Trong bối cảnh đại dịch và căng thẳng địa chính trị với phương Tây trong 2 năm qua, tầng lớp trung lưu Trung Quốc liên tục hoãn kế hoạch di cư ra nước ngoài, trong khi một số lại không thể cho con đi du học.
Ngày càng nhiều gia đình đang cân nhắc lựa chọn di cư hoặc du học của con cái. Những người trong ngành cũng cho biết nhu cầu với việc nhập cư Canada vẫn gia tăng, cũng như các kế hoạch lấy quốc tịch nước ngoài một cách nhanh chóng thông qua việc đầu tư.
Daisy Fu - làm dịch vụ hỗ trợ người Trung Quốc có quốc tịch Malta, cho biết, hoạt động kinh doanh đã tăng 20% trong 2 tháng qua. Bà nói: "Hầu hết khách hàng là các phụ huynh đang lo lắng về chính sách giáo dục mới".
Ngoài ra, Chương trình Đề cử Nhập cư Canada là giải pháp thiết thực cho các bậc phụ huynh Trung Quốc đang lo ngại ở thời điểm này. Jack Ho - chủ tịch của Farmed Star Group, công ty tư vấn quốc tế giúp khách hàng nhập cư Canada, cho biết: "Số lượng gia đình Trung Quốc nộp đơn nhập cư vào Canada sẽ đạt mức cao mới vào năm 2022".
Ông nói thêm: "Dù họ là những người giàu có hay nhân viên văn phòng thuộc tầng lớp trung lưu, thì sự thay đổi nhanh chóng về chính sách giáo dục, thị trường tài sản và bất động sản khiến họ khẩn trương tìm đến chương trình nhập cư".
Theo Ho, trước đây, khoảng 95% gia đình sẽ lựa chọn chờ đợi ở Trung Quốc cho đến khi có thường trú nhân ở Canada. Nhưng trong những tháng gần đây, tỷ lệ đó đã giảm mạnh và hơn 1 nửa số khách hàng của ông cho biết họ muốn đến Canada ngay khi có giấy phép lao động để con được đi học sớm.
Theo Quy định Thực hiện Luật Khuyến khích Giáo dục Tư thục, các trường quốc tế không được cấp phép mới cung cấp chương trình giáo dục bắt buộc. Các trường tư thục do Trung Quốc điều hành cũng bị cấm sử dụng sách giáo khoa nước ngoài, dù các trường tư thục dạy lớp 10-12 vẫn có thể tiếp tục cung cấp các chương trình giảng dạy quốc tế.
Zhang Na - điều hành một startup về văn hóa và công nghệ ở Thành Đô, chia sẻ: "2 trong số các con của tôi đã theo học 1 trường quốc tế ở Thành Đô, họ sử dụng sách giáo khoa của Singapore và có cách giảng dạy của phương Tây. Các con được học bóng chày và một số ngoại ngữ khác".
Zhang nói: "Học phí là khoảng 70.000 NDT (11.000 USD)/năm và tôi hài lòng với mọi thứ mà trường cung cấp. Nhưng kỳ học này trường phải đóng cửa do chính sách thay đổi đột ngột, nên tôi phải tạm thời cho đến học một trường tư, chỉ giảng dạy bằng tiếng Trung".
Zhang cho biết các con cô đã rất căng thẳng vì môi trường cạnh tranh khốc liệt và áp lực phải thể hiện xuất sắc trong các kỳ thi. Chị nói: "Tôi phải từng trì hoãn về dự định nhập cư, nhưng giờ tôi sẽ lên kế hoạch trở lại".
Tháng 12, các trường quốc tế ở Thâm Quyến trước đây vẫn tuyển sinh học sinh Trung Quốc đã thông báo rằng họ sẽ đóng cửa hoặc chuyển mô hình kinh doanh chỉ tập trung vào học sinh nước ngoài. Tháng 11, một trong những trường tư thục danh tiếng nhất của Anh - Trường Westminster, cho biết họ sẽ đóng cửa cơ sở ở nước ngoài đầu tiên là Thành Đô sau 4 năm hoạt động.
Tại Bắc Kinh, giới chức ngành giáo dục cũng đang thúc đẩy cải cách chương trình giảng dạy ở các trường song ngữ tư thục bằng cách yêu cầu sử dụng sách giáo khoa tiếng Trung. Học sinh cũng phải tham gia kỳ thi đầu vào bắt buộc vào các trường phổ thông công lập.
Xiong Bingqi - Phó giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết: "Nhiều trường quốc tế sẽ yêu cầu học sinh học theo phương pháp truyền thống - được gọi là zhong kao, vì Trung Quốc đang thống nhất các tiêu chuẩn tuyển sinh cho các trường trung học tư thục và công lập. Nhưng trường quốc tế sẽ chỉ sử dụng như 1 tài liệu tham khảo".
Stephen Wang - cha của 1 học sinh lớp 8 tại Học viên Thanh thiếu niên Thế giới Bắc Kinh, cho biết, dù yêu cầu về chương trình học zhong kao khiến khối lượng bài tập của con gái anh tăng gấp đôi, nhưng điều này có thể tốt cho sự nghiệp của cô bé trong tương lai. Anh nói: "Con gái tôi rất vất vả để học 2 bộ môn. Tuy nhiên, việc này có thể chứng minh giá trị vào một ngày nào đó. Sau khi du học, con bé sẽ có quyền tự do lựa chọn sự nghiệp ở Trung Quốc".
Trong khi đó, Susan Li - giám đốc điều hành 1 công ty và mẹ của một học sinh lớp 6 trường quốc tế ở Bắc Kinh, cho hay: "Trường của con tôi không thông báo liệu họ có bắt buộc con tham dự các kỳ thi hay không. Nhưng tôi e rằng điều này sớm muộn sẽ diễn ra".
Li cảm thấy việc này rất mất thời gian, vì gia đình chị quyết tâm cho con theo học một trường đại học ở Anh nên việc chuẩn bị cho các kỳ thi trong nước là không cần thiết.
Tham khảo SCMP