Mỹ vẫn là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 với trên 81,4 triệu ca mắc và hơn 997.900 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm gần 1.400 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Theo kết quả nghiên cứu mới của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, tỷ lệ người trưởng thành gốc Phi tại nước này nhập viện do đại dịch COVID-19 cao gấp gần 4 lần so với người da trắng trong thời kỳ đỉnh điểm của làn sóng lây nhiễm do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 hồi mùa đông vừa qua.
Cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci cảnh báo rằng, trong vài tuần tới, số ca mắc mới COVID-19 ở Mỹ có thể gia tăng trở lại sau khi giảm dần trong thời gian gần đây. Phát biểu với hãng tin ABC News, Tiến sĩ Fauci nói: "Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu trong vài tuần tới xu hướng giảm dần số ca mắc mới sẽ phần nào chững lại, thậm chí còn có thể gia tăng". Ông nêu rõ: "Liệu điều đó có dẫn đến một đợt tăng đột biến khác, hay có thể là một đợt tăng nhỏ hoặc trung bình hay không, những khả năng này vẫn chưa rõ ràng vì có rất nhiều diễn biến trong thời điểm hiện nay."
Tại Mỹ, số ca mắc mới COVID-19 đã giảm trong 2 tháng qua, với tỷ lệ phơi nhiễm mới ở mức hơn 30.000 ca/ngày. Dự báo của Tiến sĩ Fauci được đưa ra căn cứ vào trường hợp nước Anh, nơi mà những ca dương tính mới đã bắt đầu tăng nhẹ trở lại.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 20/3, nước này ghi nhận tổng cộng trên 43 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 516.500 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 657.000 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 29,6 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Vùng England thuộc Vương quốc Anh sẽ bắt đầu triển khai mũi tiêm tăng cường thứ hai trong tuần tới. Đối tượng là hàng triệu người thuộc nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trước dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, mũi tiêm tăng cường này sẽ được thực hiện cho những nhân viên tại các trung tâm dưỡng lão, người trên 75 tuổi và người có hệ miễn dịch kém. Khoảng 5 triệu người được cho là thuộc nhóm đối tượng này và khoảng 600.000 người đã được đặt lịch tiêm ngay trong tuần tới.
Số ca mắc mới COVID-19 đang một lần nữa tăng mạnh trên khắp nước Anh do biến thể Omicron, với ước tính tỷ lệ nhiễm đang là 1/20 người. Anh là một trong số quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 với hơn 163.000 ca tử vong.
Vùng England thuộc Vương quốc Anh sẽ bắt đầu triển khai mũi tiêm tăng cường thứ hai trong tuần tới. (Ảnh: AP)
Malaysia đang thúc đẩy việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em trong bối cảnh số trẻ em nhiễm COVID-19 tăng cao. Giới chức Malaysia cho biết, số trẻ nhập viện, phải điều trị tích cực từ COVID-19 đang gia tăng. Do đó, các bậc cha mẹ cần cho con em tiêm vaccine càng sớm càng tốt để bảo vệ trẻ trước dịch bệnh.
Giới chức y tế nước này cũng cho biết, tỷ lệ trẻ em bị dị ứng sau khi tiêm vaccine của Pfizer và Sinovac là rất thấp. Giới chức Malaysia nhấn mạnh, người dân cần theo dõi các thông tin chính thức từ Bộ Y tế, không nên nghe các tin tức giả mạo về vaccine.
