Julia Lý, sống ở Thượng Hải, đã dành phần lớn thời gian trong vài năm qua để vật lộn với một tình huống khó nhằn: Cô đã kết hôn, hiện đã hơn 30 tuổi và vẫn chưa quyết định liệu bản thân có nên sinh con đẻ cái như bao người khác hay không.

Lý đã trì hoãn việc có con trong nhiều năm, nhưng bây giờ thời gian và những cái cớ để thoái thác vấn đề này đang dần cạn kiệt. Gia đình và bạn bè hầu như ngày nào cũng thúc giục cô sinh con, điều này khiến cô vô cùng đau đầu. 

Ngay cả chính phủ Trung Quốc dường như cũng đang cố gắng thuyết phục Lý, cũng như những người đang trì hoãn sinh con khác, đưa ra một loạt các biện pháp khích lệ mới bao gồm cả thời gian nghỉ thai sản kéo dài.

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 1.

Tuy nhiên, vào tháng 8/2021, Lý và chồng đã ra quyết định mà điều này đang ngày càng trở nên phổ biến ở Trung Quốc: Tiếp tục làm một cặp vợ chồng DINK (Viết tắt của Double Income, No Kids: cặp vợ chồng có công ăn việc làm, có hai nguồn thu nhập và không sinh con).

Cuối cùng, Lý cảm thấy rằng cái giá phải trả cho việc sinh con nhiều hơn cả tất cả lợi ích nhận về, đặc biệt là quá trình hồi phục sau khi sinh con ở độ tuổi quá 30 sẽ là một "thách thức rất lớn".

"Tôi sẽ phải đối mặt với nguy cơ lão hóa nhanh, mất dáng và mất quá nhiều năng lượng. Nó sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sự nghiệp thăng tiến và khả năng cạnh tranh của tôi", Lý chia sẻ.

Ban hành hàng loạt chính sách khích lệ sinh đẻ nhưng "chỉ như muối bỏ biển"

Tỷ lệ sinh giảm báo động

Trung Quốc đang phải vật lộn và nỗ lực khắc phục vấn đề thanh niên trẻ đang ngày càng có xu hướng không muốn kết hôn và sinh con đẻ cái. 

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 2.

Trong năm 2021, chính phủ Trung Quốc đã nỗ lực chưa từng có để thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh thêm con, nới rộng hạn chế sinh và đưa ra một loạt các chính sách để hỗ trợ các cặp vợ chồng mới lên chức bố mẹ. Tuy nhiên, cho đến nay, các biện pháp này dường như không có tác dụng.

Tỷ lệ sinh và kết hôn của Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp kỷ lục trong những năm gần đây, đe dọa gây ra một cuộc khủng hoảng nhân khẩu trong nước. Trung Quốc đã là một trong những xã hội già hóa nhanh nhất thế giới và dân số có thể bắt đầu thu hẹp ngay từ năm nay (2022). 

Chính sách khích lệ sinh con với ưu đãi "siêu khủng"

Để nâng cao tăng tỷ lệ sinh, chính phủ Trung Quốc đã hủy bỏ chính sách hai con (vốn đã được áp dụng từ năm 2015) và đổi thành ba con vào tháng 7/2021. 

Kể từ đó, chính phủ đã đưa ra một số chính sách khác để khuyến khích các gia đình có nhiều con hơn, bao gồm cung cấp các biện pháp khích lệ tài chính mới, cải thiện cơ hội được tham gia các trường mẫu giáo và kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ. Theo đó, các cặp vợ chồng vi phạm giới hạn sinh sẽ không còn phải đối mặt với hình phạt theo chính sách 40 năm trước.

Một số khu vực ở Trung Quốc đã đi tiên phong và thực thi khuyến khích sinh con mạnh mẽ:

Bắc Kinh đã bổ sung các công nghệ hỗ trợ sinh sản vào kế hoạch bảo hiểm y tế công cộng. Chương trình này sẽ giảm giá 11.000 NDT (hơn 37,4 triệu đồng) cho thụ tinh trong ống nghiệm.

