Trong một nhà máy tồi tàn ở miền trung Trung Quốc, chị đẹp họ Lưu đang live-stream làm đủ các trò nhằm gây hứng thú với khách hàng.

Diện quần baggy, áo crop-top, tóc giả sặc sỡ, cô gái 29 tuổi hướng người xem vào một loạt hàng hóa. Trong lúc đó, cái miệng xinh xẻo của Lưu tuôn ra nhiều tràng tiếng Anh trôi chảy, dễ nghe:

"Các cưng, hãy để lại số điện thoại dưới phần bình luận để nhận thêm quà. Siêu khuyến mãi đấy, AMAZING!"

Trong khi con buôn Việt hì hục chốt đơn ảo, live-streamer Trung Quốc đã "chém" tiếng Tây bán hàng cho khách quốc tế - Ảnh 1.

Lưu được thuê về để cứu vớt tình hình kinh doanh thảm hại của nhà sản xuất tóc giả Sapphire. Lần này, họ không chơi với Taobao hay 1688 nữa mà quyết định chọn nền tảng toàn cầu hơn như Facebook, Instagram và Amazon.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 đã đánh sập nhiều kênh thương mại truyền thống, các nhà sản xuất Trung Quốc đang vung tiền thuê các live-streamer nổi tiếng để bắn hàng hóa ra thẳng thị trường quốc tế.

Kênh bán hàng truyền thống sập vì Covid-19, các con buôn Trung Quốc live-stream bắn thẳng hàng hóa ra thị trường quốc tế

Vô vàn các nhà sản xuất từ nhiều ngành hàng đã ra sức tuyển người trẻ với vốn ngoại ngữ xuất sắc, với hi vọng tạo ra kênh live-stream chuyên nghiệp, độ phủ vượt ra khỏi quốc gia tỷ dân.

Trào lưu kể trên khả năng lớn đến từ Hà Nam (Trung Quốc), nơi Lưu được thuê về làm việc.

Địa phương này được coi là "thủ phủ tóc giả" của Trung Quốc, với hàng trăm nhà máy, xưởng sản xuất tóc giả, tóc nối... tóm lại là tất tần tật những sản phẩm liên quan đến tóc. Trước kia, hàng hóa ở đây được tiêu thụ chủ yếu tại thị trường châu Phi, châu Âu và Mỹ.

Đỉnh cao của thủ phủ tóc giả là năm 2018, khi Hà Nam được ngôi sao bóng đá AC Milan về hưu George Weah ghé thăm. Giúp kim ngạch xuất khẩu tóc giả tăng vọt lên 1 tỷ USD.

Nhưng năm nay lại khác.

Với chiến tranh thương mại Trung - Mỹ và sức tàn phá của đại dịch, ngành công nghiệp tóc tai của Hà Nam cũng cắm đầu như bao ngành hàng khác.

Trò chuyện với S.T, họ Trương, CEO của công ty sản xuất tóc giả Modern Hair Show cho biết anh phải gấp rút tìm ngay các gương mặt live-stream sáng giá, nói tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha trôi chảy để đẩy hàng ra nước ngoài.

"Người giỏi ngoại ngữ có vốn hiểu biết phù hợp với môi trường và văn hóa quốc tế, họ có khả năng thúc đẩy doanh số bán hàng", Trương nói.

Modern Hair Show đưa ra quyết định này sau khi kênh bán hàng tại Trung Quốc và Mỹ sập tiệm chỉ trong vài tháng. Với tình trạng cửa hàng cửa hiệu không thể mở cửa, Trương tin live-stream chính là cánh cửa thần kỳ giúp họ vượt qua cơn khủng hoảng.

"Tôi khẳng định ít nhất 10% các nhà sản xuất tóc đang thử nghiệm mô hình kinh doanh này. Ngành hàng thời trang, túi xách và thiết bị điện tử đã làm như vậy rồi".

Trong khi con buôn Việt hì hục chốt đơn ảo, live-streamer Trung Quốc đã "chém" tiếng Tây bán hàng cho khách quốc tế - Ảnh 3.

Những gì diễn ra ở Hà Nam chỉ là đường kẻ nhỏ trong bức tranh bán hàng toàn cầu giữa dịch Covid-19.

Vào thứ 6 tuần trước, "ông lớn" bán lẻ Mỹ - Walmart đã cho live-stream qua TikTok để người tiêu dùng mua hàng trực tiếp.

Từ tháng 7/2019, AliExpress đã live-stream 37.000 lần bằng 13 thứ tiếng, giúp các con buôn vươn ra thị trường quốc tế. Thậm chí, họ còn dịch trực tiếp tiếng Trung Quốc sang tiếng Anh, tiếng Nga và ngược lại để cả bên mua lẫn bán kết nối với nhau.

Trong khi con buôn Việt hì hục chốt đơn ảo, live-streamer Trung Quốc đã "chém" tiếng Tây bán hàng cho khách quốc tế - Ảnh 4.

Tham khảo S.T