Điều gì có thể khiến một người phụ nữ trẻ Việt Nam rời khỏi quê hương để thực hiện một chuyến đi nguy hiểm đến nửa kia của Trái Đất và tìm kiếm một cuộc sống mới? Các chuyên gia về nạn buôn người cho biết, nhiều khả năng là họ bị hấp dẫn bởi lời hứa làm việc tại một trong những quán bar đường phố cao cấp đang phát triển mạnh mẽ ở nước Anh.
Bên cạnh đó, các tổ chức chống nô lệ hiện đại đã cố gắng gióng lên hồi chuông báo động về vấn đề trẻ em và đặc biệt là trẻ em Việt Nam đang bị buôn bán vào nước Anh.
Theo báo cáo, các cậu bé thường bị buộc phải làm việc trong các trang trại cần sa, bị nhốt trong các ngôi nhà kín và phải chăm sóc những vườn cây cả ngày lẫn đêm. Trong khi đó, các bé gái và phụ nữ trẻ sẽ đi làm trong các quán bar hoặc làm nail. Bên cạnh đó, những nạn nhân buôn người cũng thường xuyên bị ép buôn bán mại dâm.
Đây là một hiện tượng đang nổi cộm, bởi vì những kẻ buôn người nhận thức được rằng những nạn nhân của mình đang ở Anh bất hợp pháp, họ cảnh giác với cảnh sát và không có điều kiện báo cáo hoàn cảnh của chính mình.
Một số người thậm chí có thể không nhận ra rằng họ là nạn nhân của nạn buôn người, vì họ đã chọn đi du lịch đến Vương quốc Anh để tìm việc làm và thường sẽ trả tiền cho một tổ chức để lên hành trình và tìm cho họ một công việc tại đây.
Theo Precarious Journeys, chi phí di cư trái phép đến châu Âu thường dao động trong khoảng từ 10.000 đến 40.000 đô la.
Hầu hết người dân Việt Nam làm việc trong các trang trại cần sa hoặc trong các tiệm làm móng đều biết rằng gia đình họ ở nhà đang nợ những kẻ buôn người rất nhiều tiền vì chi phí cho chuyến đi của họ. Thậm chí, gia đình họ có thể sẽ bị mắc kẹt trong tình trạng nợ nần này nhiều năm và quá sợ hãi để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Mặc dù khó có được số liệu thống kê chính xác về số lượng người Việt Nam bị buôn bán thực sự, bởi hầu hết các trường hợp đều bị giấu kín và không có giấy tờ chính thức. Theo tổ chức từ thiện Salvation Army đã từng làm việc với các nạn nhân của nạn buôn người, con số nạn nhân Việt Nam năm 2019 tăng 248% so với 5 năm trước. Còn theo tổ chức từ thiện Ecpat, số nạn nhân trẻ em Việt Nam tăng từ 135 năm 2012 lên đến 704 vào năm 2018.
Theo Mimi Vu, một chuyên gia hàng đầu về nạn buôn bán thanh niên Việt Nam đến Châu Âu và Vương quốc Anh cho biết, cô đã gặp một số lượng người lớn hơn bình thường thuộc tỉnh Hà Tĩnh trong các chuyến thăm đến trại di cư ở miền Bắc nước Pháp vào tuần trước.
Loại buôn người này chính xác là vấn đề mà Đạo luật nô lệ hiện đại tập trung vào, do Theresa May đưa ra vào năm 2015.
Debbie Beadle, giám đốc các chương trình của tổ chức chống buôn người Ecpat và đồng tác giả của một nghiên cứu về nạn nhân buôn người từ Việt Nam đến châu Âu được công bố đầu năm nay, cho biết: "Các nguồn tài nguyên chưa bắt đầu có hiệu lực. Nhiều lực lượng cảnh sát và chính quyền địa phương vẫn chưa được đào tạo hoặc trang bị để xác định những nạn nhân buôn người này. Vì các nạn nhân không thường xuyên được xác định, đã có ít vụ truy tố thành công theo luật buôn người mới hơn dự kiến."
Vụ truy tố đầu tiên thành công vào tháng 1 năm ngoái khi 3 người bị kết tội âm mưu khai thác lao động trái phép. Cảnh sát tìm thấy 2 cô gái Việt Nam đang làm việc tại Nail Bar Deluxe ở Bath, cả hai đều làm việc 60 giờ một tuần. Một người được trả khoảng 30 bảng mỗi tháng, người kia không được trả tiền và ngủ trên gác mái của quán bar. Hai người này nhập cư vào vương quốc Anh bằng một chiếc xe tải.
Thông thường, các nạn nhân thường quá sợ hãi khi hợp tác với cảnh sát và nếu bị phát hiện thì không được công nhận là nạn nhân của việc buôn người. Thay vào đó, họ sẽ bị coi là tội phạm và bị trục xuất trở về nước.
Các nạn nhân thường rất sợ những kẻ buôn người, họ thường không muốn nói về những trải nghiệm của mình. Trong một cuộc phỏng vấn của the Guardian vào năm ngoái, Stephen, một đứa trẻ mồ côi người Việt dễ bị tổn thương, đã kể lại việc bị bán sang Anh làm người trồng cần sa từ khi mới 10 tuổi.
Stephen đến Anh bằng một chiếc xe tải đông lạnh, sau một hành trình dài đi bộ và đi xe ô tô từ Hà Nội. Ở Anh, cậu bị nhốt một mình trong những ngôi nhà trồng cần sa, bị buộc phải làm việc cho băng đảng tội phạm.
Stephen nói rằng cậu không thể nhìn ra ngoài cửa số, vì tất cả chúng đều phủ một lớp nhựa cách nhiệt dày. Cậu không biết đang là ngày hay đêm và cũng không biết minh đang ở đâu. Cứ vài ngày, một nhóm người đàn ông sẽ đến kiểm tra và mang theo thức ăn cho cậu. Nếu cậu làm một cây cần sa chết, những người này sẽ đánh đập cậu. Cậu nói rằng cuộc sống của cậu lúc ấy thậm chí còn tồi tệ hơn khi ở Việt Nam.
Một lần, một nhóm buôn bán ma túy người Anh đã đá cửa, trói cậu lại và lấy trộm toàn bộ những cây cần sa đã thu hoạch. Khi những người quản lý cậu đến, họ đã vô cùng tức giận và chuyển cậu đến một địa chỉ mới, nơi cậu tiếp tục làm công việc quen thuộc là chăm sóc những cây cần sa. Những người kiểm soát cậu đe dọa rằng nếu cậu cố tình trốn thoát, họ sẽ tìm và giết cậu. Tuy nhiên, Stephen cũng không bao giờ cố gắng chạy trốn vì cậu chẳng biết mình phải đi đâu.
Stephen nói rằng: "Tôi chỉ sống từng ngày và không thể nhìn thấy điều gì trong tương lai. Không ai tử tế với tôi."
Debbie Beadle cho biết, hầu hết các nạn nhân mà tổ chức từ thiện đã làm việc đều đến Anh bằng cách trốn sau những thùng xe tải. Họ thường mô tả nó như một trong những trải nghiệm đau thương nhất trong cuộc đời họ.
(Theo The Guardian)