Trong 1 ngày, 6 bệnh nhân đột quỵ đã được điều trị thành công nhờ phương pháp này tại bệnh viện Bạch Mai

MT,
Chia sẻ

Đây là con số kỷ lục về số lượng ca điều trị đột quỵ nhiều nhất trong 1 ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc.

Ngày 29/5/2019, thông tin từ Khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai đã điều trị tái thông mạch não thành công cho 6 bệnh nhân đột quỵ chỉ trong một ngày. Đây là con số kỷ lục về số lượng ca điều trị đột quỵ nhiều nhất trong 1 ngày và dẫn đầu trong hệ thống y tế toàn quốc.

Đó bệnh nhân đột quỵ Nguyễn Thị Tú (53 tuổi) khi được đưa vào cấp cứu tại khoa Cấp cứu A9, bệnh nhân đã liệt nửa người không thể nói được, mê man do đột quỵ khi đang ở nhà. Sau hơn 10 tiếng nhập viện được cấp cứu kịp thời bệnh nhân đã có thể vận động tay chân một cách bình thường, tinh thần hoàn toàn minh mẫn.

Trong 1 ngày, 6 bệnh nhân đột quỵ đã được điều trị thành công nhờ phương pháp này tại bệnh viện Bạch Mai - Ảnh 1.

Bác sĩ kiểm tra động tay của bệnh nhân sau điều trị đột quỵ.

PGS.TS Mai Duy Tôn – Khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai cho biết: "Trong khi thông thường, khoa Cấp cứu A9 trong một ngày chỉ thực hiện được 1-2 ca tái thông mạch, và thời gian có thể thực hiện thành công không để lại biến chứng tối đa là khoảng 6 giờ kể từ khi bệnh nhân bị đột quỵ. Điều khác biệt đối với các nơi hiện nay đó là duy nhất tại BV Bạch Mai đã áp dụng các tiến bộ về chẩn đoán hình ảnh, kỹ thuật lấy huyết khối từ các nước tiên tiến trên thế giới. Hiện nay chúng tôi đã mở rộng thời gian điều trị tái tưới máu cho bệnh nhân đột quỵ có thể tới 24 giờ. Đó là điều khác biệt mà chưa có bệnh viện nào ở nước ta làm được kỹ thuật này".

Thành công này có được là nhờ sự phối hợp và triển khai nhịp hàng giữa khoa Cấp cứu A9 và Trung tâm Điện quang, BV Bạch Mai giữa chẩn đoán chính xác và triển khai tái thông mạch nhanh. Chính vì vậy đã có 6 ca được tái thông mạch thành công, trong đó có những ca đã qua 6 giờ, thậm chí đã sau 16 giờ.

Theo các bác sĩ, việc tái thông mạch thành công ở giai đoạn sau đột quỵ dài quá 6 tiếng sẽ mở ra cơ hội sống khỏe mạnh không để lại di chứng cho nhiều bệnh nhân mắc đột quỵ.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Chi - Phó Trưởng khoa Cấp cứu A9, BV Bạch Mai, cảnh báo, đột quỵ không phải chỉ gặp ở người già, nhiều bệnh nhân trẻ tuổi cũng bị bệnh này nếu không có ý thức kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ nói trên. Căn bệnh này có các dấu hiệu điển hình là méo miệng, tê bì, yếu liệt chân tay, nói khó… Do đó, khi thấy một người các dấu hiệu như trên cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có điều trị đột quỵ gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

Vấn đề quan trọng nhất trong cấp cứu đột quỵ là vấn đề thời gian, chính vì vậy, phải nhanh chóng đưa người bệnh đến các cơ sở y tế uy tín có đủ trang thiết bị máy móc hiện đại để được khám tư vấn và điều trị kịp thời, tận dụng "thời gian vàng" của não, tránh đột quỵ não gây di chứng nặng nề

Chia sẻ