Sau vài năm trải qua ảnh hưởng của dịch bệnh, trong thời gian cách ly, mối quan tâm của người dân đối với việc trồng rau ngày càng cao. Tuy nhiên, đó không chỉ là trào lưu mà còn trở thành xu hướng của nhiều người dân ở thành phố lớn.
Trong những năm gần đây, ở nhà mặt phố, trồng rau trên sân thượng đã trở nên quen thuộc thì tại các khu vực đô thị có mật độ dân số cao, ngoài trồng rau ở ban công, "trồng rau trên mái nhà" đã trở thành xu hướng.
Người dân không cần phải ra vùng ngoại ô; thay vào đó, nhiều người thuê một "cánh đồng nhỏ" trên sân thượng ở các tòa nhà để trải nghiệm làm "nông dân thành phố".
Không chỉ là trồng rau để có thực phẩm mỗi ngày, "trồng rau trên mái nhà" cũng trở thành một cách giao tiếp xã hội, mọi người gặp gỡ và chia sẻ kinh nghiệm trồng trọt. Họ chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, làm thế nào để đạt được việc trồng rau trên mái nhà với chi phí rẻ và cho năng suất cao. Mô hình này rất được ưa chuộng ở các thành phố lớn của Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Thái Lan,...
Trên thực tế, "trồng rau trên mái nhà" được thực hiện trên tầng thượng tại các tòa nhà. Các "trang trại" rau hay vườn rau được xây dựng trên nóc chung cư. Không cần một khoảnh vườn lớn, nhiều người đã trở thành "nông dân" khi thuê 1m2 đất để trồng rau.
Một trong những lý do khiến cho mô hình này phát triển trên các sân thượng tại chung cư là do người sinh sống tại thành phố luôn bận rộn và không phải lúc nào cũng dư dả thời gian để ra ngoại ô và thuê trang trại.
Trồng rau trên sân thượng đã trở thành một cách đảm bảo an toàn thực phẩm và đặc biệt, đó là một lối sống quan trọng để cải thiện môi trường tự nhiên và giảm bớt căng thẳng cho người dân thành thị.
Nông trại thành phố: Thuê "thửa ruộng" trên mái nhà
Bước vào khu đô thị ở quận Nam Sơn, Thâm Quyến, từ khi có lệnh phong tỏa vài năm trước trong đợt dịch bệnh, nhiều người đã "trồng rau" để chữa lành. Đến hiện tại, điều đó đã trở thành công việc quen thuộc mỗi ngày.
June, sống trong một khu căn hộ nhiều người trẻ, hầu như ngày nào cũng lên mái nhà chăm sóc vườn rau của mình. Những dãy hộp trồng rau xếp hàng dài mang đến sự thoải mái cho các "chủ đất" ở đây: Các loại rau xanh, ớt, hành lá,... tốt tươi không khác gì những ruộng rau dưới mặt đất.
Rời Giang Tây từ 8 năm trước, June đến Thâm Quyến làm việc trong ngành truyền thông. Cô chuyển đến căn hộ này vào năm 2020. Sau đó thời gian dịch bệnh xảy ra, việc trồng rau trên mái nhà càng trở nên quan trọng hơn. "Trong thời gian phong tỏa, ớt được bán với giá 175.000 đồng khoảng 500g, số tiền chi cho ăn uống còn nhiều hơn nữa" - June chia sẻ.
"Cánh đồng" của June bao gồm 4 thùng trồng cây, rộng khoảng 1m2. Giá thuê là 1 triệu/năm, tức là chưa đến 3.000 đồng/ngày. Đội ngũ quản lý căn hộ ở đây chịu trách nhiệm bảo trì cơ bản. Sau khi tan sở, June thường đến chăm sóc "cánh đồng" của mình vào giữa tuần và cuối tuần. Một tuần khoảng 2-3 lần tưới nước, chăm sóc hoặc bón phân.
Khi cô trồng chanh và cà chua bi, nhiều "chủ đất" bên cạnh cũng "thách thức" trồng chanh dây hoặc hoa hướng dương đòi hỏi kinh nghiệm khó nhằn hơn.
