Thực hư phương pháp trị ho đờm cho trẻ đơn giản này như thế nào, hãy cùng tham khảo ý kiến của các chuyên gia.
Thông tin về cách trị ho và sổ đờm bằng lá trầu không được đăng tải trên mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm rất lớn của các mẹ chăm con nhỏ. Theo chia sẻ của bà mẹ có nickname Shikin Jaiz, chỉ cần hơ lá trầu không, không quá nóng, bôi dầu thoa lên ngực trẻ rồi từ từ đặt lá lên ngực. Sau một "nốt nhạc" mũi đã sổ ra ròng ròng, trẻ có thể thở dễ dàng không còn khò khè. Và rất nhiều bà mẹ đã lan truyền nhau trên mạng xã hội cách long đờm bằng lá trầu không này.
Hình ảnh đứa bé được điều trị long đờm bằng lá trầu không được nickname Shikin Jaiz đăng tải.
Trao đổi với Th.S Lương y Vũ Quốc Trung, Hội viên hội Đông y Việt Nam đã giải thích thực hư phương pháp trị ho và sổ đờm cho trẻ bằng lá trầu không. Lương y Vũ Quốc Trung cho hay lá trầu là một trong những vị thuốc nam được nhân dân sử dụng khá phổ biến. Tuy nhiên, dùng lá trầu không để điều trị ho và sổ đờm thì hiệu quả thường không cao. Trong y văn cũng không có bất cứ ghi chép bài thuốc nào về việc điều trị ho sổ đờm cho trẻ nhỏ bằng việc đắp lá trầu không.
"Lá trầu không được sử dụng đều trị giảm đau sẽ hiệu quả hơn, khả năng trị ho và sổ đờm của lá trầu không là rất kém. Theo kinh nghiệm dân gian thường dùng lá trầu không trong rất nhiều trường hợp chống viêm, lở loét, đắp lá trầu không sẽ có tác dụng giảm đau, nước lá trầu không dùng rửa vết thương, viêm nhiễm phần phụ…", Lương y Vũ Quốc Trung nói.
Theo các chuyên gia, thời tiết chuyển mùa, trẻ nhỏ không được giữ ấm cổ, ngực, tay, chân dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến có đờm trong đường thở. Trường hợp trẻ ho nhiều có đờm kèm theo sốt, thay vì áp dụng các biện pháp truyền miệng thì cần phải đưa trẻ đi khám sớm để tránh trẻ bị viêm phổi nguy hiểm.
Thời tiết chuyển mùa, trẻ nhỏ không được giữ ấm cổ, ngực, tay, chân dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến có đờm trong đường thở (Ảnh minh họa).
Lương y Vũ Quốc Trung khuyến cáo, việc bôi dầu nóng lên ngực trẻ sau đó hơ nóng lá trầu không đắp lên ngực nếu quá nóng có thể gây bỏng cho trẻ. Đặc biệt với trẻ dưới một tuổi, áp dụng cách trị ho sổ đờm như trên sẽ rất nguy hiểm do da trẻ nhỏ rất mỏng manh. Các chuyên gia khuyến cáo không dùng bất cứ loại dầu có tính nóng nào cho trẻ dưới 1 tuổi.
Còn theo Phó chủ tịch Hội Đông y Ba Đình Lương y Bùi Hồng Minh, trong Đông y lá trầu không có vị cay nồng, tính ấm, có tác dụng hạ khí, tiêu viêm, sát khuẩn, kích thích tiêu hóa, trừ phong thấp…
Ông khẳng định rất khó có chuyện chỉ đắp một lá trầu đờm sẽ sổ ra mũi ròng ròng. Lá trầu thường không dùng để điều trị ho và long đờm vì hiệu quả không cao. Khi hơ nóng lá trầu không đắp lưng trẻ có thể làm ấm phổi, có tác dụng hỗ trợ điều trị khi trẻ ho do nhiễm lạnh.
Vị Lương y này cho hay: "Thay vì dùng lá trầu không để long đờm thì dùng hạt kha tử ngậm sẽ giúp tiêu đờm tốt hơn. Khi trẻ có nhiều đờm, tránh cho trẻ ăn những thức ăn cay, nóng vì dễ sinh ra đờm nhiều hơn".
Lương y Bùi Hồng Minh khuyên dùng hạt kha tử ngậm sẽ giúp tiêu đờm tốt hơn.
Lá trầu không gây độc cho cơ thể nhưng khi dùng cho trẻ nhỏ cần phải lưu ý tránh gây bỏng da cho trẻ. Nếu cha mẹ muốn áp dụng để kiểm chứng công hiệu thì nên sao lá sau đó để vào khăn chườm trên ngực. Hoặc để lá trước ngực sau đó dùng túi chườm nóng để lên trên.
Lương y Bùi Hồng Minh lưu ý, thời tiết lạnh không nên cởi hết áo trẻ để đắp lá trầu không vì việc này có thể khiến trẻ bị nhiễm lạnh và làm cho bệnh càng nặng hơn.
PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai thì cho hay trẻ nhỏ ho nhiều có đờm là rất bình thường, đó là một phản ứng tốt để long đờm. Nguyên nhân trẻ ho thường do nhiễm vi rút, trẻ sẽ bị ho sau 5-7 ngày sẽ hết hoặc dài hơn tùy vào loại vi rút nhiễm hoặc sức đề kháng của trẻ nhỏ. Theo khuyến cáo của chuyên gia, khi trẻ ho có đờm tuyệt đối không nên áp dụng các biện pháp dân gian như đắp lá trầu không, dán cao nóng rất nguy hiểm đối với trẻ nhỏ.