Ngày 3-1, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 12, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng Bộ Công an, đã thông tin bước đầu về việc công an các địa phương đã khởi tố, điều tra nhiều bị can liên quan đến hoạt động đăng kiểm phương tiện cơ giới ở nhiều địa phương, trong đó có TP HCM.
Phương tiện xếp hàng chờ đăng kiểm tại một trung tâm đăng kiểm ở Hà Nội. Ảnh: Minh Chiến
Theo Trung tướng Tô Ân Xô, vừa qua, nhiều giám đốc, phó giám đốc, đăng kiểm viên của một số trung tâm đăng kiểm xe cơ giới tại TPHCM và nhiều tỉnh thành đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra về các hành vi "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ" và "Giả mạo trong công tác".
Đồng thời, công an tiếp tục mở rộng khám xét tại Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam và triệu tập các đối tượng liên quan.
Đến nay, cơ quan công an đã khởi tố 43 bị can để điều tra.
Bước đầu, cơ quan công an xác định có sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số trung tâm đăng kiểm.
Nêu rõ về thủ đoạn của các đối tượng, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết một số trung tâm đăng kiểm đã bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn; sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...
Theo ông Tô Ân Xô, bước đầu xác định có hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được đăng kiểm theo dạng "làm luật" nêu trên, thu lợi bất chính hàng chục tỉ đồng. Cũng theo Trung tướng Tô Ân Xô, một số trung tâm kiểm định không đủ tiêu chuẩn nhưng đã lập hồ sơ ảo để "lách luật".
Đáng chú ý, ông Tô Ân Xô nhắc đến trường hợp giám đốc một trung tâm đăng kiểm ở huyện Nhà Bè (TP HCM) không biết chữ, khi lấy lời khai thì được biết đối tượng chỉ học đến lớp 3 cách đây khoảng 50 năm, sau đó lên làm giám đốc một trung tâm đăng kiểm.
"Việc này cho thấy các đối tượng rất liều lĩnh. Các hành vi vi phạm trong việc giám sát chất lượng phương tiện đã làm ảnh hưởng, xâm phạm đến hoạt động quản lý Nhà nước, gây thiệt hại tài sản cho người dân, gây dư luận xấu trong xã hội, gây nguy cơ mất an toàn cho người dân khi điều khiển phương tiện..." - Trung tướng Tô Ân Xô nhấn mạnh.
Theo đại diện Bộ Công an, các vi phạm này có thể nói là một loại "virus Việt Á" ở các trung tâm đăng kiểm tại các địa phương, hiện lực lượng công an đang tập trung điều tra, làm rõ.