Với chi phí sinh hoạt cao ngất trời ở Hong Kong (Trung Quốc), cư dân địa phương đang cố gắng tìm kiếm những phương thức khác để có thể vui chơi nhiều hơn nhưng chi ít tiền hơn.

Những ngày cuối tuần gần đây, Andy Tsui thường xuyên đi mua sắm tại các trung tâm mua sắm sang trọng, ca hát tại các quán karaoke sang trọng và thưởng thức hải sản tươi ngon.

Sau khi mua thêm một cốc trà sữa "full topping", tiền chi tiêu trong ngày của anh ở Thâm Quyến thường không quá 430 nhân dân tệ (khoảng 3 triệu đồng). Đó là số tiền mà nhiều bạn bè của anh ấy chỉ đủ cho một bữa ăn ở Hong Kong mà không có trà sữa trân châu.

Trung Quốc: Dân Hong Kong đổ về đại lục để 'tiêu tiền xả láng' - Ảnh 1.

Người trẻ đến từ Hong Kong mua đồ uống tại một cửa hàng trà sữa Mixue ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: CNN)

Bí quyết của Tsui là gì? Thay vì tiêu tiền ở quê nhà Hong Kong, anh lại vượt biển sang đại lục để "tiêu xài cho xả láng".

“Bạn có thể mua nửa con vịt quay Bắc Kinh với giá chỉ từ 60 - 70 nhân dân tệ (hơn 200.000 đồng), quá no cho một bữa ăn, và ở mọi ngóc ngách đều có thể mua một cốc trà sữa có giá chỉ 10 - 12 nhân dân tệ (gần 40.000 đồng)", Tsui chia sẻ trước chuyến đi cuối tuần tới thành phố Thâm Quyến. “Sự chênh lệch về giá (so với Hong Kong) quá rõ ràng”.

Tsui cho biết trong các chuyến đi, anh thậm chí thấy xung quanh mình “nhiều người Hong Kong hơn là người dân địa phương”.

Tsui chỉ là một trong hàng trăm nghìn người Hong Kong thường xuyên thực hiện chuyến đi ngắn ngày đến thành phố Thâm Quyến ở tỉnh Quảng Đông (phía nam Trung Quốc) vào cuối tuần để ăn uống, mua sắm và giải trí.

Xu hướng này ngày càng bùng nổ nhờ dịch vụ đường sắt cao tốc nối giữa các thành phố, giúp giảm thời gian di chuyển xuống còn chưa đầy nửa giờ.

Trong suy nghĩ của nhiều người, những chuyến "vượt biển" này chỉ là những buổi đi chơi vui vẻ. Nhưng nhìn tổng thể, đây là một phần của bức tranh lớn hơn tiết lộ nhiều về động lực chuyển dịch giữa đại lục và Hong Kong, từ Đông sang Tây.

Trung Quốc: Dân Hong Kong đổ về đại lục để 'tiêu tiền xả láng' - Ảnh 2.

Người dân đi bộ qua khu vực kiểm soát ranh giới khi rời Hong Kong đến Thâm Quyến vào , ngày 21/1/2024. (Ảnh: CNN)

Hong Kong từng là nơi mà người Trung Quốc tìm đến chứ không phải rời đi. Trong những thập kỷ sau khi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập vào năm 1949, khi đại lục chìm trong hỗn loạn bởi xung đột và đói nghèo, ước tính hàng trăm nghìn người Trung Quốc đã liều mạng để đến được xứ Cảng Thơm, nơi khi đó là thuộc địa của Anh.

Họ bị thu hút không chỉ bởi lời hứa về các quyền tự do kiểu phương Tây, mà còn bởi những thứ xa xỉ mà chỉ chủ nghĩa tư bản kiểu phương Tây mới có thể mua được vào thời điểm đó.

Sự hấp dẫn của Hong Kong vẫn tồn tại lâu dài sau khi Vương quốc Anh hoàn trả lại thành phố cho Trung Quốc vào năm 1997. Theo phương thức quản lý "Một quốc gia, hai chế độ", Bắc Kinh cho phép Hong Kong duy trì lối sống tư bản và các quyền tự do theo kiểu phương Tây, cân nhắc đến việc không làm đảo lộn nền kinh tế khi đó chiếm gần 20% GDP của Trung Quốc.

Gần đây nhất là năm 2018, 51 triệu khách du lịch Trung Quốc đại lục - gấp khoảng 7 lần dân số Hong Kong - đã đến thành phố này du lịch, đổ xô đến Disneyland địa phương, hoặc mua sắm đủ loại sản phẩm thương hiệu nước ngoài.

Tua nhanh về vài năm trước, bức tranh đã thay đổi. Vào năm 2023, chỉ có 26 triệu người đại lục ghé thăm Hong Kong. Đáng chú ý hơn, chỉ có khoảng 200.000 người Trung Quốc đại lục đến thăm thành phố này vào cuối tuần, kém gấp đôi so với hướng ngược lại đi Thâm Quyến, theo dữ liệu từ Cục Di trú Hong Kong.

