Mới đây, trào lưu “Quỳ gối mừng chồng về nhà” bỗng dưng tràn lan trên khắp các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc.
Làm theo trào lưu để vui hay tự hạ thấp chính mình?
Một điểm chung của các video này là hình ảnh người vợ cùng con (nếu có) đợi sẵn ở cửa chuẩn bị đón chồng đi làm trở về.
Người chồng vừa mở cửa ra thì vợ quỳ rạp xuống sàn lấy dép lê cho chồng mang vào. Đó là còn chưa kể đến hàng loạt động tác như quỳ gối khấu đầu, nằm rạp đợi chồng móc tiền trong túi đặt vào tay…
Không ít người tỏ ra khó hiểu trước trào lưu kỳ lạ này:
“Đang làm gì vậy? Tuyên truyền tư tưởng ‘nam tôn nữ ti’?”.
“Đã thời đại nào rồi, tại sao lại làm những hành động thuộc kiểu phong kiến cũ như vậy?”.
Điều càng khó tin hơn là trào lưu này được rất nhiều người yêu thích, thậm chí còn lũ lượt làm theo.
Nhiều dân mạng đã nói lên cách nghĩ của mình:
“Tổ tiên cố gắng giải phóng phụ nữ, bây giờ lại làm những trò này, chắc họ tức đến nỗi phải đội mồ sống dậy mất”.
“Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình thế này mai sau sẽ đối xử với phụ nữ thế nào đây nhỉ? Thật tâm muốn biết!”.
Có lẽ nhiều người quay kiểu video này không hề có mục đích tôn sùng chồng hay quan niệm phụ nữ thấp bé, mà chỉ đơn thuần là “chơi vui” hoặc để tạo sự nổi tiếng.
Nhưng bất kể với mục đích nào, kiểu thử thách này có thể trở nên thịnh hành, khiến nhiều người làm theo, từ đó giá trị quan biến chất bị phơi bày và lan truyền một cách rộng rãi hơn.
“Một người có thể phấn đấu để được là chính mình quan trọng hơn bất kỳ điều gì”
Không lâu trước đây, còn có một thử thách mạng xã hội càng khó hiểu hơn cả “Quỳ gối mừng chồng về nhà”. Đó chính là “Tự khoe và tự bán mình”.
“Nữ, 36 tuổi, mới 9 phần, chưa từng chạm vào đàn ông, còn nụ hôn đầu, cũng không có người thích. Xinh đẹp có tác dụng gì khi cứ mãi độc thân một mình?”.
“Nữ, mới 8 phần, không kén ăn cũng không miệng lưỡi xấc xược, biết nấu nhiều món ngon vùng miền, có thể ru ngủ và làm nũng, chỉ đang đợi một người tìm đến”.
“Sinh thần vào tháng 5/1996, mới 9 phần, làm việc vô cùng năng nổ, chỉ là trong lòng có nhiều tổn thương, cần người đến dỗ dành và bù đắp”.
Những bài đăng kiểu như vậy có mục đích gì?
Mới 9 phần hay mới 8 phần thực chất là gì? Ý nghĩa của cách nói này trong những bài đăng trên chính là họ tự nhận xét bản thân còn “mới” bao nhiêu phần trăm.
Chỉ có đồ vật mới phân mới và cũ. Bài đăng trên của những cô gái là đang tự biến bản thân thành món hàng để đàn ông lựa chọn sao?
Chưa hết, các yếu tố như “từng ngủ với đàn ông”, “từng có mối tình”... trở thành những phiếu giảm giá để “rao bán bản thân với giá trị rẻ hơn”.
Vậy thì những cô gái này có còn nhận thức được lòng tự trọng và giá trị của mình không?
“17 tuổi, hút thuốc, uống rượu, xăm mình, không còn nụ hôn đầu, từng nắm tay, không sạch sẽ”.
“18 tuổi, thỉnh thoảng hút thuốc, đã cai rượu, không xăm mình, mất nụ hôn đầu, không còn sạch sẽ, đã không thể cứu được nữa”.
Tiểu thuyết gia người Anh - Virginia Woolf từng nói: “Một người có thể phấn đấu để được là chính mình quan trọng hơn bất kỳ điều gì”.
Thật vậy! Ngay cả tôn trọng chính mình còn không biết thì làm sao được người khác tôn trọng.
Những cô gái, người phụ nữ tự ra giá cho mình, xem bản thân là một món hàng dường như đã trở thành trào lưu thịnh hành. Điều này thật sự đáng buồn!
Đấu tranh cho bình đẳng giới là công cuộc lâu dài!
Những năm gần đây, Trung Quốc cực thịnh với những lớp học đào tạo “Nữ đức”, hay đó chính là phẩm cách chính chuyên của người phụ nữ.
Cô giáo đứng giảng: “Nam lớn, nữ nhỏ. Nam là trời, nữ là đất. Bạn là nữ phải làm chuyện của phụ nữ, không nên làm mất đi trật tự này”.
“Yếu đuối là căn nguyên của phụ nữ. Thuận tòng là bản chất của phụ nữ. Đánh, không đánh trả; mắng, không mắng lại; gọi dạ bảo vâng; kiên quyết không ly hôn”.
Vậy thì đây là nơi rèn luyện nữ đức hay là bồi dưỡng nô lệ? Thế mà còn có rất nhiều phụ huynh ép con cái theo học những lớp này.
Phụ nữ ngày nay luôn sẵn sàng tinh thần đấu tranh cho quyền bình đẳng. Theo đó, họ muốn độc lập trong mọi thứ: không cần lấy chồng vẫn có thể sống tốt, kết hôn xong vẫn đi làm kiếm tiền để không bị phụ thuộc, làm những việc mà trước giờ gần như mặc định thuộc về đàn ông…
Nhưng cùng với tinh thần nữ quyền này, nhiều người lại tự hất vào mặt mình gáo nước lạnh. Đơn cử là những trào lưu trên mạng xã hội như “Quỳ gối mừng chồng về nhà”, “Tự khoe và tự bán mình” hay những lớp học “Nữ đức”…
Trong xã hội này, nhiều người ý thức được quyền của phụ nữ, tranh đấu cho bình đẳng giới. Nhưng cũng có không ít người lại khiến những tư tưởng xưa cũ quay trở về, tự khinh và tự hủy hoại chính mình.
(Nguồn: Zhihu)