho trường hợp của con. Không tự ý chữa bệnh cho trẻ bằng các mẹo truyền miệng, có thể khiến biến chứng thêm nặng, gây tổn hại sức khỏe của con hơn.