Tiếp theo quyết định của Hải quan Trung Quốc cấm nhập khẩu toàn bộ thủy sản từ Nhật Bản chỉ vài giờ sau khi nước này tiến hành đợt xả nước thải hạt nhân đã qua xử lý đầu tiên từ nhà máy Fukushima ra biển, người tiêu dùng Trung Quốc đang có xu hướng hủy các tour du lịch đến Nhật Bản và lên danh sách đen hàng loạt thương hiệu mỹ phẩm của quốc gia này.

Trung Quốc hủy tour, lập danh sách đen mỹ phẩm Nhật Bản sau vụ xả nước thải - Ảnh 1.

Trung Quốc hủy tour, lập danh sách đen mỹ phẩm Nhật Bản sau vụ xả nước thải. Ảnh minh họa: cnsphoto

Sau khi Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc ra thông báo về việc nối lại du lịch theo đoàn đợt 3, Nhật Bản lập tức trở thành một trong những điểm đến được đón nhận nhất. Theo Ctrip - một trong những đại lý du lịch trực tuyến lớn nhất Trung Quốc, nền tảng này đã tung ra hơn 5.000 tour du lịch nước ngoài và gói dịch vụ máy bay kèm khách sạn, bao phủ hơn 1/3 trong tổng số 78 quốc gia và vùng lãnh thổ được phê duyệt đợt 3, trong đó lượng tìm kiếm nhiều nhất là Nhật Bản. Tuy nhiên, mọi chuyện đã thay đổi sau khi nước này xả nước thải hạt nhân ra biển. Theo nhiều hãng lữ hành Trung Quốc, không ít du khách đã hủy các chuyến đi tới Nhật Bản.

Nhân viên một công ty du lịch ở Bắc Kinh khi trả lời truyền thông nước này cho biết: “Chỉ có 7 người đăng ký tour ngày 18/9 và 2 người đăng ký tour ngày 21/9. (Việc xả thải) chắc chắn sẽ có tác động nhất định, tất nhiên các tour du lịch vẫn có thể đi, nhưng trước tình hình này mọi người đều đắn đo”.

Nhiều công ty du lịch Trung Quốc còn cho biết sẽ điều chỉnh hoạt động tiếp thị trong thời gian tới, đặc biệt là kế hoạch quảng bá các tour du lịch trong kỳ nghỉ lễ Quốc khánh đầu tháng 10, trong đó có việc không đẩy mạnh tiếp thị các tour sang Nhật Bản trong thời điểm hiện tại hoặc tạm dừng các chương trình tiếp thị liên quan đến du lịch Nhật Bản.

Hơn chục ngày trước, theo dữ liệu của Ctrip, lượng đặt tour Nhật Bản đã tăng gần 90% so với cùng kỳ tháng trước, trong khi lượng đặt các sản phẩm tour du lịch Nhật Bản khởi hành trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh đã tăng hơn 5 lần so với tháng trước.

Số liệu do Cơ quan xúc tiến du lịch Nhật Bản (Tổ chức Du lịch Quốc gia Nhật Bản – JNTO) công bố hôm 16/8 cho thấy, lượng du khách nước ngoài đến nước này trong tháng 7 đã vượt 2 triệu người trong tháng thứ hai liên tiếp, đạt 2.320.600, phục hồi gần 78% so với cùng kỳ năm 2019 trước đại dịch. Trong đó, du khách đến từ Trung Quốc đại lục đứng thứ 3 sau Hàn Quốc và đảo Đài Loan, đạt 313.300 người.

Trong khi đó, nhiều cư dân mạng và người tiêu dùng Trung Quốc tuyên bố sẽ không đến các nhà hàng Nhật Bản, cũng như tẩy chay các sản phẩm của nước này, trong đó có mỹ phẩm. Trên các nền tảng mạng xã hội như Sina Weibo, người dân Trung Quốc đã đăng danh sách đen 31 thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản, gồm SK-II, Shiseido và Muji, thu hút hàng trăm triệu lượt xem. Trên Xiaohongshu, một nền tảng truyền thông xã hội khác, cư dân mạng cũng tổng hợp danh sách các loại mỹ phẩm Nhật Bản và các lựa chọn thay thế, thu hút sự quan tâm rộng rãi của người xem.

Trong các năm từ 2019-2021, mỹ phẩm Nhật Bản luôn có thị phần số 1 tại Trung Quốc và mới bị Pháp soán ngôi từ năm 2022. Theo dữ liệu chính thức của hải quan nước này, từ tháng 1-11/2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 4,16 tỷ USD mỹ phẩm từ Nhật Bản, đứng thứ 2 về thị phần. Tuy nhiên, con số này đã giảm đáng kể từ tháng 5 năm nay. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu mỹ phẩm từ Nhật Bản của Trung Quốc đã giảm 8,4% trong tháng 6 và 30% trong tháng 7.