Thời tiết miền Bắc trở lạnh đột ngột, nếu cha mẹ không biết cách chăm sóc, trẻ nhỏ rất dễ bị ốm, cảm lạnh, mắc các bệnh hô hấp.
Theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, Giám đốc Trung tâm hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, giai đoạn giao mùa, thời tiết chuyển lạnh là điều kiện để virus sinh sôi nảy nở trong môi trường, đặc biệt là virus hợp bào hô hấp gây bệnh lý hô hấp. Khi cơ thể trẻ nhiễm lạnh, đường hô hấp trên là nơi chịu ảnh hưởng đầu tiên, gây viêm mũi, viêm họng, xoang... Từ đó, nhiễm trùng có thể lan xuống đường hô hấp dưới gây viêm phế quản và phổi, viêm màng phổi... Trẻ nhỏ với sức đề kháng yếu khiến cho các loại virus, vi khuẩn cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng dễ dàng xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh.
Cũng theo PGS.TS Lê Thị Hồng Hanh, dưới sự tác động của thời tiết, nhiều cha mẹ thường mắc sai lầm trong cách chăm sóc dễ khiến cho trẻ bị các bệnh về đường hô hấp. Việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho trẻ vào những ngày trời lạnh rất quan trọng, tránh hệ hô hấp của trẻ bị tổn thương do sức đề kháng chưa hoàn thiện.
Theo đó một số cha mẹ thường mắc sai lầm như: Mặc nhiều quần áo để giữ ấm cho trẻ nhưng không cởi bỏ bớt khi trẻ đùa nghịch bị ra mồ hôi; khi mồ hôi ngấm ngược vào quần áo khiến trẻ dễ bị nhiễm lạnh dẫn tới cách bệnh đường hô hấp. Hay khi trẻ bị ốm, nhiều cha mẹ lại kiêng tắm cho con vì sợ tắm dễ bị nhiễm lạnh, điều này không hợp lý bởi cơ thể trẻ là cơ thể đang phát triển, nhất là nếu trẻ chơi đùa sẽ ra mồ hôi rất cần giữ vệ sinh sạch sẽ để phòng bệnh.
Bác sĩ khuyến cáo, dù trẻ có bị sốt hay ho, viêm mũi, họng cha mẹ vẫn nên lau người, thay quần áo sạch sẽ hàng ngày cho con. Hoặc cha mẹ có thể tắm cho trẻ ở trong phòng ấm, tắm nhanh, lau người khô, mặc quần áo ấm sẽ an toàn cho trẻ.
Để phòng bệnh cho trẻ, nhất là các bệnh về đường hô hấp trong thời tiết lạnh, cha mẹ nên vệ sinh mũi, họng hàng ngày cho trẻ; giữ ấm nhưng không để cho trẻ nóng quá, ra mồ hôi, nhưng cũng như không để trẻ bị nhiễm lạnh.
Bên cạnh đó, khi cho trẻ ra ngoài, cha mẹ nên mặc quần áo ấm, đeo khẩu trang cho trẻ phòng nhiễm lạnh ở mũi, miệng, phổi; quàng khăn ấm, đeo tất tay, tất chân, đội mũ cho trẻ.
Trẻ cũng cần được bổ sung chế độ dinh dưỡng phù hợp; ngoài việc cho trẻ ăn đủ thịt, cá, trứng, sữa, cha mẹ cũng cần bổ sung các loại vitamin hoặc những chất khoáng, ăn rau và hoa quả, uống đủ nước có tác dụng tăng sức đề kháng cho trẻ. Trẻ nhỏ dưới 6 tháng nên cho bú sữa mẹ hoàn toàn nếu có thể để tăng cường sức đề kháng cho trẻ.
Trẻ cần được sống trong môi trường thông thoáng, cửa kín tránh gió lùa, phòng ngủ sạch sẽ. Nếu ở trong môi trường không khí bẩn, ô nhiễm, ẩm thấp sẽ làm cho trẻ có nguy cơ cao mắc các bệnh về đường hô hấp.