Lũ lụt liên tiếp nhiều tuần dọc khu vực sông Dương Tử, con sông dài nhất Trung Quốc đặt gánh nặng lên nền kinh tế vốn đã bị tác động vì dịch Covid-19. Dù giới chức chưa tiết lộ tổng thiệt hại kinh tế do các đợt mưa lũ từ tháng 6 tới nay, nhưng nhiều công ty trong khu vực bị ảnh hưởng đã phải tạm dừng hoạt động.

Trung Quốc đối mặt khó khăn chồng chất vì mưa lũ - Ảnh 1.

Mưa lũ gây ngập lụt trên diện rộng. Ảnh: Nikkei Asian Review

Công ty các nguồn tài nguyên Shenghe, một trong các công ty sản xuất đất hiếm có trụ sở tại Tứ Xuyên của Trung Quốc cho biết, lũ lụt đã khiến tài sản cố định bị hư hỏng nghiêm trọng, trong đó có máy móc, thiết bị ở 2 nhà máy nằm trong vùng ngập lụt.

Công ty niêm yết trên sàn giao dịch Thượng Hải này ước tính thiệt hại ban đầu khoảng 390 -520 triệu NDT (56-75 triệu USD), dù chưa thể cử nhân viên công ty tới các cơ sở để đánh giá thiệt hại thực tế.

Trong năm 2019, một trong số các nhà máy của Shenghe sản xuất 28.227 tấn đất hiếm saline và chiếm khoảng 8% thu nhập của công ty. Đất hiếm saline là 1 trong số 17 kim loại thiết yếu trong ngành sản xuất điện thoại thông minh và các thiết bị điện tử khác. Giá cổ phiếu công ty này đã giảm xuống chỉ còn 7,90 NDT hôm 24/8, thấp hơn 11% so với 1 tuần trước đó.

Theo trang web thông tin công nghiệp Trung Quốc, năm 2019, nước này sản xuất 132.000 tấn đất hiếm, chiếm gần 2/3 lượng sản xuát trên toàn cầu.

Công ty công nghệ sinh học Hebang ở Tứ Xuyên cũng ước tính thiệt hại khoảng 350 triệu NDT do các nhà máy bị ngập nước. Theo các nhà phân tích của công ty chứng khoán Everbright, Hebang cùng với tập đoàn Fuhua chiếm 24% sản lượng quặng phốt pho - một trong những khoáng sản được sử dụng trong sản xuất phân bón và thức ăn chăn nuôi. Hiện vẫn chưa rõ khi nào hoạt động sản xuất mới có thể bắt đầu trở lại.

Lũ lụt cũng ảnh hưởng tới nhà sản xuất da thuộc Zhenjing ở Tứ Xuyên, công ty sở hữu nhà máy 157.000 mét vuông bị ngập trong "biển" nước lũ. Công ty này cho biết, phải mất 3 tháng mới có thể khôi phục hoạt động.

Mưa lũ ảnh hưởng 4 triệu người, gây thiệt hại gần 3 tỷ USD

Mưa lũ liên tiếp ở Trung Quốc đã ảnh hưởng tới gần 4 triệu người và gây thiệt hại trực tiếp gần 20 tỷ Nhân dân tệ (2,89 tỷ USD).

Tuần trước, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã trực tiếp thị sát các khu vực bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, đồng thời đảm bảo sẽ kiểm soát lương thực và hỗ trợ kinh tế.

Mặc dù một số đập ở Trung Quốc, đặc biệt là Đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, đã phải chứa nước lũ trong các hồ chứa ở mức kỷ lục, nhưng người dân ở các khu vực lân cận vẫn đang sống trong cảnh lo ngại khi các đợt lũ liên tiếp hình thành.

Trung Quốc đối mặt khó khăn chồng chất vì mưa lũ - Ảnh 2.

Đập Tam Hiệp. Ảnh: Nikkei Asian Review

Theo Tân Hoa xã, mực nước trong hồ chứa của Đập Tam Hiệp lên mức kỷ lục 167,65 mét (hôm 22/8), mức cao nhất kể từ năm 2003 tới nay. Đến ngày 24/8, mực nước đã rút xuống còn 165 mét, nhưng vẫn cao hơn so với mức tối đa 145 mét  để kiểm soát nước lũ trong giai đoạn mưa mùa hè và mùa thu.

Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc cho biết mức nước dọc các con sông chính vẫn cao và yêu cầu chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì cảnh báo do mưa vẫn tiếp diễn trong tuần này.

Trong khi đó, Cơ quan khí tượng Trung Quốc ngày 23/8 cảnh báo về cơn bão Bavi, dự kiến sẽ ảnh hưởng khu vực miền Nam trong ngày 26/8, gây mưa lớn, gia tăng sức ép cho các hồ chứa.

Trung Quốc ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế tốt hơn dự kiến, ở mức 3,2% trong quý 2 năm nay. Tuy nhiên, trong một báo cáo ngày 17/8, S&P Global Ratings nói rằng, dựa theo các dữ liệu kinh tế trong tháng 7, mức tăng trưởng này chủ yếu là nhờ vào sự hỗ trợ của Chính phủ./.