Phàn Chi Hoa (Tứ Xuyên) trả cho các gia đình có con thứ hai hoặc thứ ba 500 NDT/tháng (hơn 1,7 triệu đồng) cho mỗi trẻ sơ sinh cho đến khi chúng được 3 tuổi.

Hàng Châu (Chiết Giang) thậm chí còn cho các gia đình có ba đứa con được miễn trừ khỏi các quy tắc nhà ở nghiêm ngặt, cho phép họ mua bất động sản thứ hai.

Tuy nhiên, các chính sách đã không thể mang lại kết quả khả quan. 

Chính sách "hời" nhưng bị thờ ơ

Vào tháng 4/2022, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc cho biết tỷ lệ sinh cả nước đã giảm một lần nữa vào năm 2021 - đạt mức thấp nhất kể từ năm 1949. Một số tỉnh cũng xác nhận rằng tỷ lệ sinh của họ đã giảm xuống mức thấp kỷ lục.

Thông tin của năm 2022 không nhiều, nhưng những chỉ số ban đầu cho thấy cũng không có tiến triển. 

Trong nửa đầu 2022, ước tính có khoảng 372.000 trẻ sơ sinh được đăng ký khai sinh tại Hà Nam, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Tại Cửu Châu (Sơn Đông), số lượng giấy khai sinh được cấp giảm 25,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Qua đó có thể thấy, mặc dù chính phủ Trung Quốc làm đủ mọi cách để khích lệ sinh đẻ, nhưng dân chúng chẳng mảy may quan tâm. 

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 5.

Vào ngày chính phủ công bố chính sách ba con, Tân Hoa Xã đã thực hiện một cuộc thăm dò trên nền tảng xã hội Weibo hỏi người dùng xem họ đã sẵn sàng sinh con thứ ba chưa. Hơn 90% số người được hỏi cho biết họ "không thèm quan tâm". Và rồi Tân Hoa Xã đã xóa bài đăng thăm dò vào cuối ngày hôm đó.

Các cuộc khảo sát khác cũng cho kết quả tương tự. Vào tháng 12/2021, 90% số người được hỏi tham gia một cuộc khảo sát trực tuyến với 50.000 người cho biết họ không sẵn sàng sinh ba đứa con. 

Khi một người dùng trên nền tảng xã hội RED (ứng dụng của Trung Quốc giống Instagram) hỏi những người theo dõi rằng liệu các chính sách mới có khiến họ cởi mở hơn trong việc sinh con hay không, 3 bình luận được ủng hộ cao nhất có nội dung: "Các chính sách này giống như giọt nước trong đại dương", "Căn bản là không có ích lợi gì" và "Chỉ biết nói suông mà không cho luôn tiền mặt".

Các chuyên gia nhận định, chính sách tuy rất ưu đãi nhưng chưa thể đi sâu vào đời sống người dân

Trung Quốc được đánh giá là một trong những quốc gia tiêu tốn chi phí đắt đỏ nhất trên thế giới để nuôi dạy một đứa trẻ. Theo đó, các biện pháp ưu đãi khuyến khích sinh con “không nhằm nhò” so với mức chi phí này. 

Vào tháng 2/2022, một cuộc khảo sát cho thấy chi phí trung bình để nuôi dạy một đứa con đầu lòng ở Trung Quốc là gần 500.000 NDT (hơn 1,7 tỷ đồng), thậm chí còn cao hơn các quốc gia giàu có như Hoa Kỳ, Đức và Nhật Bản.

Trong khi đó, một nghiên cứu của các học giả tại Đại học Nhân dân Trung Quốc đã kết luận rằng chi phí kết hôn và nuôi dạy con cái là yếu tố lớn nhất khiến sinh viên tốt nghiệp không bắt đầu lập gia đình, giống với văn hóa làm việc cạnh tranh cao của Trung Quốc.

