Miền Nam trời trở lạnh, nhiều người phải nhập viện
Bác sĩ Lương Thúy Nguyệt (khoa Khám bệnh, Bệnh viện Bà Rịa) cho biết, phòng khám hô hấp của viện mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 người bệnh, tăng 20% so với những tuần trước. Do không khí lạnh và khô tạo môi trường cho các vi khuẩn, virus phát triển, có thể làm nặng tình trạng viêm phế quản, tắc nghẽn phổi mãn tính khi người bệnh hít thở không khí lạnh, khô. Ngoài nhóm bệnh về hô hấp, xương khớp, thời tiết lạnh như hiện nay cũng khá nguy hiểm đối với những người có bệnh lý về tim mạch, cao huyết áp; nguy cơ đột quỵ, nhồi máu cơ tim tăng lên.
Đáng kể là trường hợp bệnh nhân Trần Văn Thành (huyện Long Điền) đã "sống chung" với bệnh hen gần 10 năm nay. Mỗi lần bệnh tái phát, ông đến bệnh viện khám và được điều trị bằng thuốc. Tuy nhiên, mỗi đợt uống thuốc thấy đỡ hơn là ông lại tự ý dừng điều trị, không đi tái khám.
Bệnh nhân Lê Thị Hạ Mến (50 tuổi ở xã Bình Giã, huyện Châu Đức) phải hứng chịu những cơn ho, khó thở khi thay đổi thời tiết. Bà cho biết, khi bắt đầu có những dấu hiệu của bệnh như mệt mỏi, khó thở, ho nhiều khi tiết trời thay đổi, bà đã không đi khám bác sĩ để phát hiện sớm bệnh hen, mà tự đi mua thuốc uống. Đến khi bệnh nặng, bà mới đến Bệnh viện Bà Rịa khám. Bác sĩ chẩn đoán bà bị mắc bệnh hen. Từ đó, bà phải thường xuyên đến bệnh viện để khám và điều trị bệnh.
Bác sĩ Nguyệt cho biết, bệnh hen phế quản diễn tiến lâu dài và gặp ở nhiều lứa tuổi. Triệu chứng điển hình nhất của hen phế quản là ho và khò khè. Ho có thể kéo dài và thường xảy ra nhất là khi thời tiết chuyển mùa, nóng, lạnh đột ngột, ẩm ướt. Tuy vậy, biểu hiện trên cơ thể người bệnh khá bình thường, đôi khi chỉ là những cơn ho, đặc biệt là vào nửa đêm hoặc về sáng. Do vậy, bệnh nhân thường chủ quan không đi khám và điều trị sớm.
Tại Bệnh viện Phổi trung ương, số bệnh nhân nhập viện trong những ngày thời tiết chuyển lạnh vừa qua đã tăng gấp rưỡi so với tháng trước đó (khoảng 300 bệnh nhân)...
Theo PGS.TS Lê Thị Minh Hương (Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương), trung bình một trẻ dưới 5 tuổi có thể bị viêm đường hô hấp cấp 4-6 lần trong một năm. Trong các bệnh hô hấp trẻ hay mắc phải, viêm phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.
Cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh
ThS.BS Vũ Văn Thành (Trưởng khoa Bệnh phổi mạn tính – Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, những khi thời tiết có sự thay đổi đột ngột hoặc không khí ô nhiễm thì phổi, đường hô hấp chính là cơ quan bị tác động trực tiếp, dễ cảm nhiễm và hay bị bệnh nhất.
Đặc biệt, những người có sức đề kháng kém, tuổi cao, hoặc có bệnh mãn tính thì rất dễ xuất hiện các cơn cấp tính trong điều kiện thời tiết chuyển lạnh như hiện nay.
"Thời tiết thay đổi, có gió mùa, gió lạnh thì những người có các yếu tố như trên nên hạn chế ra ngoài đường. Nếu ra ngoài thì phải có biện pháp bảo vệ sức khỏe như giữ ấm, đeo khẩu trang. Đồng thời phải ăn uống điều độ, thường xuyên vận động để nâng cao thể trạng…", bác sĩ Thành khuyến cáo.
Với những người mắc bệnh hô hấp mạn tính, khi trời lạnh dễ gặp các đợt cấp của bệnh, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo các giai đoạn bệnh và tái khám định kỳ để có hướng dẫn điều trị cụ thể, không tự ý sử dụng đơn cũ đã được bác sĩ kê và không tự ý mua kháng sinh về điều trị.
Tùy theo từng bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc gì cho phù hợp. Bệnh nhân không nên tùy tiện uống thuốc kháng sinh, kháng viêm bởi sẽ nguy hiểm đối với sức khỏe.
Cùng với nhóm người cao tuổi thì trẻ em cũng là đối tượng dễ nhiễm bệnh liên quan đến đường hô hấp trong điều kiện thời tiết thay đổi, giá rét như hiện nay.
Khi có các triệu chứng như ho, khò khè, khó thở lặp đi lặp lại thường vào ban đêm hoặc sáng sớm, hay tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ như hít phải khỏi thuốc lá, môi trường hóa chất… bệnh nhân nên đến phòng khám chuyên khoa về hô hấp để được khám và điều trị kịp thời.