Tính đến ngày 10/3, Việt Nam đã ghi nhận 33 ca nhiễm Covid-19, trong đó riêng 3 ngày, từ 6 - 8/3 có 14 ca mắc mới (9 người nước ngoài, 5 người Việt). Sau chuỗi 22 ngày liên tiếp kiểm soát tốt dịch bệnh, không có ca nhiễm mới, 16 bệnh nhân được chữa khỏi, ca bệnh thứ 17 xuất hiện khiến tất cả thay đổi. Hà Nội họp khẩn ngay trong đêm, người dân không khỏi hoang mang, lo lắng.
Bệnh nhân số 17 trở thành chủ đề bàn tán của nhiều người không phải bởi cô ấy phá vỡ chuỗi 22 ngày, mà bởi sự gian dối trong tờ khai y tế tại sân bay. Chính xác là cô đã “bỏ qua” hành trình đến tâm dịch Milan của Italia để được về nước trót lọt mà không được cách ly y tế đúng quy trình.
Từ sự không trung thực ấy, ít nhất 2 người khác lây bệnh, hơn 60 hộ gia đình ở khu vực lân cận, hàng trăm nhân viên y tế, nhiều người tiếp xúc và người tiếp xúc với người tiếp xúc đã phải cách ly bắt buộc, 1 bệnh viện đã phải tạm ngưng hoạt động, thiệt hại khó có thể tính toán. Và thiệt hại sẽ càng khôn lường hơn, nếu có thêm những ca bệnh không được cách ly và kiểm soát do khai báo y tế không trung thực.
Tấm gương tày liếp từ “bệnh nhân siêu lây nhiễm” Covid-19 của Hàn Quốc vẫn còn chưa mờ. Người phụ nữ 61 tuổi, bệnh nhân số 31 đã từ chối kiểm tra y tế và di chuyển nhiều nơi, tiếp xúc với hàng nghìn người, khiến bệnh lây lan cho cộng đồng, biến cả thành phố Daegu (Hàn Quốc) trở thành ổ dịch và Hàn Quốc là ổ dịch Covid-19 lớn thứ 2 trên thế giới sau Trung Quốc.
Có lẽ họ đều có lý do riêng, nhưng dù lý do ấy là gì thì rõ ràng đây là việc làm thiếu trách nhiệm với sức khỏe cá nhân, gia đình và cả cộng đồng. Bởi lẽ các bệnh nhân không sống một mình, và việc khai báo y tế, cách ly phòng dịch Covid-19 không phải là chuyện cá nhân, mà là trách nhiệm với gia đình, những người xung quanh và cả cộng đồng rộng lớn.
Công sức chống dịch bệnh của các cơ quan ban ngành, của tất cả những người dân có ý thức có thể bị đổ sông đổ bể trong phút chốc chỉ vì ý thức kém cỏi của một vài cá nhân mang bệnh. Chúng ta từ chỗ chủ động, tự tin trong cuộc chiến với Covid-19, bỗng rơi vào thế bị động đột ngột vì sự không trung thực của một số cá nhân.
Với kinh nghiệm chống dịch nhiều năm, sự nhanh nhạy, sát sao của cả bộ máy, sự đồng lòng và niềm tin của dân chúng, chắc chắn Việt Nam sẽ giành lại thế chủ động để giành chiến thắng, song cuộc chiến đó sẽ gian nan hơn và tốn công sức hơn bởi sự vô ý thức của một số người.
Sẽ không ai trong chúng ta ổn nếu nghĩ về kịch bản tương tự tại Hàn Quốc. Hiểm họa sẽ khôn lường, dịch bệnh Covid-19 có thể lây lan ra cộng đồng và khó kiểm soát hơn rất nhiều nếu có thêm ai đó bị nhiễm bệnh mà không khai báo và không cách ly đúng quy định.
Ngay cả khi trốn tránh ở nhà một cách có ý thức nhất, người nhiễm vẫn có thể lây bệnh trước tiên cho những người thân trong gia đình. Nếu trong nhà có người có nguy cơ cao như người già yếu, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai hay người có các bệnh nền mạn tính… thì càng nguy hiểm. Bản thân người bệnh nếu không được điều trị kịp thời có thể tiến triển nặng, miễn dịch kém, thể chất yếu có thể đe dọa tử vong.
Còn nếu người đó vẫn hồn nhiên tự điều trị, hết sốt lại ra đường chơi, ăn nhà hàng, ra công viên giải trí, vào quán bar, đi hát karaoke… Thật khó mà tưởng tượng chuyện gì có thể xảy ra. Sự thoải mái trong 14 ngày cách ly, có bù đắp lại những điều ấy không?
Thế nên với những người được Bộ Y tế khuyến cáo phải cách ly y tế, theo dõi sức khỏe phòng Covid-19, điều đúng đắn nhất nên làm là có trách nhiệm khai báo y tế trung thực về hành trình đi lại và tình trạng sức khỏe của mình. Đồng thời tuân thủ yêu cầu cách ly dù là tại nhà hay tại nơi tập trung nếu bản thân có yếu tố nguy cơ. Đó không phải là chuyện thích hay không, mà là ý thức, trách nhiệm của một cá nhân trước gia đình, trách nhiệm công dân trước xã hội và đất nước.