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 7.

Nhiệm Nguyên, giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số của Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, cũng khẳng định tính đúng đắn của quan điểm này. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nguyện vọng sinh con của các cặp vợ chồng Trung Quốc trên nguyên tắc “không thấp lắm”, nhưng con số thực tế lại khác nhau một trời một vực.

"Điều đó có nghĩa là, một số người vốn sẵn sàng có con nhưng cuối cùng có thể từ bỏ do áp lực công việc, khó khăn trong việc tiếp cận với các dịch vụ nhà trẻ", ông Nhiệm Nguyên cho biết.

Vị giáo sư nhận định các chính sách hỗ trợ có thể giúp cải thiện tình hình, nhưng các biện pháp cụ thể mà Trung Quốc đã thực hiện cho đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả. Việc áp dụng chế độ nghỉ thai sản là một bước tích cực, nhưng sẽ không ảnh hưởng đến kế hoạch của các gia đình. Tương tự, các khoản giảm thuế sẽ hầu như không ảnh hưởng đến ngân sách hộ gia đình của các cặp vợ chồng ở các thành phố lớn đắt đỏ như Bắc Kinh và Thượng Hải, vì khoản này chỉ như muối bỏ biển.

Đối với ông Nhiệm Nguyên, biện pháp hiệu quả nhất mà Trung Quốc có thể thực hiện để tăng tỷ lệ sinh sẽ là cải thiện hơn nữa khả năng tiếp cận các nhà trẻ, dịch vụ chăm sóc cho trẻ sơ sinh và trẻ em dưới 3 tuổi.

"Hỗ trợ này không phải chỉ vì khuyến khích người ta sinh con thứ hai hoặc thứ ba. Mà quan trọng hơn chính là cung cấp các dịch vụ sinh sản toàn diện và chất lượng cao hơn cho tất cả các gia đình có trẻ em hoặc những người có ý định sinh con", giáo sư Nhiệm nói.

Nhưng thực tế, “tỷ lệ sinh của Trung Quốc có thể sẽ giảm một lần nữa trong năm nay, và dân số rất có khả năng trải qua mức tăng trưởng âm”, giáo sư Nhiệm cho biết.

Hậu họa của đại dịch và "tác dụng phụ" của chính sách khích lệ sinh con

Dịch bệnh hoành hành, thân mình còn lo chưa xong, nói gì đến sinh con?

Đợt bùng phát dịch Omicron đã dẫn đến việc phong tỏa kéo dài ở các thành phố trên khắp Trung Quốc trong những tháng gần đây. Điều này đã gây ra sự suy thoái kinh tế, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Theo đó, người dân đang mắc kẹt trong tình trạng mông lung, lạc lối với tương lai. Giáo sư Nhiệm khẳng định tất cả những điều này "có khả năng ảnh hưởng xấu đến ý định và quyết định sinh con".

Lý nói rằng đại dịch, đặc biệt là giai đoạn Thượng Hải phong tỏa toàn diện vào đầu năm 2022, là một lý do chính khác khiến cô quyết định không có con. 

"Vì không có con, cuộc sống của chúng tôi không bị ảnh hưởng đáng kể, nhưng một số gia đình có con mà chúng tôi biết đã phải chịu đựng khổ sở và chật vật cả về vật chất lẫn tinh thần", Lý nói.

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 8.

"Tác dụng phụ" của chính sách gây khó khăn cho phụ nữ đã sinh con

Trong một số trường hợp, các chính sách được ban hành để hỗ trợ cha mẹ cũng gây ra những ảnh hưởng phụ ngoài ý muốn, điều này có thể khiến mọi người xem xét lại việc có nhiều con hơn. Đơn cử chính là việc gia hạn thời gian nghỉ phép của cha mẹ ở hầu hết các tỉnh của Trung Quốc. 

Nhiều người phụ nữ đã bức xúc cho rằng chính sách này đang làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử về giới tại nơi làm việc, vì công ty không sẵn sàng chịu thêm chi phí.