Nhằm chuẩn bị cho việc mở cửa trở lại biên giới an toàn từ ngày 1/4 tới và trở thành điểm đến an toàn, cũng như tránh cảnh ùn tắc tại các cửa khẩu quốc tế, Bộ Y tế Malaysia vào ngày 20/3 khuyến cáo, du khách trước khi nhập cảnh Malayisa phải thực hiện 3 quy định bắt buộc.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp chung với Bộ Giao thông, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin cho biết: Thứ nhất, du khách nhập cảnh phải tải ứng dụng MySejahtera xuống điện thoại di động; Thứ hai, tải kết quả xét nghiệm RT-PCR trong vòng 72 giờ trước khi khởi hành và điền vào các tờ khai trước khi nhập cảnh. Sau khi hoàn thiện những tờ khai này, du khách sẽ nhận được "Thẻ du lịch" trên ứng dụng MySejahtera và có thể lên máy bay. Theo Bộ trưởng Khairy, với 2 biện pháp bắt buộc như trên, du khách sẽ tiết kiệm thời gian làm thủ tục nhập cảnh từ 30-45 phút so với 60 phút so với trước đây. Dự kiến, trong vòng một tuần tới, Bộ Y tế sẽ công bố những quy định cụ thể khi nhập cảnh.
Một cuộc khảo sát huyết thanh được thực hiện từ tháng 11 đến tháng 12/2021 cho thấy, 86,6% người Indonesia trên 1 tuổi có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Cuộc khảo sát trên do Trường Y tế Công cộng thuộc Đại học Indonesia (FKM UI) phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Viện nghiên cứu sinh học phân tử Eijkman và Phòng xét nghiệm Prodia tiến hành. Cuộc khảo sát đã phân tích 9.541 mẫu huyết thanh tại 514 phường thuộc các khu vực đô thị lớn của Indonesia, cũng như 10.960 mẫu huyết thanh tại 580 làng nông thôn.
Cuộc khảo sát tìm thấy kháng thể chống COVID-19 tại 99,1% số người đã được tiêm hai liều vaccine. Trong khi đó, tỷ lệ này là 91,3% ở những người mới chỉ được tiêm một liều vaccine ngừa COVID-19. Đáng lưu ý, có tới 73,9% số người chưa được tiêm chủng và 99,4% số người vừa mắc COVID-19 mang kháng thể. Tỷ lệ dân số mang kháng thể ở mức 90,8% tại các đô thị và 83,2% ở khu vực nông thôn.
Gần đây, Trung Quốc liên tiếp phong tỏa nhiều địa phương trọng điểm của nước này. Nền kinh tế số hai thế giới là một mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu, nên việc phong tỏa khiến thế giới lo ngại về nguy cơ đứt gãy nguồn cung hàng hóa.
Tuy nhiên, trong đợt dịch này, Trung Quốc chủ trương phong tỏa quyết liệt và mở cửa nhanh chóng. Cách này đang phát huy hiệu quả. Đợt phong tỏa này được thực hiện tại nhiều trung tâm kinh tế lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến, Giang Tô… Các hoạt động logistic, vận chuyển hàng hóa khó tránh khỏi bị ùn ứ tại nhiều cảng lớn như Chu Sơn, Cảng Thanh Đảo… vì kéo dài, chi phí tăng.
Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc thông báo ghi nhận 1.737 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 1.656 trường hợp nhiễm mới do lây nhiễm trong nước. Tỉnh Cát Lâm vẫn là địa phương ghi nhận nhiều ca mắc nhất với 1.191 người. Hiện Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 130.199 ca mắc, trong đó có 4.638 người thiệt mạng vì COVID-19. Ngày 19/3, Trung Quốc đại lục thông báo 2 ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 sau hơn một năm không ghi nhận thêm trường hợp nào.
4,5 triệu dân ở thành phố Cát Lâm sẽ bị phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20/3. (Ảnh: AP)
Ngày 20/3, Trung Quốc đã ra lệnh ở trong nhà đối với hàng triệu người dân ở thành phố Cát Lâm (Đông Bắc nước này) trong nỗ lực ứng phó với đợt bùng phát dịch COVID-19 lớn nhất trong 2 năm qua. Chính quyền địa phương thông báo, Cát Lâm, thành phố lớn thứ hai của tỉnh cùng tên, với 4,5 triệu dân sẽ bị phong tỏa trong 3 ngày từ đêm 20/3. Trước đó, Trung Quốc đã kiểm soát được dịch sau đợt bùng phát năm 2020 bằng các biện pháp phong tỏa, xét nghiệm hàng loạt và hạn chế đi lại. Tuy nhiên, biến thể Omicron đã "chọc thủng" phòng tuyến trong những tháng gần đây và lây lan ra nhiều thành phố.
