Ngày 11/2, trang South China Morning Post đưa tin nước Cộng hòa Uganda, nằm ở Châu Phi hiện đang phải vật lộn trước sự "bùng nổ" số lượng lớn của loài châu chấu, đợt "dịch" này được voi là lớn nhất trong nhiều thập kỷ.
Cùng chung cảnh ngộ, nước Cộng hòa Kenya cũng phải đối mặt với một đợt bùng phát chưa từng có trong vòng 70 năm qua với hàng tỷ đàn châu chấu tàn phá mùa màng. Tình trạng tương tự cũng xảy ra tại hai quốc gia châu Phi khác là Somalia và Ethiopia. Phía Liên Hiệp Quốc cũng đưa ra cảnh báo, nếu ổ dịch này bùng nổ thì e rằng tình hình khu vực Đông Phi sẽ càng thêm trầm trọng.
Một cuộc họp của chính phủ Uganda đã kéo dài hàng tiếng đồng hồ nhằm tìm cách giải quyết nạn châu chấu hoành hành tại nước này. Cuối cùng, Uganda quyết định sẽ triển khai lực lượng quân sự để giúp phun thuốc trừ sâu trên mặt đất, ngoài ra sẽ bổ sung 2 chiếc máy bay phun thuốc từ trên không sẽ sớm được triển khai.
Ông Keith Cressman, cán bộ dự báo châu chấu của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO) cho biết Kenya bắt đầu xuất hiện "ổ dịch châu chấu" từ đầu năm 2020. Nhiều tuần qua, dịch đã di chuyển qua sườn núi Kilimanjaro, tiến vào biên giới Tanzania.
Theo ông Cressman, cuối tuần qua "dịch châu chấu" đã di chuyển vào phía đông bắc Uganda. Ông dự đoán châu chấu sẽ tràn qua chuyển qua biên giới vào Nam Sudan, quốc gia mà vài triệu người vẫn đang đối mặt với nạn đói khốc liệt do nội chiến gây ra.
Các quan chức Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng các quốc gia tại Đông Phi cần phải hành động ngay lập tức trước khi lượng mưa nhiều hơn trong những tuần tới, như vậy châu chấu sẽ có nhiều thực phẩm để phát triển và sinh nở. Nếu không được kiểm soát, số lượng của chúng có thể tăng lên tới 500 lần trước khi mùa khô đến.
Trong một cuộc họp ngắn diễn ra ở New York hôm 10/2, Giám đốc nhân đạo của Liên Hiệp Quốc Mark Lowcock đã cảnh báo có khoảng 13 triệu người đã phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực, trong khi đó có tới 10 triệu người sống tại những nơi bị ảnh hưởng bởi "dịch châu chấu".
Nguy hiểm hơn, theo lời ông Dominique Burgeon (Giám đốc cơ quan khẩn cấp và phục hồi của FAO) cảnh báo rất có thể 20 triệu người trong khu vực có nguy cơ thiếu lương thực. Đồng thời, nếu các nước không dùng máy bay phun thuốc từ trên không để ngăn chặn châu chấu phát triển thì "dịch châu chấu" có thể kéo theo dịch hạch. Đến lúc ấy thì chúng ta cần tới vài năm để có thể kiểm soát dịch.
Thế giới đã từng trải qua 6 đợt "dịch châu chấu", bắt đầu từ đầu những năm 1900, đợt dịch sau đó là 1987-1989. Đợt "dịch châu chấu" bùng phát cuối cùng là vào những năm 2003-2005.
Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu 76 triệu đô để viện trợ ngay cho Châu Phi. Tuy nhiên đến nay mới chỉ có 20 triệu đô, bao gồm 10 triệu đô do Liên Hiệp Quốc trích từ quỹ cứu trợ khẩn cấp và 3,8 triệu đô la từ FAO. Ngày 10-2, Mỹ cho biết họ sẽ viện trợ 800.000 USD và Liên minh châu Âu (USD) quyên góp 1 triệu euro nhằm giải quyết "dịch châu chấu".
Theo SCMP