Thành phố Hứa Xương (Hà Nam, Trung Quốc) chỉ là một vùng đất không quá lớn nhưng lại góp phần tô điểm cho những gương mặt xinh đẹp trên toàn cầu. Tại sao lại nói như vậy?
Hứa Xương chính là thánh địa tóc giả được thế giới công nhận, hơn 300.000 dân địa phương tham gia vào các ngành công nghiệp liên quan đến tóc giả, sản xuất 50% tóc giả trên thế giới, tóc thật (nguyên liệu làm tóc giả mô phỏng cao cấp) tiêu thụ hàng trăm tỷ tấn.
Với nguồn lực và nguyên liệu dồi dào, Hứa Xương đã sử dụng công nghiệp tóc giả của Hàn Quốc làm nền móng, từ đó trở thành nơi sản xuất tóc giả hàng đầu thế giới.
Một mẫu đất trồng ngô không bằng một mái tóc dài
Mái tóc dài đen nhánh của cô bé Hứa Mộng Cáp (11 tuổi) là một mỏ vàng đối với người cha Hứa Hải.
Hứa Mộng Cáp chưa bao giờ đi tiệm cắt tóc, mái tóc dài đều được cắt tỉa đơn giản tại nhà. Hiện tóc đã dài ngang eo, không uốn không nhuộm, tóc dày khiến người ta phải ghen tị.
Người thu mua tóc báo giá 600 NDT (hơn 2 triệu đồng). Ông Hứa có chút do dự. Người mua tóc mở ba lô phía sau, bên trong đặt rất nhiều bó tóc mẫu, quen thuộc nói: "Đây đều là tóc tôi vừa mua, làm ăn uy tín. Con gái nhà anh chưa uốn hay nhuộm tóc bao giờ, độ dài vừa đủ, tôi trả đúng 600 tệ (hơn 2 triệu đồng)".
Hứa Hải đồng ý. Hứa Mộng Cáp cùng cha sống ở vùng nông thôn huyện Tân Thái (Hà Nam). Nữ giới nơi đây có truyền thống bán tóc để kiếm thêm chút tiền sinh hoạt cho gia đình. 2-3 bạn nữ cùng lớp của Hứa Mộng Cáp đã bán tóc, "trong đó một cô bé đã bán được 1600 tệ (hơn 5,5 triệu đồng)".
1600 NDT đáng giá thế sao?
Mẹ của Hứa Mộng Cáp làm nhân viên rửa bát ở huyện thành đột ngột qua đời vì bệnh nặng, để lại ba đứa con nhỏ cho người cha Hứa Hải chăm sóc. Cha mẹ Hứa Hải qua đời sớm không thể giúp ông chăm sóc con nhỏ.
Bản thân Hứa Hải cũng không mấy khỏe mạnh vì vừa trải qua cuộc đại phẫu vùng bụng, không thể lao động quá nặng, chỉ có thể ở nuôi nấng gia đình bằng 2 mẫu đất trồng ngô nhỏ bé. Tiền bán ngô mỗi độ thu hoạch cũng chẳng được bao nhiêu đồng. Trừ đi hạt giống, tiền phân bón và các chi phí khác, lợi nhuận một năm cũng chỉ là vài trăm NDT. Nói cách khác, một mẫu ruộng trồng ngô còn không bằng bó tóc của một bé gái.
Song Hứa Mộng Cáp không muốn bán tóc. Cô bé đã chứng kiến những người bạn khác ở trường sau khi bán tóc đều có chung một kiểu tóc: dài ngắn không đồng đều, loáng thoáng còn có thể nhìn thấy da đầu "tựa như bị chó gặm", bị mọi người vây quanh trêu chọc.
Hứa Hải lại nghĩ khác: “Đẹp có ăn được không? Nếu xấu hổ thì cha sẽ mua cho con cái nón. Tóc dài không có ích lợi gì, lại còn tốn tiền, dầu gội đầu dùng nhiều hơn tóc ngắn”.
Mùa đông sắp tới, Hứa Hải quyết định bán tóc của con để mua quần áo ấm cho 3 đứa con.
Hai cha con đôi co qua lại. Người mua tóc thậm chí còn lo lắng hơn, ông đã quyết định mua với giá 650 NDT (hơn 2,2 triệu đồng), bằng thu nhập của một mẫu đất canh tác.
Cuối cùng vì không thể chờ đợi hơn, người mua tóc đã bỏ đi. Trước khi đi, ông bảo Hứa Hải khuyên nhủ đứa nhỏ, nếu bằng lòng thì lại gọi ông đến.
Hai cha con Hứa Hải không biết, người thu mua tóc gấp gáp như vậy là bởi vì ở Hứa Xương - thánh địa tóc giả, mái tóc của Hứa Mộng Cáp có thể lên tới hàng nghìn NDT.