Thủ phủ tỉnh Cát Lâm, thành phố Trường Xuân vào ngày 19/3 cũng đã thông báo siết chặt các biện pháp hạn chế trong 3 ngày. Từ ngày 11/3, 9 triệu dân của Trường Xuân chỉ được phép ra ngoài 2 ngày/lần để mua lương thực. Các biện pháp mới chỉ cho phép nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch rời khỏi nhà.
Ngày 20/3, người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) Lâm Trịnh Nguyệt Nga thông báo kế hoạch đánh giá lại các biện pháp hạn chế để ngăn chặn dịch bệnh tại vùng lãnh thổ này. Theo đó, quyết định mới liên quan đến các biện pháp hạn chế sẽ được đưa ra sau khi chính quyền tiến hành đánh giá trong ngày 21/3.
Hong Kong vẫn tuân thủ chiến lược "Zero COVID" của chính quyền trung ương Bắc Kinh, với các biện pháp hạn chế và quy định phòng dịch chặt chẽ để nhanh chóng dập tắt các đợt bùng phát dịch trong cộng đồng. Hiện Hong Kong vẫn cấm các chuyến bay từ 9 quốc gia, yêu cầu người đến phải cách ly tối đa 2 tuần trong khách sạn. Thành phố cũng cấm tụ tập hơn 2 người, đóng cửa các địa điểm công cộng, bao gồm cả bãi biển và sân chơi, yêu cầu đeo khẩu trang bắt buộc và dừng các lớp học trực tiếp.
Làn sóng dịch bệnh nghiêm trọng nhất từ trước đến nay tại vùng lãnh thổ này đã gây hậu quả nặng nề tại các nhà dưỡng lão và làm gián đoạn hoạt động ở nhiều khu vực.
Theo nghiên cứu mới của Đại học Cambridge, Anh, 75% người tham gia báo cáo về các triệu chứng dai dẳng hậu COVID-19 khiến họ không thể làm việc. Theo đó, với hơn 180 người tham gia nghiên cứu, 3/4 trong số đó gặp phải vấn đề về trí nhớ và khả năng tập trung sau khi hồi phục từ COVID-19. Họ cho biết, các triệu chứng dai dẳng đến mức họ không thể làm việc được như trước đây. Theo các chuyên gia, các vấn đề về nhận thức là một trong những triệu chứng phổ biến nhất được báo cáo ở nhóm mắc hậu COVID-19.
Trẻ em từng mắc COVID-19 có thể duy trì kháng thể tự nhiên trong ít nhất 7 tháng và tiêm vaccine sẽ giúp tăng cường khả năng bảo vệ trước virus SARS-Cov-2. Đây là kết quả một nghiên cứu của các nhà khoa học bang Texas, Mỹ vừa được công bố trên tạp chí Nhi khoa. Nghiên cứu thực hiện từ tháng 10/2020, thu thập và đánh giá dữ liệu của 218 trẻ em ở bang Texas trong độ tuổi từ 5 đến 19 tham gia khảo sát.
Các tình nguyện viên tham gia nghiên cứu đã cung cấp 3 mẫu máu vào các thời điểm trước tiêm chủng và trong giai đoạn các biến thể Delta và Omicron lây lan. Kết quả cho thấy, dù 96% trẻ có kháng thể lên tới 7 tháng sau khi mắc COVID-19, có 58% mẫu không có kháng thể tự nhiên ở các lần kiểm tra cuối cùng.
Hiện một số phụ huynh hiểu lầm rằng nếu từng mắc COVID-19, con của họ sẽ được bảo vệ bởi kháng thể tự nhiên mà không cần tiêm vaccine. Chính vì vậy, theo các nhà khoa học, kháng thể tự nhiên cùng với kháng thể sinh ra từ vaccine chính là cách bảo vệ trẻ tốt nhất trước COVID-19.