Vào thời điểm này, khi các nhà khoa học chưa thể nghiên cứu thành công thuốc để ngăn chặn dịch, hoặc trong trường hợp xấu, dịch bệnh kéo dài thêm nữa, không ai thực sự an toàn. Ngay cả khi thuộc nhóm có nguy cơ thấp, chúng ta cũng không thể vô can. Hoang mang, lo lắng, đổ xô đi tích trữ thực phẩm hoặc góp lời tấn công những người đã lỡ mang mầm bệnh và trở thành người lây truyền không khiến chúng ta an toàn hơn.
Giống như ứng phó trước một cơn cháy rừng. Tìm ra kẻ đã châm mồi lửa cũng tốt, nhưng tốt hơn là căng mình dập lửa, ngăn chặn nó lây lan đến vùng an toàn. Đó không chỉ là trách nhiệm quản lý của ngành chức năng, mà là vấn đề của mỗi công dân trong một đất nước, hay rộng hơn ra là trên toàn thế giới.
Những con virus nhỏ bé là những nhánh “tầm gửi” thông minh, có thể biến dị, đổi mã gene để len lỏi vào cơ thể vật chủ, gieo mầm khắp nơi để “lấn cành”. Chúng có thể khiến cơ thể vật chủ kiệt quệ, rút mòn mọi năng lượng và khiến con người tử vong trong đau đớn.
Nhưng có một thứ duy nhất chúng không thể chạm vào: Ý thức của chúng ta. Hơn bao giờ hết, đây là lúc chúng ta dùng sức mạnh ý chí để biến thành hành động cụ thể trong cuộc chiến với những sinh vật bé nhỏ, thông minh và gần như vô hình này.
Đây là lúc chúng ta không thể lơ là cảnh giác chuyện đeo khẩu trang ở nơi công cộng, rửa tay đúng cách, tránh tụ tập nơi đông người. Là lúc thay vì đổ xô mua hàng tích trữ, gây lũng đoạn thị trường và làm khó thêm cho cơ quan quản lý thì hãy bình tĩnh sống và tích trữ kiến thức, chia sẻ nó cho tất cả.
Đây là lúc chúng ta tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của cơ quan y tế, tự bảo vệ sức khỏe của mình và người thân trước những bệnh khác để tránh làm quá tải, căng thẳng thêm cho ngành y. Đây là lúc chúng ta không lan truyền tin xấu, “thả” năng lượng tiêu cực khiến người xung quanh “phát bệnh” tinh thần.
Đó là cách mỗi người tự bảo vệ sức khỏe, tính mạng của bản thân, gia đình và cộng đồng, góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống dịch cho chính chúng ta, gia đình chúng ta và xã hội chúng ta đang sống.
Chúng ta đang ở những ngày cam go, thời điểm mà tất cả phải căng mình “chống dịch như chống giặc”. Vào những lúc quan trọng này, cách tốt nhất có lẽ không phải là hoảng loạn, man trá hay trách móc, mà phải tìm ra giải pháp. Chúng ta cần tỉnh táo, nhưng với tinh thần cài hoa lên mũ, biến nguy thành cơ để bình tĩnh sống tiếp, giữ sức trong cuộc chiến mới.
Nghĩ về khu cách ly, ai đó có thể chọn cách sợ hãi, trốn chạy, nghĩ về sự kém thoải mái, thay đổi nếp sinh hoạt, “cuồng chân”, nhưng cũng có thể coi đó là một dịp sống chậm hiếm có để ngẫm nghĩ nhiều hơn.
Như cô nàng Châu Bùi nổi tiếng chẳng hạn, vào khu cách ly sau khi từ Pháp về đã rất chăm chỉ đăng tải các hoạt động ăn uống, sinh hoạt của mình để người hâm mộ theo dõi. Thậm chí, cô nàng còn tạo hẳn một album Nhật Ký 14 ngày cách ly tập trung của Châu để làm nơi lưu giữ những hình ảnh trong những ngày đáng nhớ này.
Với Châu, đó là những ngày tĩnh lặng, ăn uống đủ chất hơn ở nhà, sống điều độ, không thức khuya, ngủ dậy sớm hít thở không khí trong lành, có thời gian tập luyện thể thao, không cần make up, chuẩn bị tóc tai cầu kỳ và bù đầu với công việc.
Tương tự vậy, ca sĩ Lynk Lee được tiến hành cách ly tập trung từ 6/3 cũng tỏ ra yên tâm, thoải mái và giữ tinh thần lạc quan. Anh chàng hóm hỉnh gọi đây là một chuyến đi nghỉ ngơi, không xô bồ, bon chen.
Là những người có sức ảnh hưởng, có mối quan hệ rộng và có nguy cơ trước Covid-19, họ đã chọn một cách tử tế để bảo vệ sức khỏe của mình và cộng đồng xung quanh. Hơn thế, đó còn như một lời phát biểu sống động về trách nhiệm công dân trong tình hình dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp. Chúng ta cần sự đồng lòng và quyết tâm cao, sự tự giác và tử tế của mỗi cá nhân để chiến đấu và chiến thắng "cô Vy".