Tòa chung cư này chỉ khoảng 6 tầng, có khoảng 300 phòng cho thuê, hầu hết là căn hộ 1 phòng ngủ rộng từ 30-40m2. Cư dân chủ yếu là người trẻ thu nhập thấp. Tổng diện tích mái nhà là gần 1.000m2, việc cải tạo được thực hiện bởi công ty kiến trúc. Trong khi đó, Cục quản lý đô thị quận Nam Sơn cũng đã khởi động 10 dự án xây dựng khu vườn cộng đồng như thế này.
Khu đất rộng 400m2 chia làm 3 phần: Khu che nắng, khu sinh hoạt và "sân trách nhiệm". "Mọi người tập yoga trong khu vực sinh hoạt, sau đó có thể đi bộ sang bên này để ngắm nhìn rau củ phát triển, cũng là một điều rất thú vị" - June tâm sự.
Hiện tại, số lượng hộp nhựa trồng cây khoảng 708 chiếc. Nhóm quản lý hy vọng sẽ giảm việc sử dụng nhựa và làm cho hộp trồng rau thân thiện hơn với môi trường. Lớp đất phủ trong hộp trồng cây rất nhẹ sẽ không gây tải trọng quá lớn cho mái, rễ cây sẽ không làm hỏng bề mặt chống thấm ban đầu của mái. Dưới đáy có nhiều lỗ và có lớp vải không dệt để lọc. Khi tưới nước quá nhiều hoặc trời mưa to, nước có thể thoát đi theo đường ống thoát nước thẳng đứng trên mái.
Khu vực che nắng cũng là một điều quan trọng. Các mái nhà ở Thâm Quyến tiếp xúc với ánh nắng mặt trời rất nóng, chính vì vậy, ở khu che nắng này người ta thiết kế khu mái che có sử dụng các tấm quang điện mặt trời. Vừa che nắng lại vừa có thể chuyển hóa thành điện năng, cung cấp cho người thuê nhà phục vụ nhiều nhu cầu.
Tầng thượng này cũng mở cửa cho cư dân xung quanh trong một thời gian giới hạn. Đi thang máy thẳng lên tầng 6. Một công ty gần đó mới thuê nguyên dãy hộp trồng rau và họ tổ chức cho nhân viên ăn lẩu từ chính những thùng trồng rau.
Tạ Kính, sinh năm 1990 - người quản lý căn hộ, cũng là quản lý khu trang trại trên sân thượng này cho biết việc gieo trồng và thu hoạch rau củ đã trở thành một cơ hội mới để mọi người tụ tập kết bạn, thư giãn.
Trong suốt 3 tháng, Tạ Kính chăm chỉ thu hoạch rau, đậu xanh, dưa chuột, ớt và cà tím. Cô cũng mời các chuyên gia đến giảng dạy kinh nghiệm cho "chủ ruộng", mọi người học cách phòng trừ dịch bệnh, sâu bệnh trên "cánh đồng". Tạ Kính cũng chia sẻ rằng khi thu hoạch rau hữu cơ như vậy có thể giải tỏa căng thẳng rất tốt, cô cũng gần gũi hơn với mẹ vì quê cô ở nông thôn, việc xin mẹ tư vấn cách trồng rau, mẹ cô đã hào hứng chia sẻ cho cô nhiều kinh nghiệm quý.
Ngoài ra còn có nhiều công ty đang khám phá các mô hình "trang trại" trên mái nhà khác nhau. Khu vực gần núi Ngô Đồng, giữa các tòa nhà văn phòng có một khu vườn lớn dân công sở và những người dân đam mê làm vườn có thể trồng rau củ.
Tại một khu công nghiệp ở huyện Bảo An, mái của bãi đậu xe được biến thành sàn cảnh quan rộng gần 2.000m2. Trong số đó, các rãnh trồng bê tông cân đối, sâu tới 1m được đổ nguyên khối trong giai đoạn xây dựng, thậm chí cả lúa mì và lúa gạo cũng đã được trồng thử nghiệm.
"Nông dân" canh tác trên mái nhà tràn ngập thành phố
Lâm Vị Trường năm nay 63 tuổi, đã làm "nông dân" trên sân thượng được 12 năm. Trang trại trên sân thượng của ông ở Thuyên Loan rộng khoảng 970m2. Trên tầng thượng của tòa nhà công nghiệp 25 tầng cũ, bướm và chim thường bay qua các tòa nhà chọc trời để tìm thức ăn trong "ốc đảo nhỏ" giữa sa mạc bê tông này. Có những hàng hộp trồng cây, giá đỡ bằng tre, lưới trắng, túi dưa và ruồi giấm,... đủ thứ như một hệ sinh thái vườn tược dưới mặt đất.
