Buổi sáng chủ nhật thức dậy, tôi phát hiện tủ lạnh nhà mình đã gần như trống trơn. Vậy là lại tới lúc đi mua thực phẩm cho cả tuần mới rồi. Tôi cảm thấy khá nản vì hôm nay, cả 3 bé nhà tôi đều nghỉ học, còn ông xã lại bận đi công tác.
Điều đó đồng nghĩa với việc tôi sẽ phải đưa cả 3 “giặc nhỏ” đi siêu thị cùng mình mà không có ai để chia sẻ việc trông con giúp tôi. Kinh nghiệm từ những lần đi siêu thị trước đó cho thấy, chúng tôi chưa bao giờ có một buổi mua sắm nào mà thiếu nước mắt, giận hờn, tranh cãi, mè nheo…
Tuy nhiên, việc cần làm vẫn phải làm. Tôi gọi các con chuẩn bị đi siêu thị và tất cả đều tỏ ra vô cùng hứng thú. Bỗng cậu cả đề nghị cả nhà cùng thử chơi trò “Sweet or Sour” (Chua hay ngọt) vừa học được từ bạn cùng lớp.
Theo đó, bọn trẻ sẽ nói “Chào ông/bà/cô/chú/bác…” với một người lạ gặp trong siêu thị. Nếu người đó chào đáp lại, bọn trẻ sẽ đánh một dấu tích vào cột “Sweet”, nếu không, sẽ là một dấu “x” ở cột “Sour”.
Tôi không ngờ kết quả mà trò chơi tưởng rất đơn giản này mang lại trên cả tuyệt vời. Tôi tự thấy chính mình cười suốt, từ lúc vào siêu thị tới lúc ra về. Và tôi cũng thấy có nhiều khuôn mặt vui vẻ, rạng rỡ hơn bất cứ lúc nào ở siêu thị.
Khi con tôi cất tiếng chào, nhiều người chào đáp lại với một nụ cười kiểu… ngơ ngẩn vì không biết gì về việc họ chính là nhân vật chính trong một trò chơi trẻ con. Nhưng cũng có không ít người không chỉ mỉm cười đáp lại chúng tôi mà còn bắt đầu hỏi han, trò chuyện. Và, tin hay không thì tùy các bạn, nhưng buổi sáng hôm đó, chỉ có 3 người, tầm 25 tuổi, khiến cột “Sour” phải nhận dấu tích.
Nhưng điều tuyệt vời nhất trong toàn bộ câu chuyện này là gì? Đó không chỉ dừng lại ở những lời cảm ơn, những cuộc trò chuyện nho nhỏ hay những nụ cười mà bọn trẻ có được từ người xa lạ - mặc dù những thứ này rõ ràng tốt hơn nhiều so với khuôn mặt chẳng nói chẳng cười mà chúng tôi gặp giữa những gian hàng. Điều tuyệt vời nhất nằm ở chỗ: cả 4 mẹ con chúng tôi đã hoàn thành chuyến mua sắm đầu tiên trong đời với tâm trạng hoàn toàn vui vẻ và thoải mái. Không có bất cứ dấu hiệu của lối cư xử mất mặt nào. Cũng không có những tiếng thở dài chán nản.
Và hơn thế, câu chuyện mua sắm này cũng khiến tôi nghĩ ngợi. Lồng ngực tôi có đôi lúc muốn căng phồng lên vì niềm hãnh diện đã lôi kéo được những người xa lạ cùng chia sẻ nụ cười và niềm vui với chúng tôi.
Bản thân tôi là người luôn tin tưởng, một nụ cười sẽ giúp bạn vững bước đường xa – nhất là nếu nó đến từ một người xa lạ - người mà lẽ ra đã có thể nhìn xuyên qua bạn mà chẳng thấy bạn. Tôi không thể dừng cảm xúc hân hoan vì ngày hôm đó tươi tắn hơn, đẹp đẽ hơn mọi ngày khác khi tôi nhận được những nhận xét như: “Ồ, trông cô rất vui đấy” hay “Thật tuyệt khi được nhìn ai đó mỉm cười tươi như vậy”.
Nhưng rồi ngay sau đó, một cảm giác “đen tối” len lỏi vào lòng tôi. Tại sao – tại sao – để đánh dấu vào ô “Sweet” khi ở nhà, với chính gia đình mình, tôi lại cảm thấy khó khăn đến thế? Những đòi hỏi không dứt, những trò chơi khiến nhà cửa thành một đống lộn xộn, những giọt nước mắt cá sấu, những trận cãi vã, đánh nhau… - tôi dường như khá thường xuyên tự tích vào ô “Sour” của đời mình.
Nhưng thực tế là, bất chấp việc tôi có mỏi mệt ra sau, chán nản đến nhường nào, “Sour” càng nhiều dấu tích càng chỉ khiến tôi – và mọi người xung quanh tôi – càng thêm mỏi mệt và chán nản mà thôi.
Vì vậy, từ bây giờ trở đi, với nỗ lực cao nhất có thể, tôi sẽ chơi trò “Sweet or Sour” ở nhà. Tôi sẽ cố gắng để tích thật nhiều dấu vào ô “Sweet”. Bởi nếu chuyến mua sắm hôm nay là một dấu hiệu, thì chắc chắn tôi sẽ nhận lại được nhiều “Sweet” hơn. Và dĩ nhiên, có người mẹ nào lại không khao khát điều đó chứ?