Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan thúc giục Vũ Hán phải dùng "trạng thái thời chiến" để làm tốt công tác chống dịch virus corona, nCoV đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 724 người và lây nhiễm hơn 31.520 người trên toàn cầu.
Tuyên bố này được đưa ra khi bà Tôn Xuân Lan dẫn đoàn công tác trung ương Trung Quốc tới tuyến đầu chống dịch corona ở tỉnh Hồ Bắc, theo Nhân dân Nhật báo ngày 7-2.
Bệnh nhân trong bệnh viện dã chiến. Ảnh: EPA
Nhân viên y tế giúp bệnh nhân nhiễm virus corona kiểm tra sức khỏe tại bệnh viện dã chiến. Ảnh: REX
Làm ngay bài trắc nghiệm để xem bạn đã hiểu đúng về virus corona chưa nhé! Ngoài ra còn rất nhiều bài test bổ ích để bạn nâng cao kiến thức về phòng chống virus corona tại đây.
Bà Tôn chỉ đạo Vũ Hán không để bỏ lọt khi kiểm tra, phân loại các nhóm có khả năng lây nhiễm virus, bảo đảm thiết thực cho an toàn tính mạng và sức khỏe của người dân.
Trong hội nghị bố trí công tác phòng dịch ở Vũ Hán, bà Tôn nhấn mạnh các cấp lãnh đạo địa phương phải nỗ lực chống dịch hết mình: "Trong tình trạng thời chiến không được phép đào ngũ, nếu không sẽ bị lưu lại vết nhơ trong lịch sử".
Bà Tôn cũng yêu cầu Vũ Hán "hoàn thiện cơ chế chỉ huy ứng phó khẩn cấp thời chiến, vận dụng các công cụ quản lý thông minh, thực thi điều phối nhân sự 24 giờ, nhanh chóng giải quyết vấn đề khám chữa của người bệnh, bảo đảm điều phối vật tư…"
Phó Thủ tướng Tôn Xuân Lan lệnh cho các quan chức ngăn chặn sự bùng phát dịch corona tại một cuộc họp. Ảnh: CCTV
Phó thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan kiểm tra bệnh viện dã chiến Hỏa Thần Sơn ở Vũ Hán ngày 2-2. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Chỉ đạo và răn đe của bà Tôn được đưa ra sau cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng, một trong 8 người đầu tiên cảnh báo nCov nhưng bị cảnh sát cáo buộc tung tin đồn thất thiệt, làm tăng sự tức giận khắp Trung Quốc.
Trước đó, trong cuộc họp do Phó thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì, các quan chức hàng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc thống nhất cần đẩy mạnh nỗ lực ngăn chặn nCov khắp tỉnh Hồ Bắc, tăng số giường bệnh và nhân viên y tế. Tỉ lệ tử vong ở Vũ Hán là 4,1%, cao hơn nhiều so với 2,8% trên toàn tỉnh Hồ Bắc và 2% trên cả nước.
Chính quyền TP Vũ Hán đang gõ cửa từng nhà để kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ xác định những người mang mầm bệnh tiềm năng cần được cách ly. Ở các khu vực khác của Trung Quốc, ngày càng nhiều thành phố, thị trấn và thậm chí các ngôi làng hẻo lánh đang tự cách ly.
Bà Tôn đưa ra 4 trường hợp bắt buộc cách ly tại các trạm kiểm dịch: những trường hợp được xác nhận, các ca nghi vấn, những người có liên hệ chặt chẽ với hai trường hợp vừa nêu và những người bị sốt.
Vũ Hán là nơi khởi phát dịch viêm phối cấp do chủng virus corona mới (2019-nCov)gây ra. Để biết thêm về diễn biến của virus corona tại tâm dịch Vũ Hán, bấm vào đây!
Bệnh nhân bị nhiễm virus corona được đưa đến bệnh viện dã chiến tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế Vũ Hán. Ảnh: EPA
Hai tuần sau cuộc khủng hoảng, tờ Guardian ngày 8-2 cho rằng Bắc Kinh không thể đủ khả năng để đóng cửa kinh doanh vô thời hạn trên cả nước. Quy mô bùng phát lần đầu tiên được công bố vào giữa tháng 1, khi Trung Quốc đang trải qua kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Việc hủy bỏ hàng loạt lễ hội vốn mang lại doanh thu lớn cho ngành bán lẻ và du lịch cũng như kỳ nghỉ kéo dài thêm một tuần khiến chi phí của các cửa hàng, nhà máy, nhà hàng và các doanh nghiệp khác bắt đầu tăng lên. Các doanh nghiệp nhỏ cảnh báo gặp một loạt vấn đề, từ chăn nuôi gia súc, trả tiền thuê mặt bằng và lương nhân viên cho các cửa hàng không thể bán được hàng.
Tác động của việc ngừng hoạt động cũng đã vượt ra ngoài biên giới Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Huyndai của Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc, nơi sản xuất ôtô năng suất cao nhất thế giới.