Lưu Cầm (29 tuổi), một cựu giám đốc bộ phận marketing ở Thượng Hải, đã phải từ chức chỉ 2 tháng sau khi chính thức quay lại làm việc. Trước đó cô đã có kỳ nghỉ thai sản vào năm 2021. Trong thời gian vắng mặt, một đồng nghiệp đã đảm nhận thay vị trí của cô tại công ty và kể từ đó giám đốc sẽ không giao cho Lưu bất kỳ dự án "có ý nghĩa và mang tính cạnh tranh" nào nữa.

"Thu nhập của tôi đã giảm một nửa, không còn các khoản tiền thưởng mà tôi có thể kiếm được như trước đây", Lưu nói.

Theo Lưu Cầm, một số bà mẹ mới sinh khác mà cô biết cũng đang chịu áp lực phải nghỉ việc. "Không chỉ phát sinh thành kiến ở giám đốc hoặc quản lý, mà các đồng nghiệp nảy sinh bất mãn, cho rằng chúng tôi thường nghỉ phép để chăm sóc con nhỏ, hoặc chúng tôi không còn tận tâm làm việc sau khi trở thành mẹ", Lưu bức xúc.

Việc gia hạn thời gian nghỉ thai sản dường như cũng đang khiến phụ nữ khó xin việc làm và được cơ hội tuyển dụng hơn. 

Lưu cho biết cô đã được hỏi về tình trạng hôn nhân của mình trong các cuộc phỏng vấn xin việc. Đây cũng chính là một câu hỏi mà gần 60% ứng viên nữ ở Trung Quốc phải đối mặt, theo thông tin báo cáo năm 2021. 

Một số nhà tuyển dụng ở Thượng Hải thể hiện chính sách mới đã khiến họ phải xem xét lại việc thuê phụ nữ có con, đặc biệt là con cái đang trong độ tuổi rất nhỏ.

Trong khi đó, đối với hầu hết các cặp vợ chồng, các khoản phụ cấp trong phương diện sinh con chỉ là yếu tố phụ để xem xét mà thôi, chứ không phải nguyên nhân gây ảnh hưởng đến quyết định sinh con của họ. 

Trung Quốc ban hành hàng loạt chính sách "năn nỉ" người dân sinh con nhưng bị giới trẻ thờ ơ và ghẻ lạnh - Ảnh 10.

Camellia Hà, một bà mẹ ba con sống ở thành phố Tô Châu, cho biết cô chọn sinh ba đứa con vì cô muốn thế và có thể đảm đương được toàn bộ trách nhiệm và gánh nặng.

"Tôi đã mang thai nên tôi phải sinh nó ra. Đây hoàn toàn thuận theo tự nhiên", Hà cảm thán.

Triệu, một bà mẹ mới sinh sống ở thành phố Nam Kinh, cũng nói rằng các chính sách mới hầu như không phải là yếu tố tác động đến quyết định mang thai của cô. 

"Những người vốn đã không muốn sinh con hoặc sinh thêm con sẽ không thay đổi suy nghĩ của họ vì các chính sách của nhà nước", Triệu chia sẻ.

Triệu, 29 tuổi, vừa mới sinh con vào tháng 7/2022, dự định sẽ dừng lại và không sinh thêm đứa con nào nữa. Hai vợ chồng Triệu đều tốt nghiệp các trường đại học hàng đầu Trung Quốc và có công việc với mức lương ổn định. Cả hai đang nỗ lực tiết kiệm tiền để mua nhà ở Nam Kinh

"Vì áp lực tài chính, tôi sẽ không cân nhắc đến việc có đứa con thứ hai trong thời điểm hiện tại", Triệu nói.

(Nguồn: Sixthtone, QQ)

https://afamily.vn/trung-quoc-khuyen-khich-nguoi-dan-sinh-con-nhung-gioi-tre-khong-hao-hung-20220828124055868.chn