Sau đại dịch COVID-19 ở Hồng Kông, Lâm Vị Trường nhận thấy nhiều người đến thuê ruộng trên sân thượng để trồng rau hơn trước và hơn chục người đang xếp hàng chờ hộp trồng cây bị bỏ trống.
Người dân sống gần đó có thể thuê hộp trồng cây và tự mình kiểm soát việc gieo hạt và thu hoạch cây con. Họ đến ít nhất một hoặc hai lần một tuần, Lâm Vị Trường và quản lý vườn thường giúp tưới nước. Ngoài ra còn có những nhân viên văn phòng rất tận tâm, quen làm ruộng trong một giờ từ 7h30 đến 8h30 trước khi đi làm từ thứ Hai đến thứ Sáu. Một hộp đất sâu 36cm có thể cho hơn 30kg bí đao lớn.
"Người đến thuê ruộng khoảng 70% là phụ nữ, một nửa là nhân viên văn phòng. Khi mới đăng ký lớp trồng trọt, nhiều người đeo trang sức và sơn móng tay. Tôi nghĩ họ sẽ không coi trọng việc này, nhưng khi họ bắt đầu coi trọng nó, móng tay đã được cắt tỉa hết, ban đầu tôi đội một chiếc mũ rơm, nhưng sau đó không đội nữa. Điều này tiếp diễn trong nhiều năm và toàn bộ con người tôi đã thay đổi", một người thuê ruộng cho biết.
Ở Hồng Kông, rau địa phương thực sự tươi là một thứ xa xỉ và tỷ lệ tự cung cấp rau của thành phố là dưới 2%. Năm 2010, trên tầng thượng của tòa nhà Quarry Bay, Lâm Vị Trường đã xây dựng trang trại trên sân thượng đầu tiên của Hồng Kông - City Farm.
Trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, ông ấy có studio quảng cáo ở Hồng Kông và Bắc Kinh. Vì ngành quảng cáo chịu áp lực rất lớn và chu kỳ làm việc bị dồn nén nghiêm trọng nên thường xuyên thức khuya và cần nhiều thời gian để làm việc. Ông và em gái thuê một "cánh đồng" ở Tân Giới và chăm sóc nó như một sở thích trong vài năm cũng là một cách để giảm bớt căng thẳng.
"Sau này, tôi nghĩ rằng thay vì đi xa đến vùng ngoại ô của Tân Giới, sẽ tốt hơn nếu thử trồng trên sân thượng gần đó. Chuyện xảy ra là một người bạn có một căn nhà trên tầng thượng ở Tòa nhà Công nghiệp Quarry Bay. Tôi ban đầu thuê thử đủ loại thùng trồng cây, cuối cùng tôi tìm được hộp trồng cây rất phù hợp, có khả năng thông gió và thoát nước tốt".
Khi trồng trên sân thượng cần đặc biệt chú ý đến trọng lượng của đất, xét đến tiêu chuẩn chịu lực của công trình, cần sử dụng hỗn hợp đất nhẹ hơn và tránh đất có cặn, vì hệ thống thoát nước của mái đã được thiết kế cho nước mưa. Với "trang trại", lớp chống thấm tầng trên cùng của tòa nhà cũng cần được làm lại.
Mỗi lần di chuyển lên sân thượng, bạn phải thích nghi với hệ sinh thái nhỏ bé ở đây. Có một ngọn núi ở phía Tây Bắc của tòa nhà ở Thuyên Loan. Vào mùa đông, gió mùa Đông Bắc từ trên núi thổi xuống, trời rất lạnh trong hai tuần mỗi năm. Nếu trời mưa, mái nhà sẽ giảm xuống 0 độ C. Ở Hồng Kông vào mùa đông thường không thấp hơn 10 độ C. Đây là một thử thách hàng năm. Lâm Vị Trường sẽ chuẩn bị kính chắn gió và rào chắn, đồng thời trồng các loại cây có thể chịu được gió lạnh, chẳng hạn như rau diếp ưa lạnh, cây hương thảo và các loại thảo mộc khác. Cà chua cũng có thể chịu được một lớp kính chắn gió.