Cuộc khủng hoảng "vàng đen" ở thánh địa tóc giả
Hứa Xương là khu vực sản xuất tóc giả lớn nhất thế giới, chiếm 50% tóc giả được tiêu dùng trên toàn cầu.
Đường phố Hứa Xương trải dài những cửa hàng liên quan đến tóc: tiệm cắt tóc thu mua tóc dài với giá cao, những tờ giấy quảng cáo in đầy tường, còn có thông tin kêu gọi hợp tác của công xưởng nhà máy…
Kinh doanh tóc ở Hứa Xương có thể bắt nguồn từ triều đại nhà Minh. Theo ghi chép của địa phương, năm Gia Tĩnh (1522-1566), người Hứa Xương bắt đầu làm tóc giả cho gánh hát, sau đó dân địa phương làm quen với thương nhân thu mua tóc từ Đức, mở cửa hàng đầu tiên mang tên "Đức Hưng Nghĩa Phát Trang", chuyên thu mua tóc từ vùng nông thôn, sau đó xử lý rồi bán ra nước ngoài kiếm lợi.
Thu mua và xử lý tóc giả quy mô hộ gia đình ở Hứa Xương
Nông dân Hứa Xương lũ lượt làm theo, dần hình thành nên truyền thống thu mua và bán tóc. Tóc đã trở thành "vàng đen" ở Hứa Xương.
"Kiếm vàng đen rất đơn giản, chỉ cần cầm một cái kéo, dạo qua dạo lại trên đường", người đàn ông họ Chu đã làm nghề mua tóc 13 năm nói rằng hành trang vào nghề chỉ cần một cái kéo và chiếc túi vải.
Ông Chu mua tóc về rồi xử lý làm sạch đơn giản, sau đó bán cho nhà máy kiếm lời. Nghề này đã giúp ông nuôi cả gia đình, cho hai đứa con học hành tới nơi tới chốn.
Những năm 1990, Hứa Xương xuất hiện rất nhiều nhà máy tóc giả và nhiều ngôi làng chuyên làm nghề thu mua tóc, trùng hợp với thời điểm Hàn Quốc (thủ phủ tóc giả) đến Hứa Xương (Trung Quốc) xây dựng nhà máy.
Nhờ vào thương mại điện tử phát triển, tóc giả Hứa Xương được xuất khẩu sang hơn 120 quốc gia trên thế giới. Song hiện tại, Hứa Xương đang phải đối mặt với những thách thức rất lớn.
Thách thức lớn nhất đến từ việc thu mua tóc. Sau khi ngành công nghiệp tóc giả Hứa Xương phát triển quy mô lớn, người dân địa phương phát hiện rằng việc bán tóc của họ không cung cấp đủ cho nhu cầu nhà máy, “bản đồ thu mua tóc” mở rộng từ các vùng nông thôn xung quanh đến các tỉnh trong nước và cả thế giới.
Ông Chu nhớ lại: "Khi đó trong thôn quê hầu như không có thanh niên trẻ tuổi nào nữa". Để có được nhiều tóc hơn, những thanh niên trẻ đã bôn ba thu mua tóc ở khắp mọi nơi, buổi sáng vẫn còn ở An Huy, buổi chiều đã đến Giang Tây, một năm 365 ngày ngoại trừ dịp Tết Nguyên đán thì hầu như đều rong ruổi bên ngoài. Nhưng lợi nhuận lớn khiến nhiều người không ngại khó khăn mà dấn thân vào nghề này.
Theo thống kê, thời kỳ cao điểm nhất có khoảng 20.000 người Hứa Xương thu mua tóc, mỗi năm hơn 1.000 tấn tóc từ khắp nơi trên thế giới vận chuyển về Trung Quốc, sau khi xử lý rồi lại xuất khẩu.
Dịch bệnh gây ra ảnh hưởng rất lớn, tóc ở nước ngoài không được vận chuyển vào, các doanh nghiệp tóc giả của Hứa Xương phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nguồn cung. Không chỉ vậy, Hứa Xương còn phải đối mặt với cục diện “trong ngoài đều loạn”.
Tái chế và xử lý tóc rất đơn giản và dễ dàng, vì vậy Hứa Xương xuất hiện rất nhiều "làng tóc". Thậm chí có làng nhà nào cũng kinh doanh tóc. Đến năm 2020, tổng dân số Hứa Xương là 4,38 triệu người, trong đó cứ 14 người thì có 1 người làm việc trong ngành công nghiệp tóc giả, từ đó dẫn đến cạnh tranh nội bộ khốc liệt.
“Trong nháo nhào, ngoài còn hỗn loạn hơn”. Nhiều khu vực của Trung Quốc cũng bắt đầu nổi lên với hàng loạt công xưởng sản xuất và phân phối tóc giả. Trong số đó, trấn Lý Ca Trang (Sơn Đông) là một trong những đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Hứa Xương.
