Nhiều người thường có thói quen ăn trứng gà vữa (trứng gà ung, trứng gà ấp dở) vì tin rằng loại trứng này rất giàu dinh dưỡng. Loại trứng gà vữa này khi luộc lên lòng đỏ sẽ loãng ra như bã đậu, còn lòng trắng sần sật giống cùi dừa và được quảng cáo với rất nhiều tác dụng hoa mỹ.

Trứng gà vữa có tốt cho sức khoẻ không?

Tuy nhiên loại trứng gà ấp dở này không hề tốt cho sức khoẻ. Báo Dân trí dẫn lời PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (ĐH Bách Khoa Hà Nội) khẳng định, trứng gà vữa thực chất là trứng đã bị hỏng, không còn chất dinh dưỡng hay có bất cứ tác dụng chữa bệnh như lời đồn thổi.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm: "Trong trứng ung, chất dinh dưỡng hầu như không còn vì phôi đã bị phá hủy, đồng thời do tác động của vi khuẩn, các chất bên trong trứng ung biến thành kho chất độc. Ngoài ra, do trứng hỏng, nên vỏ trứng lúc ấy cũng không có tác dụng bảo vệ, vi khuẩn sẽ dễ dàng xâm nhập, tấn công vào bên trong".

Ông Thịnh cũng cho hay, kể cả khi trứng gà ấp dở chế biến thành các món ăn như luộc, rán thì vẫn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe. “Nếu ăn nhiều, người tiêu dùng có nguy cơ ngộ độc, đầy hơi thậm chí nôn mửa và tiêu chảy. Cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe là nên ăn trứng gà sạch, tươi và mới, tuyệt đối không nên tin vào những lời quảng cáo trên mạng để rước bệnh vào người”, chuyên gia này cho hay.

Trứng gà vữa có tốt cho sức khoẻ? - Ảnh 1.

Những điều cần lưu ý khi ăn trứng gà

Trứng gà là thực phẩm bổ dưỡng và rất tốt cho sức khoẻ. Các chuyên gia khuyên bạn nên bổ sung dinh dưỡng từ trứng gà tươi mới chứ không nên ăn các loại trứng ấp dở. Tuy nhiên, bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, để đạt được những lợi ích sức khỏe từ quả trứng, bạn nên lưu ý đến số lượng trứng tiêu thụ và ăn đúng cách. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể:

- Đối với người trưởng thành: Trứng chứa cholesterol nhưng không mang lại vấn đề sức khỏe tiêu cực. Với một người trưởng thành và khỏe mạnh, có thể ăn tối đa 1 quả trứng trong một ngày và ăn liên tục trong một tuần.

- Người cao tuổi và có sức khỏe tốt cũng có thể ăn 1 quả trứng mỗi ngày. Tuy nhiên, tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của từng người để đưa ra mức tiêu thụ trứng phù hợp hơn.

- Phụ nữ có thai: Trứng chính là nguồn dinh dưỡng rất tốt cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, mẹ bầu nên bổ sung trứng vào chế độ ăn uống để thai kỳ khỏe mạnh. Mẹ bầu sức khỏe tốt có thể ăn khoảng 3 đến 4 quả trứng mỗi tuần. Trường hợp mẹ bầu bị tiểu đường hoặc gặp phải một số vấn đề sức khỏe trong thai kỳ thì nên tham khảo ý kiến bác sĩ về việc bổ sung trứng trong chế độ ăn hàng ngày.

- Người bệnh:

+ Người mắc bệnh tiểu đường type 2: Chỉ nên ăn 1 quả trứng/ngày và 5 quả trứng/tuần.

+ Bệnh nhân tim mạch hoặc có nguy cơ mắc bệnh tim mạch: Nếu đang thực hiện chế độ ăn ít bão hòa, có thể ăn 7 quả trứng/tuần. Nếu người bệnh đang áp dụng chế độ ăn bình thường thì chỉ nên ăn 3 đến 4 quả trứng và không nên ăn nhiều hơn 4 lòng đỏ.

+ Nếu có chỉ số cholesterol LDL cao, có thể ăn mỗi ngày 1 quả trứng và ăn liên tiếp trong 7 ngày. Tuy nhiên, để bảo vệ sức khỏe một cách tốt nhất thì bạn chỉ nên tối đa 4 quả trứng mỗi tuần.

+ Người mắc bệnh rối loạn chuyển hóa thì chỉ nên ăn ít hơn 6 quả trứng/tuần.

- Trẻ em: Tùy thuộc vào từng độ tuổi mà nhu cầu dinh dưỡng của trẻ khác nhau và chế độ ăn cũng sẽ khác nhau.

+ Trẻ từ 6 - 7 tháng tuổi: Mỗi tuần mẹ chỉ cho bé ăn khoảng 2 đến 3 bữa trứng, trong đó mỗi bữa chỉ nên ăn nửa lòng đỏ.

+ Trẻ từ 8 - 12 tháng tuổi: Một tuần không nên ăn nhiều hơn 4 lòng đỏ và mỗi bữa chỉ nên ăn 1 lòng đỏ.

+ Trẻ từ 1 - 2 tuổi: Mỗi tuần mẹ có thể cho bé ăn từ 3 đến 4 quả trứng.

+ Trẻ từ 2 tuổi trở lên, mẹ có thể cho con ăn tối đa 1 quả trứng mỗi ngày.

- Một số lưu ý khi ăn trứng:

+ Trước khi ăn trứng không nên uống trà vì protein trong trứng tương tác với axit tannic trong trà có thể khiến cho quá trình tiêu hóa thức ăn bị cản trở.

+ Không ăn trứng gà cùng đậu nành vì có thể làm giảm quá trình hấp thụ dưỡng chất ở cả 2 loại thực phẩm này.

+ Không nên ăn trứng sống hay trứng lòng đào để tránh bị nhiễm khuẩn hay ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên cũng không nên luộc trứng gà quá chính để tránh làm mất dưỡng chất có trong trứng.

+ Không nên ăn trứng gà luộc đã để qua đêm.

+ Không ăn trứng gà cùng với thịt thỏ, óc lợn, quả hồng.

+ Không nên chiên trứng gà với tỏi.

+ Sau khi ăn trứng gà, không nên dùng thuốc kháng viêm để tránh ảnh hưởng đến dạ dày.

Hy vọng những thông tin trên đã giúp bạn hiểu rõ hơn về trứng gà vữa và cách ăn trứng gà đúng cách để hấp thụ tối đa dưỡng chất của loại thực phẩm này, từ đó chuẩn bị thực đơn khoa học và hợp lý.