Có không ít câu chuyện thực tế về việc hai vợ chồng ký hợp đồng tiền hôn nhân. Ở đó nói rõ ràng, quy định về tài sản của cả hai nếu "đường ai nấy đi". Xét kỹ càng thì đó cũng là một cách sòng phẳng. Tất cả đều rõ ràng ngay từ ban đầu và sẽ chẳng có bao nhiêu tranh chấp nếu chẳng may hai vợ chồng không còn chung đường nữa.
Tài sản của ai làm ra, người đó được quyền giữ lại toàn bộ. Đó cũng là một kiểu lí thuyết được nhắc đến nhiều về kinh tế hôn nhân trong thời đại bây giờ.
Tuy nhiên, cũng có không ít những nhân vật "có số có má" nhưng lại chẳng quá quan trọng về chuyện tiền bạc trong hôn nhân. Triệu phú người Việt tại Mỹ Vương Phạm là một ví dụ như thế.
Triệu phú người Việt để vợ đứng tên toàn bộ tài sản
Vương Phạm sinh năm 1991 tại TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại anh đang sinh sống cùng vợ con tại Texas (Mỹ). Anh đang là chủ của một doanh nghiệp nằm trong top các doanh nghiệp phát triển nhanh nhất nước Mỹ với doanh thu hàng triệu đô mỗi năm. Ước tính, tài sản của Vương Phạm lên đến hàng chục triệu đô và cũng là một nhân vật thành công, nổi tiếng người Việt tại xứ cờ hoa.
Anh qua Mỹ du học vào năm 16 tuổi. 5 năm sau, Vương Phạm thành lập công ty tại đây.
Anh và vợ - Brenda Lam quen nhau khi cô là sinh viên đến thuê phòng nhà dì của Vương Phạm. Sau này, cả hai đã nảy sinh tình cảm và đồng hành cùng nhau trong nhiều biến cố tại Mỹ.
Có thời điểm anh gặp rắc rối với cơ quan chức năng, bị khóa tài khoản ngân hàng. Các giao dịch việc làm của anh đều thông qua tài khoản ngân hàng của Brenda. Thời gian đó rất mệt mỏi, Vương Phạm không chỉ khó khăn về kinh tế mà còn đối diện với vấn đề sức khỏe, phải nhập viện 10 ngày. Brenda Lam chính là người đã chăm sóc anh mỗi ngày.
Trân trọng tình cảm của cô gái này, Vương Phạm đã xác định cô là vợ tương lai.
Anh đã cầu hôn vợ cực chất: "Bà cưới tui đi, tui tặng bà chiếc xe". Sự hài hước đó đã khiến Brenda chấp nhận.
Đến hiện tại, cả hai đã rất dư dả, thậm chí giàu có nhưng họ vẫn chọn lối sống giản dị.
"Xe sang, áo đẹp, nhà đẹp Vương muốn là có ngay, rất đơn giản, nhưng điều đó mình không muốn. Vương cũng không chú ý ăn mặc lắm, sao cho vừa đủ là được", anh từng chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn.
Và có lẽ, vì những suy nghĩ đó mà cách anh cùng vợ phân chia kinh tế cũng hết sức đặc biệt.
Vợ Vương Phạm là hậu phương của chồng. Cô không làm ra tiền, chỉ ở nhà lo cơm nước, con cái và những điều nho nhỏ trong gia đình. Cô luôn đảm nhận việc nấu cơm cho chồng bởi Vương Phạm chỉ ăn đồ vợ nấu, ít khi ăn cơm ngoài hàng.
Như vậy nhưng toàn bộ tài sản trong gia đình đều đứng tên Brenda Lam.
