Anh chồng trẻ tới gặp Chuyên gia với vẻ bức xúc vì vợ ăn xong toàn kiếm cớ ra ngoài, mặc mẹ chồng lui cui dọn dẹp rửa bát. Đầu tiên khi nghe mẹ anh nói cô vợ lười rửa bát, lười cả việc nhà dù đã làm dâu 3 tháng... thì anh không tin, cho là mẹ bắt ne bắt nét nàng dâu vì anh ở nhà thấy vợ cũng làm việc nọ, việc kia.
Anh hay phải làm ca 3, nhưng hôm đó xin nghỉ phép 1 ngày để xem sự thể thế nào. Theo lệ thường anh ăn xong là đi làm, nhưng tới nửa đường thì quay về. Trong nhà chỉ có mẹ già đang hì hụi rửa bát, dọn dẹp nhà bếp. Anh hỏi vợ thì mẹ bảo: "Hôm nào ăn xong nó chả tót đi chơi, mẹ thấy bếp bẩn không chịu được thì phải dọn".
Anh bảo mẹ để bát đũa đó về cho vợ rửa... và nghĩ cách gọi vợ về, đồng thời từ bỏ thói quen hay đi chơi tối. Đầu tiên anh nhắn tin chụp ảnh bồn bát đĩa và bảo vợ về rửa, nhưng cô vợ không muốn về ngay. Anh chồng dọa nếu không sẽ đập hết bát thì vợ bảo: "Anh đập thì mai đi mua cái mới". Vậy là anh chồng bực bội đập hết mâm bát đĩa và chụp ảnh gửi cho cô vợ.
Anh nghĩ cũng buồn, vì vợ thiếu tôn trọng cả hai mẹ con anh. Khi yêu anh đã quá yêu chiều để vợ sinh hư, về làm dâu đã không đỡ việc cho mẹ già, còn bắt mẹ già phải phục vụ thêm nàng dâu. Nếu vợ đi làm như anh thì khỏi nói, nhưng vợ không phải đi làm, có thời gian ở nhà cũng không làm việc gia đình, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, cơm nước đàng hoàng... Mẹ anh thấy vậy khuyên bảo con trai: "Trót chọn vợ không khéo, không dạy được vợ thì ly hôn sớm khi chưa vướng bận con cái thôi".
Rửa bát là nỗi ám ảnh tâm lý của nhiều phụ nữ. Ảnh minh họa.
Một anh chồng trẻ khác cũng tâm sự, nhà có điều kiện nên cưới nhau xong hai vợ chồng được ra ở riêng. Nhưng từ khi cưới vợ về bữa nào ăn xong cậu ấy cũng phải rửa bát đũa vì vợ "khôn lỏi" đặt ra cái lệ vì "vợ đã nấu ăn dọn dẹp rồi" nên ăn cơm xong thì "oản tù tì", ai thua phải đi rửa bát, và lạ là anh toàn thua, chưa bao giờ thắng được vợ. Bỗng dưng việc rửa bát thành "việc của anh" mà không dám kể với ai.
Ai ăn xong cũng thích nghỉ ngơi, tán chuyện... không muốn phải dọn dẹp rửa bát đũa, và đã có nhiều chuyện vui buồn quanh việc rửa bát chén, dọn dẹp bếp và bàn ăn - là việc cần làm sau mỗi bữa ăn. Đơn giản là để bữa sau có chén bát sạch mà ăn tiếp, có bếp sạch để nấu ăn, có bàn sạch để mà ngồi. Việc này không phải là đặc trưng của phụ nữ, hay riêng đàn ông, của người giàu hay người nghèo, của người thành công hay người thất bại... Nhưng quả tình chưa từng có ai có niềm đam mê rửa chén bát.
Với nhiều phụ nữ, việc rửa những chồng bát đĩa cao ngất mỗi khi nhà có giỗ chạp, lễ tết... là cực hình, là nỗi ám ảnh tâm lý lớn nhất của họ. Còn ngày thường hầu hết việc rửa bát sau khi ăn đều "dành" cho người phụ nữ, chỉ có một số phụ nữ ham chơi mới né được việc này. Còn đại đa số các ông chồng thì mặc kệ vợ chợ búa, dọn dẹp, rửa bát đĩa... mà không hề động một ngón tay giúp, kể cả khi vợ bầu bí, ốm đau.
