Đây là thông tin do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đưa ra.

Nhà máy thủy điện Bạch Hạc Than ở thượng nguồn sông Dương Tử, tại miền Tây - Nam Trung Quốc.

Nhà máy này hoạt động 100% công suất sau khi sau khi tổ máy cuối cùng trong 16 tổ máy phát điện thủy điện của nhà máy này hoàn tất quá trình vận hành thử nghiệm trong vòng 72 giờ vào sáng 20/12. Với tổng công suất lắp đặt là 16 triệu kilowatt (kW), nhà máy Bạch Hạc Than chỉ đứng sau dự án đập Tam Hiệp ở tỉnh Hồ Bắc, miền Trung Trung Quốc.

Việc đập thủy điện Bạch Hạc Than vận hành hết công suất cũng đồng nghĩa với việc hành lang năng lượng sạch lớn nhất thế giới chính thức được hoàn thiện. Hành lang này có chiều dài 1.800 km, gồm 6 nhà máy thủy điện lớn trên sông Dương Tử hoạt động để truyền tải điện năng từ khu vực miền Tây giàu tài nguyên tới các khu vực tiêu thụ năng lượng ở miền Đông Trung Quốc.

Trung Quốc hoàn thiện nhà máy thủy điện bạch Hạc Than lớn thứ hai trên thế giới - Ảnh 1.

(Ảnh: Tân Hoa Xã)

Cả 6 nhà máy, đều do CTG điều hành, đóng góp khoảng 20% tổng công suất lắp đặt thủy điện của Trung Quốc. Hành lang năng lượng sạch này còn đóng vai trò chính trong việc kiểm soát, điều tiết lũ, sử dụng tài nguyên nước và đảm bảo an ninh sinh thái ở lưu vực sông Dương Tử.

Chủ tịch CTG, ông Lei Mingshan, cho biết, nhà máy Bạch Hạc Than được thiết kế với 16 tổ máy phát điện do Trung Quốc phát triển, mỗi tổ máy có công suất 1 triệu kW và là công suất tổ máy đơn lẻ lớn nhất thế giới. Việc vận hành đầy đủ Bạch Hạc Than có ý nghĩa to lớn đối với sự thay đổi cơ cấu năng lượng của Trung Quốc, cũng như với việc xây dựng Vành đai kinh tế sông Dương Tử và sự phát triển phối hợp của kinh tế vùng tại nước này.

Theo Tân Hoa Xã, 6 nhà máy thủy điện trên sông Dương Tử dự kiến sẽ tạo ra 300 tỷ kWh điện mỗi năm, giảm tiêu thụ 90 triệu tấn than và giảm 248 triệu tấn khí thải carbon. Trong số đó, 4 nhà máy gồm Ô Đông Đức, Bạch Hạc Than, Khê Lạc Độ, Hướng Gia Bá nằm trên sông Kim Sa, phần thượng lưu của sông Dương Tử. Hai nhà máy thủy điện còn lại gồm đập Tam Hiệp và Cát Châu Bá nằm ở vùng trung lưu sông Dương Tử.