Vương Phạm chia sẻ: "Tất cả những gì trong nhà mình thì đều là vợ đứng tên. Vợ có hỏi vì sao Vương không đứng tên nhưng Vương nghĩ với Vương những cái đấy không quan trọng, Vương biết tính vợ nên để vợ đứng tên hết cho vợ khỏi lo. Lâu lâu Vương hay nói: "Bà thấy không tôi đi làm kiếm tiền chứ bà giữ hết mà". Vương muốn mua gì thì đều phải xin".
Anh cũng từng chia sẻ về cách tiêu tiền "không giống người giàu" của vợ mình. Brenda rất giản dị, mặc đồ đơn giản. Bạn bè mặc đồ hiệu còn cô về Việt Nam mua cái áo mấy trăm nghìn là đã vui rồi.
"Tính vợ mình quen lối sống đơn giản", Vương Phạm cho hay.
Thế mới nói, triệu phú cũng có nhiều cách nghĩ khác nhau. Khi tình yêu và sự tin tưởng lên ngôi thì đương nhiên, họ sẽ chẳng để những lo nghĩ lăn tăn về kinh tế ảnh hưởng đến cuộc hôn nhân.
Của chồng công vợ ngay từ trong suy nghĩ!
Chẳng ai có thể phán xét hay phân định được rằng cách phân chia kinh tế, chi tiêu tiền bạc của một cặp vợ chồng là đúng hay sai. Họ chỉ có thể làm những gì tốt nhất để "vận hành" cuộc hôn nhân của mình suôn sẻ nhất.
Trong câu chuyện của Vương Phạm, anh cũng nói rõ ràng lí do vì sao mình lại để vợ đứng tên tài sản: "Vương biết tính vợ nên để vợ đứng tên hết cho vợ khỏi lo".
Brenda là một người vợ không đi làm, không tự chủ kinh tế. Trong cuộc sống đời thường, người ta biết đến rất nhiều câu chuyện vợ chu toàn hết việc nhà, chồng đi làm kiếm tiền nên người vợ bị coi thường, bị coi là ăn bám. Thậm chí nếu đường ai nấy đi thì cô vợ tay trắng, thậm chí chẳng thể giành được quyền nuôi con.
Thấu hiểu điều đó, Vương Phạm để vợ đứng tên toàn bộ tài sản. Còn anh, người làm ra gia tài hàng chục triệu đô lại "muốn mua gì đều phải xin".
Không chỉ thế, anh còn thi thoảng khẳng định với vợ rằng: "Tôi đi làm kiếm tiền chứ bà giữ hết mà". Nó còn như một sự nhấn mạnh tất cả những gì ông chồng làm ra đều dành tặng cho cô vợ của mình.
Tình yêu, sự tin tưởng tuyệt đối và tinh thần trách nhiệm với hôn nhân có lẽ là những điều thúc đẩy cho hành động đó. Và với Vương Phạm, anh cũng coi những thành quả mình có được có công lớn từ chính vợ mình. Nếu như thế thì ai đứng tên tài sản hàng chục triệu đô cũng đều như nhau. Họ là vợ chồng, là một thể thống nhất và luôn sát cánh bên nhau.
Sự phân chia lao động, chi tiêu kinh tế hay kế hoạch sử dụng đồng tiền là chủ đề mà cặp đôi nào khi kết hôn cũng phải nghĩ tới. Chẳng có motip nào để người ta học hỏi bởi với mỗi cặp đôi, kinh tế khác nhau, suy nghĩ khác nhau, dự định khác nhau thì sẽ dẫn đến cách làm khác nhau.
Thế nhưng từ suy nghĩ và cách làm với tài sản, người ta cũng nhận ra đôi vợ chồng đó như thế nào, tình cảm dành cho nhau ra sao.
Một người vợ không đi làm nhưng họ cũng dùng cách riêng của mình để đóng góp vào khối tài sản chung của gia đình. Thấu hiểu được điều đó thì mới thấm được câu "của chồng công vợ". Và có lẽ, triệu phú người Việt trên đất Mỹ Vương Phạm là người hiểu điều ấy rõ nhất!