Đó là khía cạnh mà tôi thấy rất lạ khi ngẫm nghĩ những khái niệm về gia đình trong thời buổi phát triển hiện nay. Và sẽ còn mâu thuẫn hơn khi chúng ta vốn từ nhỏ vẫn luôn được dạy dỗ rất nhiều về giá trị của gia đình có ý nghĩa như thế nào, thiêng liêng ra sao. Nó gắn chặt trong tiềm thức và là một trong những giá trị xã hội quan trọng bậc nhất của người Á Đông từ thuở sơ khai nhưng trái lại, cách để chúng ta biểu lộ tình cảm hay tìm cách lưu giữ những kỷ niệm bên gia đình đôi lúc lại trở nên quá đỗi mờ nhạt.
Khi lớn lên, được ra đời, đi làm, lập gia đình và va chạm với thực tế của cuộc sống, tôi càng hiểu và thấm nhuần câu "mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh". Có người đã từng trải qua năm tháng hạnh phúc với một gia đình đầy đủ bố mẹ, ông bà,... rồi bỗng chốc lại mất đi tất cả. Hay có người chưa kịp hiểu thế nào là sự trưởng thành đã phải vội vã rời xa vòng tay của gia đình bởi cái được gọi là cuộc sống. Và rồi mọi thứ chợt vỡ òa khi tôi "đào bới" giữa hàng nghìn bức ảnh trong điện thoại cũng không thấy gia đình mình ở đâu?
Đó là cảm giác khá tệ mà tôi đã trải qua để hiểu ra, đôi lúc một bức ảnh gia đình cũng có thể mang đến thứ năng lượng chữa lành tốt hơn tất cả những phương pháp mà tôi từng thử khi sống xa nhà. Và có đôi khi... nó còn có thể "chữa lành" cả những vết rạn của các thành viên trong gia đình như những trường hợp mà tôi từng biết.
"Đã có lúc bố mẹ không nói chuyện cùng nhau và sự hiểu sai về hạnh phúc"
Chia sẻ về câu chuyện của gia đình mình, Phạm Thị Hải Yến - tên thường gọi là Na, hiện đang làm vị trí Trưởng phòng Social của công ty truyền thông tại TP.HCM chia sẻ.
Gia đình mình hiện có 16 thành viên. Bố mẹ mình có 7 người con, trong đó có 2 người con rể và 1 người con dâu cùng với 7 người cháu cả nội lẫn ngoại. Ở độ tuổi bố và mẹ đã về hưu thế này được ở bên con cháu là điều ngay cả những người trẻ như mình cũng đều mong ước và xem đó là niềm hạnh phúc của tuổi về già. Nhưng trước đây, bố mẹ mình cứ luôn nghĩ rằng bản thân đang không hạnh phúc.
Thời điểm đó, gia đình thường xảy ra mâu thuẫn bởi bố mẹ đo hạnh phúc bằng những gì muốn có được như tiền bạc, địa vị, con cái giỏi giang thành đạt. Rồi vì vài lý do nên bố mẹ có khoảng thời gian không nói chuyện với nhau. Bù lại cả nhà mình ai cũng thích chụp ảnh, không chỉ dịp lễ Tết, mà các chuyến du lịch hay chỉ đơn giản cuối tuần mua được chậu hoa mới về trồng cũng có thể kéo nhau ra chụp ảnh. Nhờ vậy mà mình nhận ra sự quan trọng của khoảnh khắc gia đình chẳng có gì là xa xôi hết.
Cũng vì sở thích đó nên mình đã rất dễ khi đưa bố mẹ cùng thực hiện một bộ ảnh gia đình như để làm kỷ niệm và tạo sự kết nối. Và đó là ngày mà mình rất vui khi thấy bố và mẹ và cả gia đình mình được kết nối nhiều hơn cả bình thường.
Cách đây vài ngày, mình đã từng viết một đoạn chia sẻ về khái niệm "Làm gì có tình yêu nào ngay từ đầu đã hạnh phúc" trên trang cá nhân.
Mình đơn giản không thích sự hiểu lầm hay một sự ngưỡng mộ ở tầng nông. Nếu có thể hiểu chúng ở 1 tầng sâu hơn thì thật tốt. Khi ấy thứ mình truyền tải đến các bạn, không phải là đang khoe về một gia đình hạnh phúc mà là thắp lên một hy vọng về việc ai cũng xứng đáng được hạnh phúc, kể cả trước đây mọi thứ từng tăm tối thế nào.
Để có những bữa cơm yên bình mình cũng từng chứng kiến nhiều lần cả mâm cơm bị hất tung vỡ nát. Là những bữa cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt. Là không khí gia đình căng thẳng như dây đàn, là cảm giác không muốn về nhà.
Bố mẹ mình phải mất rất lâu để chấp nhận rằng, bản thân và đối phương đều không hoàn hảo, nhưng đối phương chính là một phần của cuộc đời mình. Cái tôi cao hơn hay tình yêu, gia đình sẽ cao hơn.
Họ cũng mất thời gian để hiểu rằng: không thể chạy theo những ảo mộng, những hình tượng hoàn hảo tự vẽ ra cho nhau.
