Có nhiều bậc phụ huynh thường phàn nàn về việc con mình học kém, có trí nhớ không tốt. Trên thực tế, trí nhớ không chỉ là một phần quan trọng của trí thông minh mà còn đóng vai trò thiết yếu trong khả năng học hỏi của một đứa trẻ. Để xác định con mình có trí nhớ kém hay không, trước tiên cha mẹ hãy thử kiểm tra thông qua các trường hợp sau:
- Khi mọi người nói nhanh, trẻ không biết mọi người đang nói gì.
- Trẻ không thể nhớ câu dài, không thể lặp lại những gì sau khi nghe.
- Trẻ diễn đạt bằng lời nói chậm.
- Trẻ học trước quên sau, chỉ nhớ vào lúc đang học, hôm sau là quên ngay.
- Trẻ không thể đọc trôi chảy văn bản, không thể đọc các câu hoàn chỉnh.
- Khi học một từ mới, trẻ không thể nhớ nó sau một khoảng thời gian.
- Trẻ đọc từ và số còn chậm.
Nếu một đứa trẻ rơi vào phần lớn các trường hợp trên, chứng tỏ trí nhớ của chúng rất kém. Lúc này, cha mẹ đừng quá lo lắng, trí nhớ của trẻ hoàn toàn có thể cải thiện được theo thời gian.
Nguyên nhân khiến trí nhớ của trẻ ngày càng kém
- Trẻ tiếp xúc với các thiết bị điện tử quá sớm
Việc cha mẹ cho con cái dùng điện thoại, máy tính bảng quá sớm hoàn toàn không tốt cho não bộ của trẻ. Những video ngắn, tiết tấu nhanh sẽ làm suy giảm khả năng tập trung của trẻ. Lúc này, não của trẻ không có thời gian xử lý hoặc suy nghĩ về thông tin chúng nhận được.
- Trẻ học quá nhiều
Một số cha mẹ ngoài việc cho con học thêm các môn ở trường, họ còn đăng ký thêm các khóa học kỹ năng mềm. Việc học nhiều môn như vậy khiến trẻ lúc nào cũng căng thẳng đầu óc, ăn ngủ không ngon, ảnh hưởng trực tiếp tới sự phát triển của trí não, từ đó dẫn tới khả năng ghi nhớ kém.
- Yếu tố khác
Trẻ thường xuyên có tâm trạng không tốt cũng ảnh hưởng tới trí nhớ. Những cảm xúc tồi tệ này sẽ ảnh hưởng tới khả năng tư duy bình thường của trẻ, từ đó tác động vào não bộ.
Ngoài ra, nếu một đứa trẻ ngủ không đủ giấc, nó cũng ảnh hưởng tới trí nhớ. Đây là lý do khiến nhiều người thỉnh thoảng rơi vào trạng thái đầu óc trống rỗng khi thiếu ngủ trong thời gian dài.
Để đảm bảo trẻ học đâu nhớ đó, cha mẹ cần quan tâm tới cảm xúc của con mình và chú trọng tới chất lượng giấc ngủ. Một trạng thái tinh thần minh mẫn đương nhiên sẽ giúp trẻ học tốt hơn.
Trò chơi giúp cải thiện trí nhớ cho trẻ
Các nhà tâm lý học đã chỉ ra rằng, trẻ em từ 5 – 12 tuổi nếu được can thiệp bởi các yếu tố bên ngoài có thể cải thiện được trí nhớ hiệu quả. Hiện nay, có nhiều phương pháp rèn luyện trí nhớ, chẳng hạn như nhớ theo hệ thống, nhớ xen kẽ, nhớ so sánh, nhớ tưởng tượng, nhớ liên tưởng… Tất cả đều mang lại nhiều lợi ích trong việc cải thiện trí nhớ của trẻ.
Bên cạnh đó, còn một cách khác để rèn luyện khả năng tập trung và tư duy của trẻ, giúp cải thiện trí nhớ, đó là trò chơi xếp hàng.
Cách chơi:
- Chuẩn bị những món đồ chơi trẻ yêu thích, chẳng hạn như ô tô, búp bê, trong trường hợp này là các loài động vật. Để trẻ tưởng tượng các con vật này đang ở trong lớp học, cần phải xếp 8 con vật thành 2 hàng, mỗi hàng 4 con, mỗi con được đánh số theo thứ tự.
- Cho trẻ 1 phút để chúng nhớ vị trí và số của mỗi con vật.
- Sau đó, cha mẹ bịt mắt trẻ và đổi chỗ các con vật cho nhau.
- Trẻ tháo khăn bịt mắt, nhớ lại vị trí ban đầu của các con vật và sắp xếp lại như cũ.
Trò chơi này giúp trẻ cải thiện trí nhớ bằng cách nhớ lại vị trí ban đầu của những con vật. Cha mẹ có thể thay các con vật bằng các tấm thẻ màu hoặc đồ chơi trẻ thích. Chỉ cần cha mẹ dành 10 phút mỗi ngày chơi cùng với con mình, trí nhớ của trẻ sẽ được cải thiện đáng kể.