Mặc dù Hứa Xương vẫn ngồi vững ở vị trí thánh địa tóc giả, nhưng mọi người ở đây đều cảm thấy "làm ăn không còn dễ dàng như trước".
"Truyền thống nuôi tóc dài chỉ để bán đi" dần bị phá vỡ
Lưu Thanh là giáo viên của cô bé Hứa Mộng Cáp, đây là năm thứ 5 cô làm giáo viên ở nông thôn.
Theo quan điểm của Lưu Thanh: "Nguyên nhân sâu xa của việc kinh doanh tóc không ổn định có liên quan đến việc số lượng người bán tóc giảm". Điều này lại móc nối đến sự phát triển kinh tế và giáo dục nông thôn.
Lưu Thanh sinh ra ở vùng nông thôn Hà Nam vào những năm 80, cả gia đình 4 người đều sống dựa vào một mẫu đất, cuộc sống kham khổ. Vì vậy, trong ký ức thời thơ ấu của cô, "mẹ, dì và chị gái đã bán tóc", trong đó tóc của chị gái là đắt nhất. Đây cũng là quy tắc bất thành văn của ngành công nghiệp thu mua tóc, cô gái trẻ có chất lượng tóc tốt nhất, giá cao nhất. Nhiều bạn học cùng lớp của cô đã bán tóc của họ.
Hiện tại sau khi trở về nông thôn giảng dạy, cô thấy rằng việc bán tóc ít hơn nhiều. “Kinh tế nông thôn đã được cải thiện, phụ huynh nông thôn chú ý nhiều hơn đến giáo dục con trẻ, họ muốn con cái có cuộc sống tốt hơn bằng việc học tập”.
Mặt khác, đô thị hóa và dân số nông thôn giảm cũng dẫn đến khó khăn trong việc thu mua tóc.
Nguồn cung giảm, buộc người kinh doanh phải chuyển đổi. Người làm nghề thu mua tóc bị ảnh hưởng nặng nề hơn cả vì họ đứng giữa các nhà máy và người bán.
"Bây giờ chúng tôi không cắt tóc tùy tiện, cửa hàng phải cung cấp dịch vụ làm đẹp, cắt tóc thời trang", Dương Thành cho biết.
Dương Thành, 37 tuổi, là người Hứa Xương, tốt nghiệp THCS đã theo cha mở một tiệm cắt tóc ở thị xã Vũ Châu (Hứa Xương). Cửa hàng này vẫn giữ được phong cách của những năm 1990, các bức tường màu xám với băng trong suốt dán một hàng tóc dài và ngắn khác nhau, được sử dụng để so sánh chiều dài tóc, chất lượng, màu sắc. Sự khác biệt duy nhất là nhiều chiếc kéo được đặt trên bàn và áp phích kiểu tóc dán trên tường.
"Bây giờ người mua tóc nhiều, người bán tóc ít, không thể cắt tóc đẹp thì người ta bỏ đi", Dương Thành giải thích.
Tóc dài ra cần thời gian khá dài, nếu chỉ dựa vào cư dân xung quanh chủ động đến tiệm để bán tóc thì Dương Thành không thể duy trì thu nhập. Vì vậy anh bắt đầu sử dụng mạng xã hội để mua tóc trực tuyến. Song nỗ lực này cũng không thể cứu lấy kế sinh nhai của Dương Thành và cả ông Chu.
Giáo viên Lưu Thanh đến thăm nhà, biết được hai cha con cãi nhau về việc bán tóc.
Trong mắt Hứa Hải, giáo viên là người có tiếng nói, ông mong rằng cô sẽ đứng về phía mình để khuyên nhủ con gái.
Hứa Hải không biết nói tiếng phổ thông, dùng tiếng Hà Nam nói: “Con gái để tóc dài như vậy có tác dụng gì? Còn phải tốn thời gian chăm sóc, chi bằng bán đi tiết kiệm thời gian cho việc học tập”.
Lưu Thanh nhạy bén hiểu được ý tứ phía sau lời nói của Hứa Hải. Lưu Thanh cũng là đứa trẻ bị cha mẹ bỏ lại nông thôn, thay đổi số phận bằng con đường học tập. Đây cũng là kỳ vọng lớn nhất của phụ huynh nông thôn dành cho con cái.
Cuối cùng, dưới sự thuyết phục của Lưu Thanh, Hứa Hải đồng ý cho cô dẫn Hứa Mộng Cáp vào trấn cắt tóc xõa ngang vai.
Quyết định này đã khiến Hứa Hải mất đi mấy trăm NDT, tương đương với thu nhập canh tác của gia đình mấy tháng. Nhưng đối với Hứa Mộng Cáp, đây là một sự may mắn giúp cô bé không đi theo lối mòn “truyền thống nuôi tóc dài chỉ để bán đi” của nhiều bạn học trong lớp.
Nguồn: Thepaper