Nhà kính không thể xây trên mái nhà và việc trồng trọt thường phải đối mặt với những thách thức tự nhiên. "Sâu bệnh sẽ xảy ra và chúng ta cần quan sát những thay đổi trong hệ sinh thái, chẳng hạn như vi trùng do chim mang đến. Nhưng trên thực tế, việc trồng rau trên mái nhà vẫn khó khăn hơn việc canh tác trên mặt đất vì nó cách xa môi trường tự nhiên".
Lâm Vị Trường hiện đã xây dựng 800 thùng trồng trọt, một nửa trong số đó được cho thuê, 30% dùng để giảng dạy và 20% do chính ông trồng trọt. Một nửa số rau ăn ở nhà là tự cung tự cấp khiến nhiều người phải suy ngẫm - các thành phố cũng có thể là nguồn cung cấp thực phẩm và mọi người đều có thể tham gia.
Giáo sư Bành Văn Huy thuộc Khoa Kiến trúc Cảnh quan tại Đại học Hồng Kông đã thực hiện tính toán mô hình đô thị và ước tính rằng tổng diện tích dành cho canh tác trên mái nhà ở Hồng Kông là 695 ha, nhiều hơn 400 ha đất nông nghiệp đang hoạt động hiện nay trồng rau ở ngoại ô. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều trang trại trên mái nhà xuất hiện ở thành thị Hồng Kông.
Năm 2015, Hồng Kông cũng chứng kiến sự xuất hiện của "Cloud Farming" - công ty chuyên thiết kế trang trại trên mái nhà. Cho đến nay, họ đã hợp tác với các chủ sở hữu và công ty quản lý tài sản để xây dựng hơn 70 trang trại trên sân thượng trên các sân bay trực thăng bị bỏ hoang, nóc các tòa nhà thương mại và mái trường học.
Ví dụ, trên nóc tòa nhà Bank Center 39 tầng tọa lạc tại khu vực thịnh vượng nhất Hồng Kông, nhân viên văn phòng ở tầng dưới có thể lên để chăm sóc. Hệ thống tưới nước còn được trang bị đồng hồ hẹn giờ, thu hoạch rau được quyên góp cho các tổ chức phi lợi nhuận địa phương và biến thành thực phẩm cho những người có nhu cầu.
Từ Gia, người sáng lập "Yungeng Clan" cho biết: "Thay vì để người dân thành thị ra đồng ngắm nhìn lúc rảnh rỗi, tốt hơn hết là hãy để nông nghiệp thâm nhập vào toàn thành phố. Đưa nông nghiệp lên sân thượng, sau khi mọi người ăn trưa, sau giờ làm hoặc tan học. Sẽ tốt hơn nếu chăm sóc cây trồng phải không?".
Trang trại trên mái nhà ở Singapore
Ở các trung tâm đô thị mật độ cao, việc phủ bê tông trần bằng vườn rau xanh không chỉ làm cho diện mạo xanh hơn và đẹp hơn mà còn điều chỉnh nhiệt độ, lưu trữ nước mưa dư thừa và giảm khả năng cách âm.
Ngoài ra, khoảng cách giữa mái nhà và "cánh đồng" hoàn toàn tự nhiên giúp dễ dàng hình thành một vòng tròn sinh thái nhỏ và những thách thức về môi trường mà việc trồng rau phải đối mặt cũng nhỏ hơn. Và thực sự, "trang trại trên mái nhà" đang trở thành một xu hướng mới.
Tại Singapore, tỷ lệ nhập khẩu thực phẩm vượt quá 90%. Nghị sĩ Ang Wei Neng cho biết: "Trong thời kỳ dịch bệnh, sẽ là khôn ngoan khi xem xét cách đầu tư vào thực phẩm địa phương". Biến mái nhà của các bãi đậu xe cộng đồng thành trang trại nằm trong kế hoạch 10 năm được Ủy ban Phát triển và Nhà ở Singapore công bố vào năm 2020.
