Vẫn còn 11 người nằm lại đâu đó ở Rào Trăng
Cách đây đúng 2 năm, miền Trung xảy ra thảm hoạ thiên tai nặng nề nhất trong hàng chục năm trở lại đây - sự cố sạt lở Thuỷ điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân mất tích và 13 cán bộ chiến sĩ hy sinh trong quá trình tìm kiếm cứu nạn.
Đêm 13/10/2020 có lẽ sẽ là đêm không thể nào quên đối với người dân cả nước. Sự khốc liệt của thiên tai đã vùi lấp 13 cán bộ, chiến sĩ giữa núi rừng.
Sau hai vụ sạt lở liên tiếp, tỉnh Thừa Thiên Huế cùng Quân khu 4 đã mở một cuộc tìm kiếm quy mô lớn chưa từng có. Hàng ngàn lượt quân nhân, nhân viên y tế được điều động đến hiện trường.
Ngày 14/10, ba mũi tìm kiếm bằng đường bộ, đường không và đường thủy. Nhóm đường bộ tiếp cận trạm bảo vệ rừng 67 - nơi đoàn cứu hộ hy sinh, để tìm kiếm 13 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp.
Sau cuộc tìm kiếm ở trạm 67, tỉnh Thừa Thiên Huế, Quân khu 4 còn tiếp tục triển khai cuộc tìm kiếm 17 công nhân mất tích ở thủy điện Rào Trăng 3 với 7 giai đoạn kéo dài gần một năm trời.
Hơn nửa triệu khối đất đá ở khu vực xảy ra sạt lở kéo dài đến tận chân đập thủy điện với chiều dài khoảng 5km đã được đào lên. Từng hốc đá, bãi bồi nghi có người mất tích đều được lật tung kỹ lưỡng. Nhưng chỉ 6 thi thể công nhân được tìm thấy, 11 người còn lại vẫn nằm đâu đó ở Rào Trăng.
Hai năm sau sự cố kinh hoàng, một lần nữa miền Trung lại liên tiếp hứng chịu những đợt thiên tai dồn dập. Đây giống như một lời nhắc nhở.
Miền Trung nói riêng và cả nước nói chung đang ở giai đoạn đỉnh điểm mùa thiên tai năm nay. Từ tháng 8/2022, nhiều cơn bão, ATNĐ cùng mưa lớn đã ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, gây ra nhiều hậu quả nặng nề.
Đặc biệt, trận lũ quét kinh hoàng nhất trong 20 năm tại Kỳ Sơn, Nghệ An vào đêm 2/10, rạng sáng ngày 3/10 đã một lần nữa nhắc nhở người dân miền Trung về những ký ức thảm hoạ thiên tai năm 2020.
Thiên tai dồn dập, phức tạp
Sau cơn bão số 4 (28/9), miền Trung liên tục hứng chịu thêm nhiều hình thái thiên tai khốc liệt liên tiếp. Đặc biệt, hoàn lưu sau bão số 4 đã gây hậu quả cực kỳ nặng nề đối với các tỉnh miền Trung cả về người lẫn tài sản. Ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất diễn ra liên tục tại nhiều địa phương miền Trung chỉ trong chưa đầy một tháng.
Đặc biệt, tháng 10 và tháng 11 được dự báo là đỉnh điểm của mùa mưa bão năm nay tại các tỉnh miền Trung. Mưa chồng mưa, bão chồng bão, những thiệt hại nặng nề từ mùa mưa bão năm 2021 vẫn chưa kịp khôi phục, các tỉnh miền Trung tiếp tục hứng chịu những hậu quả do tình trạng La Nina tiếp diễn trong năm 2022.
Theo dự báo mới nhất từ Trung tâm khí tượng thuỷ văn Quốc gia, một vùng áp thấp mới đây đã mạnh lên thành ATNĐ ngay trên biển Đông và được dự báo có khả năng mạnh lên thành bão, ảnh hưởng đến các tỉnh miền Trung trong những ngày tới.
Do tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới, kết hợp với gió Đông và không khí lạnh nên từ đêm nay đến 16/10, các tỉnh Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên bước vào một đợt mưa rất lớn với tổng lượng mưa tích lũy từ 200-500mm, có nơi trên 600mm.
Dự báo từ đêm 13/10 đến sáng 15/10, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.
Trong đó, lượng mưa ở Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai phổ biến từ 100-200mm, có nơi trên 250mm. Lượng mưa ở Thừa Thiên Huế đến Bình Định từ 200-350mm, có nơi trên 450mm, lượng mưa ở Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông từ 80-150mm, có nơi trên 200mm.
Khu vực | Thời gian ảnh hưởng | Tổng lượng mưa (mm) |
Khu vực Quảng Trị, Kon Tum, Gia Lai | Từ đêm 13/10 đến sáng 15/10 | 100-200mm, có nơi trên 250mm
|
Khu vực Thừa Thiên Huế đến Bình Định | Từ chiều tối và đêm 13/10 đến sáng 15/10 | 200-350mm, có nơi trên 450mm
|
Khu vực Quảng Bình, Phú Yên, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Đắk Nông | Từ chiều tối và đêm 13/10 đến sáng 15/10 | 80-150m |
Do mưa lớn kéo dài, từ tối và đêm nay (13/10) đến ngày 17/10, trên các sông từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Kon Tum, Gia Lai và Đắk Lắk sẽ xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên ở thượng lưu từ 4-10m, hạ lưu từ 1,5-5m.
Cơ quan khí tượng cảnh báo, đợt mưa từ đêm 13/10 đến ngày 16/10 này rất lớn, với lượng mưa từ 400-600mm được bồi thêm vào các vùng đang còn ngập thì nguy cơ ngập lụt và lũ lớn rất cao. Đặc biệt, tại những khu vực vừa trải qua đợt mưa lớn ngày 10 và 11/10 vừa qua như Quảng Nam, Quảng Ngãi... trên các sườn đồi đã ướt sũng, mưa dồn dập càng làm tăng nguy cơ cao xảy ra sạt lở và lũ quét.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định, từ nay đến đầu tháng 11, trên Biển Đông có khả năng xuất hiện 2-3 bão/áp thấp nhiệt đới, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta. Mưa lũ còn diễn biến phức tạp ở các tỉnh miền Trung từ nay đến cuối năm.