Trong thời điểm mọi người hạn chế ra đường thì kênh mua sắm chủ yếu chính là mua hàng online. Tuy nhiên bạn hãy nhớ tránh xa những sai lầm dưới đây để khỏi bị lãng phí tiền nhé!
1. Thanh toán bằng thẻ ghi nợ
Thẻ tín dụng an toàn hơn cho bạn khi mua sắm trực tuyến, theo Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC). Nếu dùng thẻ ghi nợ, thông tin tài khoản của bạn có thể bị đánh cắp.
Trong trường hợp có ai đó sử dụng thông tin thẻ tín dụng của bạn để gian lận, bạn sẽ không bị mất tiền nếu công ty phát hành thẻ tín dụng điều tra xác minh ra sự thật. Ngược lại, nếu kẻ gian có được thông tin thẻ ghi nợ của bạn, chúng sẽ dễ dàng rút hết sạch tiền trong tài khoản.
2. Bỏ qua các phần thưởng và chính sách hoàn tiền
Khi mua sắm trực tuyến, bạn có thể nhận được phần thưởng hoặc hoàn lại tiền bằng cách mua hàng qua ứng dụng, thanh toán bằng thẻ tín dụng hoàn tiền, tận dụng các chương trình ưu đãi của nhà bán lẻ…
Bỏ qua phần thưởng đáng lẽ bạn sẽ được nhận khi hàng cũng có thể coi là một sự lãng phí.
Tuy nhiên để tận dụng một cách khôn ngoan điều này, bạn đừng bao giờ có tâm lý mua hàng vì phần thưởng, cố mua nhiều để được hoàn tiền nhiều. Hãy đặt nhu cầu mua sắm của bản thân lên đầu tiên, chỉ mua những thứ mình cần thì việc tận dụng chính sách hoàn tiền mới không gây ra tác dụng ngược.
3. Quá quan tâm đến mức chiết khấu
Bạn đừng bao giờ bị thu hút bởi dấu gạch chéo lớn màu đỏ thông báo mức giá ban đầu của sản phẩm. Nhiều khi nó chỉ là một động thái giả đến từ các nhà bán hàng, để bạn lầm tưởng rằng sản phẩm đã được chiết khấu rất lớn.
Nhiều trang web có thể chào bán hàng giảm giá tới 50% nhưng lắm khi con số trong trong dấu gạch chéo đỏ không phải là giá gốc thực sự của sản phẩm.
Do vậy khi mua hàng online, bạn không nên quá coi trọng mức chiết khấu hay giá niêm yết ban đầu đã bị gạch chéo đỏ. Bạn hãy nhìn vào số tiền cuối cùng mà mình phải trả, xem nó đã phù hợp với chất lượng sản phẩm hay chưa. Và bạn cũng đừng quên so sánh giá ở các trang web bán hàng khác nhau, tìm ra chi phí thấp nhất để tiết kiệm tiền.
4. Kết nối wi-fi công cộng để mua sắm
Wi-fi công cộng có ở khắp mọi nơi, khi ra ngoài hoặc đến quán cà phê, nhiều người có xu hướng kết nối wi-fi công cộng rồi lướt mạng mua sắm.
Công ty Symantec Corp. đứng sau chương trình diệt vi rút Norton và các phần mềm an ninh mạng khuyến cáo: “Mua hàng trực tuyến yêu cầu bạn phải điền thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng. Do đó mua sắm trên mạng không phải là điều bạn nên làm khi đang kết nối wi-fi công cộng không an toàn”.
5. Không tìm hiểu kỹ chính sách hoàn trả hàng
Hãy chắc chắn rằng trang web bạn đang mua sắm sở hữu chính sách hoàn trả hàng rõ ràng, có lợi với người tiêu dùng. Bạn sẽ lãng phí khoản tiền lớn nếu mua về món đồ không đúng với yêu cầu hoặc bị vỡ hỏng mà chẳng trả lại được.
Trước khi mua hàng, bạn nên làm rõ câu trả lời cho những vấn đề này:
- Trang web chấp nhận trả lại hàng trong những điều kiện nào?
- Bạn có thời hạn bao lâu để trả lại một món hàng?
- Bạn hay trang web sẽ là người trả phí vận chuyển khi hoàn hàng? Đơn vị bán hàng sẽ cử người tới tận nhà bạn lấy đồ hay chính bạn phải tự mang đi gửi?
6. Mua hàng dựa vào đánh giá
Các bài đánh giá dưới mỗi sản phẩm bán trực tuyến có thể là một cơ sở cho những khách hàng sau. Tuy nhiên bạn có cắn vào một chiếc bánh sandwich mà người lạ ngẫu nhiên trên phố đưa cho mình không? Nếu không thì bạn cũng đừng nên tiêu tiền chỉ dựa vào ý kiến của những người không quen biết.
Các đánh giá sản phẩm ấy hoàn toàn có thể bị thao túng, nhiều người được thuê để làm những điều đó. Bạn hãy tìm kiếm sự đánh giá từ bạn bè, người quen xung quanh mình và mua hàng tại các địa chỉ uy tín.
7. Tiêu tiền cho vận chuyển nhanh
Nếu bạn không thật sự cần món đồ đó ngay thì tiêu tiền cho vận chuyển nhanh chính là sự lãng phí. Hãy kiên nhẫn chờ đợi thêm vài ngày, đó là cách vô cùng đơn giản giúp bạn tiết kiệm tiền.
Khi tần suất mua sắm online dày đặc trong thời điểm bạn phải ở nhà nhiều, nếu thường xuyên trả tiền cho vận chuyển nhanh, đó sẽ là một con số đáng giật mình khi bạn tổng kết chi tiêu vào mỗi cuối tháng!