Trung Quốc bắn tín hiệu tiếp tục zero-COVID, quyết không ‘nằm kệ đời’ - Ảnh 1.

Một lối vào phố bị chặn bằng xe đạp ở thành phố Thượng Hải của Trung Quốc ngày 11-10 - Ảnh: REUTERS

Hiện Trung Quốc là quốc gia hiếm hoi vẫn duy trì chính sách zero-COVID, tức quyết liệt kiểm soát đại dịch bằng những biện pháp cực đoan nhất.

Tình trạng xét nghiệm và phong thành ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này không chỉ tác động tới kinh tế và đời sống trong nước, còn ảnh hưởng tới giao thương giữa Trung Quốc và các nước khác. Thành phố cảng Thượng Hải là một trong những nơi chứng kiến các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt.

Trong khi giới quan sát hồi hộp chờ đợi bước ngoặt trong cách tiếp cận với đại dịch của Trung Quốc, có vẻ trong tương lai gần mọi thứ khó thay đổi.

Tín hiệu tiếp tục chính sách zero-COVID được thể hiện qua loạt bài bình luận của tờ báo chính thống Nhân Dân Nhật báo, mới nhất là số ngày 11-10. Theo Reuters, đây là ngày thứ ba liên tiếp cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc đăng bài thể hiện sự quyết tâm trong việc thực hiện chính sách cứng rắn này.

Nhân Dân Nhật báo đề cập tới chữ "Tang ping" (Thảng bình) để chỉ trào lưu sống "nằm phẳng", tạm hiểu là "nằm kệ đời" vốn được xem đang thịnh hành trong một bộ phận người trẻ Trung Quốc hiện nay.

Trào lưu Thảng bình diễn tả khuynh hướng giảm bớt hy vọng, không phấn đấu gì thêm ngoài việc theo đuổi một cuộc sống vừa đủ, đảm bảo những nhu cầu cơ bản.

"Nằm kệ đời là điều không được khuyến khích, và càng không thể nằm kệ đời khi muốn chiến thắng đại dịch COVID-19", Nhân Dân Nhật báo viết.

Tờ báo này nhấn mạnh sự cần thiết của việc đặt lợi ích sức khỏe lên hàng đầu thông qua việc cứng rắn với đại dịch, trong đó kêu gọi người dân chấp nhận các biện pháp hiện nay.

Loạt bình luận nêu trên được xuất bản trong giai đoạn Trung Quốc sắp bước vào Đại hội Đảng lần thứ 20.

Hiện nay số ca COVID-19 hằng ngày của Trung Quốc có chiều hướng giảm, và nhìn chung thấp hơn ở các nước phương Tây.

"Một số nước chọn cách ‘nằm xuống’ và áp dụng chính sách sống chung với vi rút, không phải vì họ không muốn ngăn chặn và kiểm soát dịch, mà bởi họ không thể ngăn chặn và kiểm soát dịch", tờ báo Trung Quốc viết.