Trung Đông ít ngày qua cũng chứng kiến số ca nhiễm COVID-19 tăng vọt sau một thời gian chững lại - dấu hiệu ngày càng rõ rệt về một làn sóng thứ hai của đại dịch COVID-19. Tuy vậy, đối phó với làn sóng thứ 2 xem ra lại là bài toán nan giải với Trung Đông hơn nhiều làn sóng thứ nhất. Đây là điều đã được nhiều chuyên gia cảnh báo, các nước Trung Đông cũng không quá bất ngờ về khái niệm này. Không bất ngờ, nhưng nếu nói sự chuẩn bị lại thì hầu như không thấy ở đâu cả.

Báo The New Arab chỉ ra 3 quốc gia đang chứng kiến nguy cơ rõ rệt của làn sóng thứ hai tại Trung Đông là Iran, Israel và Thổ Nhĩ Kỳ. Đáng chú ý, làn sóng COVID-19 thứ hai đều diễn ra sau khi ba nước mở lại các hoạt động kinh tế xã hội... được cho là quá nhanh, mà không thấy hết nguy hiểm. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, số ca tăng vọt diễn ra trong bối cảnh nước nước này quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế. Trong khi Israel lần này chứng kiến số ca nhiễm mới chủ yếu là học sinh, sau khi các trường học được phép hoạt động trở lại.

Tại Trung Đông, ánh sáng cuối đường hầm là cách mà nhiều người đã mô tả khi chứng kiến số ca nhiễm mới sụt giảm cách đây không lâu. Rất nhanh, nhiều người mặc nhiên, mình đã thoát khỏi cái đường hầm của COVID-19.

 - Ảnh 1.

Nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân mắc COVID-19 tại một bệnh viện ở Tehran, Iran. Ảnh: IRNA/TTXVN

Tại Iran, nơi liên tiếp những ngày qua, số ca nhiễm mới mỗi ngày khoảng 3.000 người/ngày và hơn 100 người tử vong, hiện chỉ còn khoảng 18-20% người dân tuân thủ các quy định phòng dịch và giãn cách xã hội, so với 80% trong giai đoạn tháng 4, tháng 5.

Các chuyên gia cảnh báo, vượt qua đại dịch và phục hồi kinh tế sẽ là một quá trình kéo dài và đau đớn. Nhưng với Trung Đông, một khu vực ẩn chứa quá nhiều mâu thuẫn xã hội, suy thoái kinh tế, giờ lại đóng cửa thêm một lần nữa sẽ là những thách thức không thể vượt qua.

Nhưng nếu để làn sóng thứ hai thực sự hoành hành, trang mạng Israel today cũng cảnh báo, tác hại đối với kinh tế sẽ còn lớn hơn rất nhiều.