Tới sau này, khi định nghĩa được hạnh phúc không phải là đích đến mà là hành trình, gia đình mình bắt đầu đo hạnh phúc bằng "không" thay vì "có" như trước đây. Không nợ nần, không túng thiếu, không bệnh tật, không mất tự do. Từ đó, bố mẹ nhận ra bản thân may mắn hơn nhiều người, thấy cuộc sống đủ đầy hơn và cũng trân trọng nhau hơn. Mình tin nếu chúng ta biết đủ thì chính là hạnh phúc.
Mình rất vui khi sinh ra trong một gia đình mà mọi người có thể giao tiếp rất nhiều với nhau. Mình cảm thấy việc giao tiếp cực kỳ quan trọng, là sợi dây kết nối gia đình, cũng là chìa khoá để tháo gỡ những hiểu lầm, xích mích.
Mình cũng ảnh hưởng khá nhiều từ gia đình, đặc biệt là bố. Bố mẹ mình tin vào nhân quả và mình cũng thế. Nhờ vậy nên khi gặp những chuyện không như ý, mình luôn cố gắng bình tĩnh, xử lý sao cho bản thân không vướng bận trong lòng, đêm ngủ ngon giấc.
"Khái niệm chụp ảnh gia đình chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của mình trước kia"
Nếu trong từ điển "gia đình" được định nghĩa là tập hợp người cùng sống chung thành một đơn vị nhỏ nhất trong xã hội, gắn bó với nhau bằng quan hệ hôn nhân và dòng máu, thường gồm có vợ chồng, cha mẹ và con cái. Thì trong thực tế, một "gia đình" dù không còn sự trọn vẹn như cách định nghĩa trên vẫn chưa bao giờ làm phai nhạt đi thứ tình cảm thiêng liêng mà nó mang lại như câu chuyện của MC Mai Anh - gương mặt quen thuộc của các chương trình của đài VTV như Sinh ra từ làng, Đẹp 24/7, S Việt Nam,...
Mai Anh kể lại, gia đình mình không mấy bình yên như những gì mà người ta thường hình dung khi nhắc đến cụm từ "một mái ấm". Ba mẹ con mình cũng đã trải qua rất nhiều những đổ vỡ, những sự chuyển dịch trong quá khứ. Và nói thật lòng là trong một thời gian khá dài, mình luôn tự ti nếu như phải nhắc về gia đình. Sự tự ti ấy càng lớn dần khi mình chuẩn bị lập gia đình, mình rất sợ bởi bản thân không hề có một gia đình trọn vẹn và đầy đủ giống như người khác, giống như gia đình chồng mình.
Đó cũng chính là lý do vì sao đối với mình, việc chụp ảnh cả gia đình từng là khái niệm không hề quen thuộc, không hề gần gũi. Nó chưa bao giờ xuất hiện trong cuộc sống của mình. Mình luôn nghĩ chụp ảnh gia đình là sự kiện ghi lại khoảnh khắc hạnh phúc. Và tất nhiên, khi gia đình hạnh phúc, khi mà mọi thứ đều ổn thì người ta mới nghĩ đến hoạt động đó. Mãi cho đến gần đây, gia đình mình mới có bộ ảnh đầu tiên với nhau. Bộ ảnh đó cũng giống như một sự đánh dấu rằng từ giờ, cuộc sống của gia đình mình đã trở nên tốt hơn, và mình tự tin với hạnh phúc trước mắt đó.
Bây giờ mình nhận ra kỳ thực mọi gia đình đều có những biến cố. Điều quan trọng là nếu cả nhà cùng đồng lòng vượt qua thì khi ấy, giá trị của gia đình sẽ được bộc lộ rõ ràng.
Đồng thời, điều hạnh phúc nhất ở gia đình của mình là mỗi người đã phần nào tự trang bị cho bản thân một sức đề kháng. Dù mọi người luôn cần có nhau, luôn bên cạnh nhau trong mọi trường hợp, nhưng đồng thời, mỗi người đều có một cuộc sống riêng và đang rất cố gắng cho cuộc sống đó.
Khi mọi người đều trở nên mạnh mẽ hơn, thì mình nghĩ rằng dù có biến cố khác xảy ra thì cả gia đình vẫn có thể vượt qua. Mặc dù gia đình mình có mẹ, mình và em gái, hiện nay có thêm chồng mình thôi, nhưng đó là điều mình cảm thấy hạnh phúc và yên tâm nhất. Ai cũng cố gắng để sống tốt, ai cũng cố gắng để hạnh phúc nhất có thể với cuộc đời của mình và hạnh phúc nhất có thể với những người trong gia đình.
Tháng 7 Vu Lan là dịp để mỗi người chúng ta nghĩ nhiều hơn, làm nhiều hơn cho gia đình. Đó không chỉ là ngày báo hiếu bằng những thứ xa xỉ, cao sang mà những khoảnh khắc mang lại niềm vui, tiếng cười bên bố mẹ, hoặc những thành viên còn lại trong gia đình cũng là điều vô cùng ý nghĩa.