Gần đây dịch bệnh tràn lan nên nhà nhà, người người ăn uống ở nhà nhiều hơn, nhất là sau vụ đình đám chuyện tỷ phú rửa bát hàng ngày giúp vợ thì nhiều cô vợ đã thúc chồng vào bếp rửa bát để gánh bớt bổn phận cho vợ - vì vợ đã quá bận chăm sóc con cái, gia đình và cũng phải đi làm như đàn ông.
Bổn phận của đàn ông là làm người chồng, người cha. Ảnh minh họa.
Theo Chuyên gia, trong đời sống hôn nhân có bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Bổn phận của đàn ông là làm người chồng, người cha, đôi lúc có việc bắt buộc phải làm (do được dạy bảo, áp đặt, hoặc sợ bị đánh giá như sợ định kiến xã hội, sợ làm sai văn hóa gia đình, sợ làm trái với đám đông...), chứ không phải do thúc giục bởi trách nhiệm và nhận thức rõ ràng từ chính mình.
Trách nhiệm na ná như bổn phận, hiểu nôm na là điều ta muốn làm, thích làm với cảm xúc được thúc giục từ trái tim, hay tự nguyện làm, sẵn sàng chịu trách nhiệm cho lựa chọn ấy. Ví như một người con xa nhà thể hiện sự quan tâm và chăm sóc dành bố mẹ bằng cách gọi điện về thăm hỏi, gửi tiền về biếu bố mẹ hàng tháng... với tâm thế bổn phận là phải làm, không làm không được.
Còn trách nhiệm làm con thì làm được gì cho bố mẹ cũng cần xuất phát từ tình yêu thương, mong muốn bố mẹ no đủ, yên vui, hạnh phúc.
Nhưng nếu bạn tự do, không có nỗi sợ nào (về định kiến xã hội, văn hóa gia đình, sợ làm trái với đám đông...) thì những bổn phận và trách nhiệm trên bạn có chọn làm hay không? Câu trả lời sẽ giúp bạn phân biệt được bổn phận và trách nhiệm cần có của mỗi người trong nhà.
Đến một ngày năng lượng hứng khởi, nhiệt huyết, vui vẻ, trao ban… trong mọi hành động sẽ tràn về. Ảnh minh họa.
Tương tự trong hôn nhân thì không phải lúc nào bạn cũng thấy mình thích làm, muốn làm mọi việc nhà – dù đó là việc giúp vợ/chồng, bố, mẹ hay con cái. Đa số làm việc nhà theo bổn phận nên "không thật sự thoải mái". Ví như ăn xong chồng phải rửa bát, thì chồng sẽ ao ước có cuộc điện thoại quan trọng ập đến, một công việc đột xuất phải ra khỏi nhà, hay con khóc gọi: "Ba ơi, giúp con...!"… thì bạn sẽ mừng rỡ xiết bao.
Vậy ăn xong ai là người rửa bát? Chuyên gia cho rằng người rửa chén bát trong nhà là ai thì do sự thống nhất phân công việc nhà của gia đình đó. Phân chia việc nhà xong thì ai muốn phụ giúp người kia là lựa chọn của họ. Ngoài rửa chén bát ra còn rất nhiều việc khác trong nhà cần được phân chia dựa trên sự thống nhất của các thành viên trong nhà, dựa vào bổn phận, trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình.
Hành trình đi từ bổn phận đến trách nhiệm, đi từ bị động đến chủ động... mỗi khi làm việc nhà giúp đỡ người thân cũng trải qua. Vợ chồng nên thẳng thắn nói chuyện nghiêm túc với nhau trong việc phân chia việc nhà, bởi vợ chồng quan trọng nhất vẫn là trò chuyện để tìm được tiếng nói chung.
Đó cũng là cách thường xuyên kết nối trái tim với trái tim nhiều hơn - đừng để cho lý trí can thiệp vào - như thế năng lượng hứng khởi, nhiệt huyết, vui vẻ, trao ban… sẽ dần tràn ngập trong mọi hành động của hai vợ chồng. Năng lượng ấy hướng đến sự san sẻ, đồng hành, yêu thương, nhiệt thành, cho đi trọn vẹn – đó cũng là thứ năng lượng rất cần thiết giúp cuộc hôn nhân của bạn bền vững, hạnh phúc.