Trung Quốc ngày 26-1 bước vào kỳ "xuân vận" kéo dài 40 ngày. Trong đó, nhiều triệu người sẽ đi lại bằng phương tiện giao thông đường bộ hoặc máy bay để đoàn tụ với người thân trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bộ Giao thông Vận tải Trung Quốc ước tính sẽ có 9 tỉ chuyến đi của người dân trong giai đoạn từ ngày 26-1 đến 5-3. Trong số này, số chuyến đi bằng đường sắt, đường cao tốc, đường thủy và hàng không dự kiến đạt khoảng 1,8 tỉ.

Mạng lưới đường sắt Trung Quốc dự kiến vận chuyển 480 triệu lượt hành khách trong kỳ "xuân vận" năm nay, tăng 37,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, theo Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC), khoảng 80 triệu hành khách sẽ đi lại bằng đường hàng không trong giai đoạn này, tăng 44,9% so với năm 2023. 

Nhu cầu các chuyến bay quốc tế dự kiến cũng tăng dịp này nhờ có thêm tuyến đường bay mới và chính sách thị thực thoải mái hơn. 

Đại diện CAAC cho biết các hãng hàng không Trung Quốc có kế hoạch tăng thêm 2.500 chuyến bay quốc tế trong kỳ "xuân vận" năm nay, với điểm đến chủ yếu là Đông Nam Á, Nhật Bản, Hàn Quốc.

Một tàu cao tốc được làm vệ sinh tại TP Trùng Khánh - Trung Quốc ngày 23-1, vài ngày trước khi kỳ “xuân vận” bắt đầuẢnh: China Daily

Một tàu cao tốc được làm vệ sinh tại TP Trùng Khánh - Trung Quốc ngày 23-1, vài ngày trước khi kỳ “xuân vận” bắt đầuẢnh: China Daily

Năm 2023 ghi nhận kỳ "xuân vận" đầu tiên sau khi chính phủ Trung Quốc nới lỏng các biện pháp hạn chế để phòng chống dịch COVID-19. 

Năm nay, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc cho biết lượng người di chuyển tăng mạnh là một trong những yếu tố khiến số ca COVID-19 có thể tăng vào dịp Tết Nguyên đán, cùng với đó là sự lưu hành của một số bệnh về đường hô hấp.

Trong bối cảnh số ca nhiễm do biến thể JN.1 đang tăng, nhà chức trách đã thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm tình hình dịch bệnh ổn định trong dịp Tết, trong đó có việc tăng cường giám sát và cảnh báo sớm. Giới chức y tế Trung Quốc cũng cho rằng vẫn cần sử dụng vắc-xin COVID-19 để ngăn nguy cơ bệnh nặng.

Truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời một số chuyên gia cho rằng sự bùng nổ đi lại dự kiến vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới là dấu hiệu quan trọng cho thấy tiêu dùng ở nước này tiếp tục hồi phục. 

Điều đó cũng góp phần đặt nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế ổn định trong cả năm. Vào năm ngoái, ngành công nghiệp lưu trú và ẩm thực tăng trưởng 14,5%, trở thành một trong những động lực thúc đẩy GDP của Trung Quốc. Trước đó, ngành này đã sụt giảm 2,3% vào năm 2022 do tác động của chính sách phòng chống COVID-19.

Dù vậy, theo tờ South China Morning Post, cũng có ý kiến cho rằng những điểm sáng trên chỉ mới là giải pháp ngắn hạn, không đủ để thúc đẩy tăng trưởng của cả năm. 

Một số chuyên gia kinh tế nhận định Bắc Kinh cần tập trung giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra trong thị trường bất động sản và giúp các công ty tư nhân duy trì tăng trưởng trong năm nay.

Chuyên gia Harry Murphy Cruise của Công ty Moody's Analytics (Mỹ) chỉ ra rằng thực trạng thị trường bất động sản sẽ cản trở đầu tư tư nhân và chi tiêu của người tiêu dùng.

Vì thế, theo ông Harry Murphy Cruise, thành công của năm 2024 sẽ phụ thuộc nhiều vào chuyện các cơ quan chức năng Trung Quốc phục hồi thị trường bất động sản hiệu quả đến đâu.