Dừa tươi Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Cụ thể, tại Bắc Kinh ngày 19/8 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam cùng Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ký kết Nghị định thư cho phép xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, và cá sấu từ Việt Nam sang Trung Quốc, báo VnExpress đưa tin.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đánh giá đây là một bước tiến quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng và dừa tươi.
Riêng với dừa tươi, Việt Nam là một trong những nước sản xuất và xuất khẩu dừa lớn trên thế giới, diện tích trồng khoảng 175.000 ha, tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, theo báo Công Thương.
Với tiềm năng từ thị trường 1,4 tỷ dân, dự kiến kim ngạch xuất khẩu dừa tươi của Việt Nam có thể tăng thêm 200 - 300 triệu USD trong năm nay và còn tăng trưởng mạnh trong các năm tiếp theo.
Cách người Trung Quốc sử dụng dừa tươi
Trong những năm gần đây, dừa từ các nước Đông Nam Á nhanh chóng trở nên phổ biến ở Trung Quốc, Tân Hoa Xã đưa tin.
Theo số liệu hải quan, Trung Quốc đã nhập khẩu 1,07 triệu tấn dừa vào năm 2022, tăng 22,8% so với 872.000 tấn vào năm 2011. Trong đó, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam và Philippines là những nguồn cung chính.
Theo chuyên trang y tế Web MD, quả dừa chứa protein và chất xơ, cũng như nhiều khoáng chất thiết yếu như sắt, mangan, đồng, magiê. Quả dừa đã được chứng minh là giúp cải thiện sức bền, cải thiện sức khỏe răng miệng nhờ đặc tính kháng khuẩn, giúp giảm cân, đốt cháy chất béo.
Với những lợi ích kể trên và hương vị ngọt mát, thơm ngon, quả dừa được sử dụng rộng rãi để làm các đồ uống, món ăn ở Trung Quốc. Dưới đây là một số cách sử dụng phổ biến:
1. Uống nước dừa trực tiếp
Nhờ các phương pháp xử lý mới, việc uống nước dừa trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Trước đây, để uống được nước dừa, người dân phải dùng dao để đục thủng quả. Hiện nay, các sản phẩm dừa gọt trọc giúp người tiêu dùng dễ dàng uống nước dừa mà không cần tốn sức.
Mo Jiaming, phó giám đốc một công ty thương mại tại Quảng Tây, Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã: "Trước đây, chúng tôi phải dùng dao đục lỗ trên quả dừa để uống nước dừa tươi, rất tốn công và nguy hiểm. Bây giờ, với dụng cụ dễ mở cố định trên quả dừa, việc uống nước dừa đã trở nên tiện lợi hơn".
2. Dùng để pha chế đồ uống
Quả dừa cũng được sử dụng để làm sữa dừa. Tại Trung Quốc, sữa dừa từ lâu đã là thức uống quen thuộc, xuất hiện trong các bữa tiệc gia đình cùng với Coca-Cola và Pepsi, theo Tân Hoa Xã.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, nước dừa cũng thâm nhập vào thị trường đồ uống thể thao và được sử dụng rộng rãi trong các sản phẩm trà và cà phê ở Trung Quốc, bao gồm cả cà phê latte hương dừa được ưa chuộng của hãng Luckin Coffee.
3. Dùng để làm nhiều món ăn lạ miệng
Bên cạnh việc dùng dừa làm đồ uống, người Trung Quốc còn dùng dừa để nấu lẩu gà dừa tươi – món ăn được rất nhiều người ưa chuộng.
"Tôi thường ăn lẩu gà dừa tươi với gia đình và bạn bè hằng tháng. Nếu không, tôi sẽ thèm lắm", Lu Shuai, một người dân ở Nam Ninh, Trung Quốc, nói với Tân Hoa Xã.
Món lẩu gà dừa tươi có nguyên liệu tươi ngon. Theo khái niệm ăn uống lành mạnh ngày nay, lẩu gà nước dừa đáp ứng hoàn hảo nhu cầu của người tiêu dùng, Tân Hoa Xã nhận định.
Ngoài ra, quả dừa cũng được sử dụng trong các món ăn như súp, các món canh, hầm.
4. Dùng để làm các sản phẩm từ dừa
Ngoài dừa tươi, Trung Quốc còn ưa chuộng các sản phẩm từ dừa như dừa sấy, thạch dừa. Thạch dừa đem lại hương vị thanh mát, là một topping phổ biến trong các loại đồ uống, ví dụ như trà sữa.
Ngoài ra, dầu dừa cũng là một sản phẩm với nhiều công dụng như dùng làm dầu nấu ăn, dưỡng ẩm da, tóc...