Trang trại trên tầng thượng của bãi đậu xe cộng đồng HDB đầu tiên của Singapore được xây dựng vào năm 2019, có diện tích 1.800m2. Nó sử dụng "hệ thống hữu cơ nước" ban đầu để trồng rau diếp, cải xoăn và các loại rau khác trong tháp trồng nhôm thẳng đứng.
Có một bể chứa nước ở dưới cùng của mỗi tháp trồng cây và dung dịch dinh dưỡng bên trong có thể được tái chế. Nước được bơm lên đỉnh tháp và chảy theo trọng lực đến từng tầng của tháp trồng để tưới cho rau.
Trong vòng một năm, trang trại đã thu hoạch tổng cộng 18 tấn rau, đây là nguồn cung cấp lớn cho người dân thành thị.
Các nhà nghiên cứu nói rằng việc thiết kế các tầng trên cùng của bãi đậu xe nhàn rỗi làm trang trại đã làm tăng đa dạng sinh học đô thị, giảm nhiệt độ bề mặt và làm cho môi trường đô thị trở nên đáng sống hơn.
Trong quá trình phát triển trang trại trên sân thượng, ban tổ chức cũng sẽ tuyển dụng những cư dân lớn tuổi gần đó tham gia trồng rau, điều này cũng sẽ mang lại cơ hội tái làm việc cho nhóm này.
Năm 2010, trang trại trên sân thượng nhà ga đầu tiên xuất hiện trên nóc Atre, tòa nhà ga Ebisu ở Tokyo, Nhật Bản. Ở Tokyo, nhiều nhân viên văn phòng làm việc hơn 12 tiếng mỗi ngày. Tiếp xúc với thiên nhiên là một điều rất xa xỉ trong cuộc sống hàng ngày.
Trong trang trại trên sân thượng của nhà ga này, người dân gần đó thuê một mảnh đất trồng rau nhỏ và dành thời gian chăm sóc nó trên đường đi làm hàng ngày. Nếu bạn thực sự bận rộn, ban quản lý còn cung cấp dịch vụ chăm sóc vườn rau.
Mô hình này rất phổ biến với các gia đình và người già. Mọi người có thể làm trang trại trên mảnh đất rộng 3-5m2 với giá thuê đất cơ bản khoảng 100.000 yên (15 triệu đồng) mỗi năm.
Vườn rau trên sân thượng của nhà ga là một phần của dự án Soradofarm của Nhật Bản (Sora trong tiếng Ý có nghĩa là "bầu trời" nên cũng có thể hiểu là "Sky farm"). Ở đây có đầy đủ dụng cụ và quần áo nên những người dân đến tay không có thể ra đồng bất cứ lúc nào và tận hưởng niềm vui trồng trọt.
Hiện tại, đã có vườn rau trên mái của 7 nhà ga trên khắp Nhật Bản và dự án sẽ tiếp tục được nhân rộng và quảng bá tại các nhà ga trên cả nước trong vài năm tới.
Trên mái của Đại học Khoa học Chính trị và Luật Quốc gia ở Bangkok, Thái Lan, "trang trại đô thị trên mái nhà lớn nhất châu Á" vừa được hoàn thành, có diện tích 22.000m2.
Bắt mắt nhất là cánh đồng lúa, nơi giáo viên và học sinh của trường trồng trọt, thu hoạch. Việc chuyển đổi trang trại trên mái kết hợp kết cấu đất đắp của ruộng bậc thang truyền thống, nước mưa chảy xuống sườn dốc để nuôi cây trồng. Đồng thời, các hồ chứa nước được thiết lập ở mỗi bên để thu gom và lưu trữ lượng nước mưa dư thừa để sử dụng trong mùa khô.
Con dốc cũng tạo ra nhiều không gian công cộng, bao gồm cả nhà hát vòng tròn 360 độ. Mái nhà được trang bị các tấm pin mặt trời tạo ra 500.000 watt điện mỗi giờ để tưới tiêu cho các trang trại và cung cấp năng lượng cho các tòa nhà trong khuôn viên trường.
Kotchakorn Voraakhom, kiến trúc sư cảnh quan của dự án cũng chia sẻ một số kinh nghiệm:
Xử lý nước mưa một cách thân thiện.
Trồng thêm cây bản địa để tận dụng các loài thụ phấn như ong và tăng tính đa dạng sinh học.
Tái chế toàn diện để giảm chất thải.