Trung Quốc: Dân Hong Kong đổ về đại lục để 'tiêu tiền xả láng' - Ảnh 3.

Người dân xếp hàng tại ga Yuen Long ở Hong Kong để bắt xe buýt sang Trung Quốc đại lục vào ngày 21/1/2024. (Ảnh: CNN)

Câu chuyện của hai thành phố

Năm 2018 đánh dấu những cột mốc quan trọng. Đây là năm khai trương tuyến đường sắt cao tốc hiện đại với tốc độ khoảng 200 km/h, giúp thúc đẩy kết nối giữa Hong Kong và Thâm Quyến.

Năm đó, nền kinh tế Hong Kong cuối cùng cũng bị nền kinh tế thành phố láng giếng vượt qua, một bối cảnh khó có thể tưởng tượng được chỉ vài thập kỷ trước đó.

Hạt giống cho sự phát triển đáng kinh ngạc của Thâm Quyến đã được gieo vào năm 1980, khi Trung Quốc biến thành phố này thành một trong những đặc khu kinh tế đặc biệt đầu tiên của mình, tạo điều kiện cho thành phố hưởng lợi từ sự tăng trưởng phi thường của đất nước.

Thâm Quyến trước những năm 1980 từng bị xem như một làng chài với vài trăm nghìn người, ngày nay đã có 13 triệu dân và hiện là thành phố có quy mô kinh tế thứ 3 Trung Quốc, nơi đóng trụ sở của nhiều công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc như Huawei và Tencent.

Thành phố này giờ đây sở hữu nhiều trung tâm thương mại lộng lẫy, các phòng karaoke sang trọng khiến cho những phòng hát ở Hong Kong trông có vẻ lỗi thời. Ngoài ra, thành phố còn có nhiều dư địa để mở rộng. Dự kiến vào năm 2025, Thâm Quyến sẽ hoàn thành khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nhân tạo trong nhà lớn nhất thế giới.

Eddy Lam, 32 tuổi, người Hong Kong, thích đến Thâm Quyến để thưởng thức nhiều món ăn đặc sắc của Trung Quốc, từ món lẩu cay Trùng Khánh đến bánh bao hấp Thượng Hải.

"Đường phố ở đó trang trí đẹp hơn, rộng rãi hơn và đồ ăn thì chuẩn vị hơn", Lam nói và cho biết đã đến Thâm Quyến 10 lần trong ba tháng qua.

Trung Quốc: Dân Hong Kong đổ về đại lục để 'tiêu tiền xả láng' - Ảnh 4.

Hội chợ Tết Nguyên đán tại trung tâm thương mại Coco Park, một trong những điểm đến yêu thích của người Hong Kong ở Thâm Quyến, Trung Quốc, ngày 12/2. (Ảnh: CNN)

Đối với không ít người Hong Kong khác, sức hút chính của Thâm Quyến trớ trêu thay lại là các chuỗi cửa hàng đa dụng theo phong cách phương Tây. Thành phố này có cả chi nhánh của Costco và Sam's Club, hay một chuỗi cửa hàng do gã khổng lồ bán lẻ Mỹ Walmart vận hành.

Cherrie Leung, một nhà quản lý tài chính ở Hong Kong, cho biết cô thường mua sữa và sữa chua từ một trong ba chi nhánh của Sam’s Club ở Thâm Quyến.

"Hàng được vận chuyển trực tiếp từ các trang trại ở Nội Mông, Bắc Kinh cũng như các nơi khác ở Trung Quốc. Chúng rất tươi", cô nói.

Trung Quốc: Dân Hong Kong đổ về đại lục để 'tiêu tiền xả láng' - Ảnh 5.

Người dân mua thực phẩm tại siêu thị Costco ở Thâm Quyến. (Ảnh: CNN)

Lạm phát và chi phí sinh hoạt đã tăng vọt ở Hong Kong gần đây. Theo số liệu của chính quyền địa phương, vào tháng 12/2023, chi phí mua rượu và dịch vụ ăn uống bên ngoài lần lượt tăng 19,2% và 3,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngược lại, Trung Quốc đại lục đang phải vật lộn với tình trạng giảm phát, điều đó có nghĩa là nhiều thứ ở đây đang ngày càng rẻ hơn.

Càng hấp dẫn hơn với người Hong Kong khi đồng đô la Hong Kong (HKD), được neo giá với đồng USD, đã tăng giá trị so với nhân dân tệ.

Gary Ng, nhà kinh tế của ngân hàng đầu tư Natixis của Pháp, ước tính rằng chỉ riêng trong năm 2023, người Hong Kong đã chi tổng cộng 8,5 tỷ USD vào Thâm Quyến và các thành phố lân cận phía nam Trung Quốc.

Điều này có nghĩa là ít tiền hơn được bơm vào các nhà hàng và cửa hàng địa phương ở Hong Kong, khiến họ khó tồn tại hơn và có nhiều khả năng phải đóng cửa. Khi điều đó xảy ra, sức hấp dẫn của Thâm Quyến càng bùng cháy mạnh mẽ hơn, còn Hong Kong thì ngày một ảm đạm.