Theo tờ SCMP, Trung Quốc hiện có khoảng 240 triệu người độc thân, tương đương 18% dân số, nhưng chính phủ nước này lại đang khuyến khích thanh thiếu niên ở nhà với bố mẹ. Thậm chí mới đây, chính quyền Bắc Kinh còn ban hành quy định mới gây tranh cãi dữ dội trên mạng xã hội.
Cụ thể, chính phủ Trung Quốc dự định tiến hành các chính sách hỗ trợ về nhà ở hay chi phí sinh hoạt nhằm khuyến khích giới trẻ chuyển về sống cùng cha mẹ hoặc sống gần đó. Nguyên nhân chính của quyết định trên là tình trạng lão hóa dân số nhanh khiến rất nhiều người già không được chăm sóc, trong khi giới trẻ bỏ lên thành phố để kiếm tiền.
Tờ SCMP cho biết kế hoạch trên chỉ là 1 trong số hơn 20 dự thảo của Trung Quốc nhằm dự phòng những ảnh hưởng của thay đổi cơ cấu dân số trong tương lai. Tuy nhiên hầu hết các quyết định này đều vấp phải sự phản đối dữ dội trên mạng xã hội bởi 2 nguyên nhân chính.
Thứ nhất, giá nhà ở hiện quá cao do bong bóng bất động sản và chính phủ có hỗ trợ thì giới trẻ cũng chưa chắc đủ tiền để mua nhà lấy vợ. Tiếp đó, việc có quá ít cơ hội lập nghiệp ở nông thôn khiến thanh thiếu niên buộc phải lên thành phố kiếm tiền.
"Liệu tôi có thể tìm được công việc thích hợp gần nơi bố mẹ tôi đang sống?", một người dùng Weibo lo ngại.
"Tất nhiên tôi thích sống cùng cha mẹ nhưng điều này không phụ thuộc vào bản thân tôi, nó còn tùy thuộc vào giá bất động sản nữa", một người dùng Weibo khác mỉa mai.
Cường quốc... già
Số liệu chính thức cho thấy Trung Quốc đang có hơn 100 triệu người già trên 60 tuổi phải sống 1 mình hoặc với người bạn đời cao tuổi không kém mà chẳng có con cháu chăm sóc. Rất nhiều người trong số này bị gọi là "Những người cao tuổi bị bỏ lại" (Left Behind Elderly) khi họ sống ở vùng nông thôn, nơi chế độ an sinh xã hội rất tệ trong khi người trẻ bỏ hết lên thành phố.
Tờ SCMP cho biết hiện Trung Quốc đang là nước có tốc độ lão hóa dân số nhanh hơn hầu hết các quốc gia trên thế giới do tuổi thọ được nâng cao còn tỷ lệ sinh đi xuống.
Báo cáo mới nhất của Tổng cục thống kê Trung Quốc cho thấy tính đến cuối năm 2020, nước này có 264 triệu người trên 60 tuổi, tương đương 18,7% tổng dân số. Đồng thời, cấu trúc hộ gia đình tại đây cũng suy giảm từ 3,1 người/hộ năm 2010 xuống chỉ còn 2,6 người/hộ.
Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet
Giáo sư Zhu Qin của Trung tâm nghiên cứu chính sách phát triển dân số (CPDPS) cho biết lối sống độc thân hoặc tự lập đang ngày càng lan rộng trong xã hội Trung Quốc. Tại Thượng Hải, hơn 40% số người trên 60 tuổi sống độc lập với con cái trong khi chuyện ở riêng đã thành mong ước chung của hầu hết các bạn trẻ thời nay.
"Trong nhiều năm qua, chính quyền địa phương đã xây vô số nhà dưỡng lão nhưng chẳng mấy ai đến. Trong tâm lý người Trung Quốc, họ thích được sống tại gia với con cháu hoặc tự do ở nhà hơn là bị giam trong trại dưỡng lão. Thêm nữa, chi phí chăm sóc trong các trung tâm này cũng không hề rẻ. Bởi vậy chúng ta nên tập trung nhiều hơn vào các chính sách cộng đồng và khuyến khích người thân", giáo sư Zhu nhấn mạnh.
Tuy vậy, có lẽ những chính sách mới sẽ không đem lại hiệu quả khi vấn đề cốt lõi là nhà ở và việc làm không được giải quyết.
Tờ The Diplomat lấy ví dụ giá nhà tại 70 thành phố lớn nhất Trung Quốc đã tăng 9,7% tính đến cuối tháng 12/2018, mức tăng tháng thứ 44 liên tiếp và cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính khiến tỷ lệ kết hôn giảm tới 30% trong 5 năm qua.
Báo cáo chính thức năm 2021 cho thấy tỷ lệ sinh năm 2020 tại Trung Quốc chỉ vào khoảng 8,52 trẻ trên mỗi 1.000 người, thấp hơn mức 10,41 trẻ/1.000 người của năm 2019. Đây là lần đầu tiên tỷ lệ sinh của Trung Quốc xuống dưới mức 10 trẻ/1.000 người kể từ năm 1978.
*Nguồn: SCMP*